Việt Nam đứng thứ 5 khu vực châu Á về sản lượng rau củ quả, trái cây và đã có mặt tại trên 60 quốc gia trên thế giới. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau củ quả tập trung theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Mỗi năm vùng này cho sản lượng 4,3 triệu tấn trái cây, chiếm 60% sản lượng cả nước. Sản lượng rau củ chiếm 26% cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hẳn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, rau quả
Việt Nam nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng cũng đang phải đối diện với
những thách thức không nhỏ như cạnh tranh thương mại giữa các nước, rào
cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, kỹ thuật bảo quản trái cây và rau
quả còn yếu, đặc biệt dịch vụ logistics còn hạn chế, thiếu hệ thống kho
lạnh cho sản phẩm rau quả. Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ có 6 kho
lạnh, trong khi vùng sản xuất chiếm 60 - 65% sản
lượng khu vực phía Nam.
Hiện rau quả vùng này chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
thông qua các doanh nghiệp đầu mối hoặc thương lái theo thời vụ. Đây là
thị trường có tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm thấp hơn so với các
quốc gia phát triển khác. Vì thế, giá trị gia tăng, thu nhập của nông
dân sản xuất rau củ quả còn thấp. Bên cạnh đó, việc thiếu nơi bảo quản
dẫn tới việc nông sản tới vụ thu hoạch thường bị thương lái ép giá.
Mới đây kho lạnh thông minh có diện tích 10.000 m2, quy mô đầu tư 1,1 triệu
USD vừa được khởi công tại Trà Vinh. Trong đó, vốn tài trợ từ Ủy ban
FinExpro (Bỉ) chiếm 83,8%, còn lại là vốn đối ứng bằng tiền mặt của địa
phương. Toàn bộ nguyên liệu, máy móc xây dựng được nhập khẩu từ Bỉ.
Đây là mô hình trình diễn điểm trong khuôn khổ dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường châu Âu, Trung Đông do Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam và UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức.
Sau dự án tại Trà Vinh, chuỗi 5 kho lạnh thông minh sẽ được xây dựng đồng bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam, cho biết quỹ này đang tìm các địa điểm tối ưu để xây dựng hệ thống kho lạnh này. Dự án xây dựng chuỗi 5 kho lạnh thông minh được triển khai song song với chương trình hỗ trợ nông dân nâng cao kiến thức, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón vi sinh, tài chính... giúp nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Khi dự án hoàn thành, tổng số kho lạnh của khu vực sẽ tăng gần gấp đôi so với hiện tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo nghiên cứu của CEL, chỉ có 14% các nhà sản xuất Việt Nam được liên
kết với các giải pháp chuỗi lạnh, chủ yếu là ngành thủy sản (chiếm 42,1%
trong tổng số các nhà sản xuất). Chỉ tính riêng kho lạnh cho các ngành sản xuất, đặc
biệt là nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Thị trường chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1,8 tỉ USD vào năm 2021. Quy mô này sẽ còn tăng lên mạnh mẽ khi con số sử dụng chuỗi cung ứng lạnh chỉ mới chiếm một phần nhỏ, theo Ken Research.
Hoàng Minh