Bài toán cứu cánh

Chính phủ Phillipines đặt mục tiêu cao cho ngành nông nghiệp trong nước, vốn chỉ chiếm chưa đến 10% GDP quốc gia, trong kế hoạch phục hồi kinh tế trong và hậu COVID-19.

Tháng Bảy 2020, Edilberto Trinidad, một thợ điện đang làm việc theo hợp đồng tại Kuwait trở về quê nhà ở tỉnh Bulacan, phía Bắc thủ đô Manila sau khi một công nhân trên công trường nhiễm COVID-19. Từ mức lương đều đặn 600 USD/ tháng trước đây, anh hiện dựa vào chiếc hộp hồi hương “balikbayan” gồm máy mài, mỏ lết, máy khoan để kiếm sống qua ngày.

“Bạn nghĩ ra đủ loại việc để tồn tại”, Trinidad cho biết. Gần đây anh và vài người hàng xóm hùn vốn mua một con lợn và kiếm được một khoản nhờ xẻ thịt đem đi bán.

Trinidad là một trong số 10 triệu lao động xuất khẩu người Phillipines – xấp xỉ một phần mười dân số quốc gia Đông Nam Á này - làm việc ở nước ngoài để tránh cảnh thất nghiệp, lương thấp và giới hạn cơ hội nghề nghiệp. Từ giúp việc nhà tại Angola, công nhân ngoài công trường ở Nhật Bản, nhân viên mỏ dầu ở Libya, bảo mẫu cho các gia đình Hồng Kông, ca sĩ trên sân khấu ở Trung Quốc đến quản lý tại các khách sạn ở Trung Đông, số tiền mà người lao động Philippines ở nước ngoài gửi về nước mỗi năm lên tới 31 tỉ USD - khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội của Philippines.

Hệ thống đào tạo và dạy nghề của Phillipines cũng đảm bảo người lao động có thể làm việc tại nước ngoài. Hàng năm, khoảng 19 nghìn y tá được đào tạo về chuyên môn và ngôn ngữ, từ nước này tỏa đi khắp các bệnh viện trên thế giới. Một phần tư người đi biển là người Phillipines.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn tất cả. Chính phủ Phillipines dự đoán đến cuối năm 2020, hơn 400 nghìn người lao động nước ngoài sẽ trở về quê hương. Ngành nông nghiệp là ngành duy nhất ở nước này còn khả năng hấp thụ một lượng lớn lao động như vậy. Chuyển đổi nông nghiệp Philippines thành ngành sản xuất năng động, tăng trưởng cao là điều cần thiết để quốc gia này tăng tốc độ phục hồi, giảm nghèo và tăng trưởng sau đại dịch, Báo cáo “Chuyển đổi ngành nông nghiệp Phillipines” của Ngân hàng Thế giới 2020 nêu rõ.

Việc chuyển đổi hệ thống trồng trọt và lương thực của Phillipines còn cấp thiết hơn trong thời gian đại dịch do nhu cầu đảm bảo chuỗi giá trị lương thực và kinh tế nông thôn. “Hiện đại hóa nền nông nghiệp quốc gia là chương trình vô cùng quan trọng cho Phillipines”, theo ông Ndiame Diop, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Brunei, Malaysia, Thái Lan và Phillipines. “Chuyển đổi nông nghiệp và hệ thống cây lương thực luôn là thách thức. Nhưng tầm nhìn mới của đất nước về nông nghiệp, lực đẩy hiện tại để đa dạng hóa ngành và sử dụng các công nghệ hiện đại, cùng với việc quản lý hiệu quả nguồn cung cấp lương thực trong thời kỳ đại dịch này cho thấy rõ rằng nước này được trang bị tốt để vượt qua thách thức", ông Diop cho biết.

Trước đây, chi tiêu của chính phủ Phillipines cho ngành nông nghiệp chủ yếu hướng đến hỗ trợ giá cho một số loại cây trồng nhất định, cũng như trợ cấp đầu vào như phân bón, nguồn giống và máy móc. Kinh nghiệm toàn cầu cho thấy việc đảm bảo các yếu tố đầu vào chính vẫn quan trọng, nhưng việc định hướng lại chi tiêu công đáng kể cho nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở hạ tầng, đổi mới hệ thống, cập nhật thông tin thị trường và hệ thống an toàn sinh học - giúp giảm nghèo nhanh hơn và tăng năng suất thông qua hiện đại hóa tổng thể nền nông nghiệp.

Thực tế, những hộ nông dân nhỏ lẻ của Phillipines gặp khó để tiếp cận đầu vào và thị trường cho nông sản họ làm ra, trong khi những người mua như các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và người bán buôn khó khăn để thu mua đủ số lượng và chất lượng cần thiết để chế biến kịp thời. Sự hỗ trợ của chính phủ có thể giúp khắc phục sự thất bại này của thị trường bằng cách tập hợp người mua và hỗ trợ cho việc chuẩn bị và thực hiện các kế hoạch kinh doanh có lãi, có lợi cho cả hai bên.

Các can thiệp của chính phủ như hợp nhất nông trại (bao gồm các chương trình hợp tác hóa nông nghiệp), dịch vụ khuyến nông tốt hơn, thương mại điện tử và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kinh doanh nông nghiệp có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp Philippines.

“Những thay đổi cấu trúc này sẽ rất quan trọng để đáp ứng các cơ hội thị trường trong nước và toàn cầu đang nổi lên, đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực của đất nước và đáp ứng những thách thức mới của biến đổi khí hậu”, theo bà Dina Umali-Deininger, chuyên gia về Nông nghiệp và Lương thực tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới.

Một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa có thể cung cấp việc làm cho hàng ngàn lao động Phillipines từ nước ngoài trở về do đại dịch, theo ông Matthias Leitner, nhà kinh tế học nông nghiệp tại ADB. Chính phủ cũng đã bắt đầu cung cấp các chương trình huấn luyện tay nghề cho đối tượng có nhu cầu chuyển đổi lao động.

Ngành nông nghiệp ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines, vốn đã có nhiều điểm thiếu sót, thậm chí trước khi đại dịch tấn công. “Lương trung bình cho người lao động ngoài lĩnh vực nông nghiệp cao hơn khoảng 10% mức lương hàng ngày tối đa trong nông nghiệp. Là một ngành sắp tới sẽ ngành nhiều lao động, nông nghiệp cần hiện đại hóa và cải thiện tính cạnh tranh”, theo Leitner. Chính phủ Phillipines đang thúc đẩy “nếp nghĩ mới” trong nông nghiệp và tập trung vào hiện đại hóa và gia tăng giá trị để ngành này trở thành cỗ máy tăng trưởng và tạo ra thêm nhiều việc làm.

“Lao động trở về nông thôn thường là những người có tay nghề cao và các nước có thể sử dụng tiềm năng này để tạo ra các cơ hội nghề nghiệp đúng đắn. Thông qua các chính sách và chương trình có mục tiêu, lao động trở về có thể làm mạnh chuỗi giá trị thông qua vốn hiểu biết, kỹ năng cơ khí, và đưa vào vùng nông thôn những biện pháp canh tác và số hóa”, Leitner cho biết.

Cao Dung

minhtam

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bai-toan-cuu-canh-a3425.html