Thu nhỏ không giúp sống sót

Việc giảm quy mô có thể dẫn đến một loạt các vấn đề, mà từ đó có thể tăng khả năng phá sản một doanh nghiệp.

Trong thời gian đại suy thoái cuối năm 2008, các công ty khắp thế giới đều thu nhỏ lực lượng lao động. Chỉ một năm rưỡi từ cuối năm 2008 đến giữa năm 2010, chỉ tính riêng các doanh nghiệp Mỹ đã có hơn 8 triệu công nhân bị cho nghỉ việc. Việc giảm lao động, thu hẹp sản xuất vẫn tiếp tục ngay cả khi tình hình tài chính thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Đó dường như là giải pháp các doanh nghiệp lựa chọn để giảm chi phí, điều chỉnh cơ cấu nhằm tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp thu hẹp hoạt động như vậy vẫn còn gây tranh cãi. Nghiên cứu của HBR cho rằng việc giảm quy mô doanh nghiệp thậm chí có thể làm tăng khả năng phá sản doanh nghiệp.

Giảm quy mô, cho công nhân nghỉ việc có thể mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp như tăng hiệu suất và doanh số bán hàng. Tuy nhiên điều này có thể dẫn đến tác động tiêu cực là giảm độ hài lòng của khách hàng, và ảnh hưởng xấu đến tâm lý của những nhân viên ở lại. Thực tế trong vài năm trở lại đây, một loạt các công ty nổi tiếng toàn cầu đã tiến hành cắt giảm lao động như Victoria's Secret, Lowe’s và PepsiCo.

Nhóm nghiên cứu của HBR từ Đại học Auburn, Đại học Baylor và Đại học Tennessee, Chattanooga bắt tay vào việc nghiên cứu hậu quả của việc giảm quy mô trong các tập đoàn lớn có trụ sở tại Mỹ. Họ thử nghiệm lý thuyết rằng việc giảm quy mô có thể dẫn đến một loạt các vấn đề, mà từ đó có thể tăng khả năng phá sản một doanh nghiệp.

Nhóm nghiên cứu cho rằng giảm quy mô khiến doanh nghiệp mất đi các kiến thức, kỹ năng quý giá đã được các nhân viên tích luỹ. Các nhân viên còn lại trở nên chật vật với khối lượng công việc gia tăng, trong khi không thể dành thêm thời gian để học bù lại các kỹ năng mới. Đồng thời, những người ở lại cũng mất đi niềm tin với người quản lý, dẫn đến giảm gắn bó với công ty, giảm trung thành và sự cống hiến.
Những thay đổi nói trên có thể gây ra hậu quả xấu về sau cho khả năng đổi mới doanh nghiệp. Điều này không thể hiện qua các chỉ số tài chính ngắn hạn.

Xem xét dữ liệu từ năm 2010 của 4.710 doanh nghiệp được đem bán công khai, nhóm nghiên cứu tìm hiểu khả năng phá sản của họ trong 5 năm tiếp theo. Các doanh nghiệp này trải dài 83 lĩnh vực khác nhau, bao gồm các ngành dịch vụ, công nghệ cao, sản xuất, nhưng không bao gồm các doanh nghiệp tài chính, bởi khả năng phá sản trong ngành này chịu ảnh hưởng sâu sắc của Đạo luật Dodd-Frank.
Nghiên cứu nhận ra rằng 24% các doanh nghiệp được khảo sát đã giảm lực lượng lao động từ 3% trở lên trong năm 2010, bao gồm Ford, Petmed Express và Regal Cinemas.

Để đảm bảo tính chính xác của nghiên cứu, các chuyên gia kiểm soát các yếu tố đã biết có thể ảnh hưởng đến cả việc thu nhỏ và phá sản. Những yếu tố này bao gồm quy mô doanh nghiệp, sự thay đổi trên thị trường vốn, tình hình hoạt động trước đó, khả năng sinh lời, nguy cơ phá sản (theo thang điểm Altman Z-score), v.v. Các doanh nghiệp có thể khác nhau về số nhân sự cắt giảm, nhóm nghiên cứu kiểm soát tỉ lệ phần trăm nhân việc bị cho thôi việc theo từng lần cắt giảm. Đồng thời, các chuyên gia cũng tính đến số lần sáp nhập trong năm năm trước (vì cắt giảm nhân sự thường xảy ra sau sáp nhập) và tính luôn sự khác biệt trong các ngành nghề. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu khẳng định kết luận của mình về mối quan hệ giữa việc thu hẹp hoạt động và phá sản của các doanh nghiệp sau khi đối chiếu với dữ liệu trong khoảng năm 1995-2000.

Nhóm nghiên cứu nhận ra rằng các công ty giảm quy mô có khả năng tuyên bố phá sản cao gấp đôi so với các công ty không giảm quy mô, dù không phủ nhận những kết quả tích cực của việc giảm quy mô. Trên thực tế, mặc dù tiết kiệm chi phí trong ngắn hạn, việc cắt giảm này lại đẩy các doanh nghiệp vào thế khó khăn hơn và tăng khả năng phá sản.

Tuy nhiên, không phải giảm quy mô bao giờ cũng dẫn đến phá sản. Vậy yếu tố nào giúp các doanh nghiệp giảm quy mô một cách an toàn?
HBR nhận thấy rằng có nguồn lực tài chính và vật chất dồi dào không thể thay thế được số nhân viên bị giảm bớt, những người không chỉ đóng vai trò trong công việc, mà còn là nguồn lực vô hình mang lại tri thức và đóng góp văn hoá trong doanh nghiệp. Nguồn tài chính dồi dào vẫn được xem như liều thuốc chữa bách bệnh, nhưng thực tế không đóng góp nhiều trong việc ngăn chặn đà phá sản, đặc biệt với các doanh nghiệp thu hẹp quy mô.

Trước khi quyết định giảm quy mô, lãnh đạo doanh nghiệp cần xem xét liệu có lợi ích ngắn hạn nào thu được từ việc cắt giảm nhân sự có thể bù đắp cho hậu quả dài hạn nghiêm trọng có thể xảy đến, đồng thời kiểm tra đầy đủ các nguồn lực của doanh nghiệp, liệu có thể khắc phục được những hậu quả đó hay không. Bất kỳ động thái nào nhằm loại bỏ các nguồn lực vô hình quan trọng đều có thể hạn chế khả năng của nhà quản lý trong việc chống đỡ hoặc khắc phục các tác động tiêu cực từ việc sa thải nhân viên gây ra.

Việc giảm quy mô thường là một phần của kế hoạch tái cơ cấu, do vậy các nhà quản lý cần đảm bảo giữ lại các nhân tố tích cực có thể hạn chế các kết quả tiêu cực. Quan trọng nhất, theo HBR, các doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô cần tập trung cẩn thận vào các nguồn lực vô hình, thay vì các nguồn lực tài chính hoặc vật chất khác. Các nguồn lực đó nằm ở những nhân viên có giá trị mà doanh nghiệp buộc phải giữ lại.

Lược dịch từ báo cáo của Harvard Business Review
Tiêu đề do BBT đặt

minhtam

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thu-nho-khong-giup-song-sot-a3288.html