Số lượng tài khoản người dùng của MoMo đủ để ví điện tử làm được nhiều việc mà các ứng dụng khác chưa thể làm được. Ngay trong ngày ra quân đầu tiên của chiến dịch giải cứu vải thiều bằng cách mua vải ngay trên ứng dụng MoMo, đã có gần 18 tấn vải được mua, thanh toán bằng ví điện tử.
“Sức mạnh của đám đông lớn hơn mình có thể tưởng tượng” - ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch HĐQT, Đồng Tổng Giám Đốc MoMo cho biết. Trong vòng chỉ 1- 2 tháng, MoMo đã quyên góp từ người dùng ví để giúp hơn 100 em nhỏ phẫu thuật mổ hàm ếch, hàng trăm em nhỏ mổ tim. Các khoản quyên góp đến từ những khoản tiền lẻ, có khi chỉ vài nghìn đồng, hoặc tích luỹ từ thành tích đi bộ của chính người dùng…
Hiện nay, từ ví điện tử hay ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động (mobile banking), người dùng đều có thể mua sắm nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác nhau như thanh toán tiền điện nước, mua vé máy bay, tàu hoả, mua sắm tại các ứng dụng thương mại điện tử… Trong việc mở rộng các dịch vụ ngay trên ứng dụng, ví điện tử với tuổi đời chưa đến một thập kỷ thường có lợi thế hơn so với các ứng dụng của ngân hàng, vốn đã có thời gian tồn tại hàng chục năm, với cơ chế cồng kềnh và khó thay đổi.
“Mục tiêu mỗi dịch vụ mới mở ra trên ví phải thu hút được thêm ít nhất 1 triệu người dùng. Nếu không đạt, dịch vụ đó thất bại” - ông Nguyễn Mạnh Tường (MoMo) cho biết.
Ví điện tử đang dần vượt ra ngoài phạm vi giúp khách hàng tiêu dùng, luân chuyển các khoản tiền nhỏ, mà đã trở thành trung gian thanh toán các giao dịch hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Ngân hàng Nhà nước đang hạn chế giá trị giao dịch mỗi khách hàng của ví điện tử 20 triệu đồng mỗi ngày, 100 triệu đồng mỗi tháng.
Người dùng về cơ bản không quan tâm đến tên gọi hay bản chất của một ứng dụng, rằng nó là một ví điện tử, mobile banking hay một ứng dụng thương mại điện tử, một ứng dụng gọi xe, gọi đồ ăn…. Họ quan tâm đến sự tiện dụng. Tuy vậy, trong tất cả các ứng dụng trên điện thoại di động, điểm mấu chốt vẫn là hình thức thanh toán.
Grab, ứng dụng gọi xe lớn nhất tại Việt Nam đã hợp tác với ví điện tử Moca để hỗ trợ thanh toán cho khách hàng. Sự hợp tác này mau chóng vượt qua khuôn khổ thanh toán cho các dịch vụ gọi xe, gọi đồ ăn của Grab. Từ ứng dụng Grab trên điện thoại di động, người dùng hiện tại có thể thanh toán tại các cửa hàng hợp tác với Grab bằng quét mã QR, hoặc chuyển tiền giữa các cá nhân chỉ trong vòng nửa phút. Thanh toán thuận tiện bằng ví điện tử là một trong những yếu tố giúp Grab có lượng khách hàng sử dụng đông đảo, vượt xa cá ứng dụng gọi xe khác trên thị trường Việt Nam. Be - ứng dụng gọi xe của người Việt cũng đang hợp tác với MoMo trong một cơ chế tương tự sau một thời gian chỉ chấp nhận khách hàng thanh toán tiền mặt.
Ví điện tử từ xu hướng neo vào các ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ thanh toán, nay đã tự thân trở thành một platform thương mại điện tử, giúp khách hàng có thể lựa chọn hàng hoá, dịch vụ ngay trên ứng dụng của mình. Bản thân các ví điện tử đã trở thành một nền tảng mua sắm (platform). Thậm chí các ứng dụng thương mại điện tử khác như Lazada, shopee, Baemin cũng tìm các neo vào ví điện tử để tiếp cận thêm khách hàng tại đây.
Ba ví điện tử phổ biến nhất hiện nay là ZaloPay, MoMo và Moca, theo kết quả khảo sát thị trường của Cimigo, hiện đang thống trị các mảng thanh toán thẻ điện thoại di động, chuyển tiền, hoá đơn dịch vụ (ZaloPay và MoMo) và gọi xe, giao đồ ăn (Moca). Trong đó, nhờ ứng dụng Grab, Moca đang là ví điện tử được sử dụng thường xuyên nhất, MoMo là ví điện tử có giá trị chi tiêu bình quân cao nhất. Ba ví này chiếm tới 90% thị phần ví điện tử - Cimigo cho biết.
Tính đến cuối tháng 8.2020, có tất cả 37 trung gian thanh toán/ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Hiện nhà đầu tư nước ngoài không còn bị hạn chế tỷ lệ sở hữu tại ví điện tử, khiến lĩnh vực này lại càng trở nên hấp dẫn. Trong vòng gọi vốn mới nhất, MoMo được Warburg Pincus rót vốn khoảng 100 triệu USD - theo các nguồn tin không chính thức. Quy định về bảo mật khiến số vốn gọi được từ các ứng dụng không được các bên công bố.
Cách đây 10 năm, khi khái niệm ví điện tử mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Tường (MoMo) vẫn không nguôi băn khoăn, liệu thị trường có thực sự cần ví điện tử. Khi đó, điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến. Việc kết nối với ngân hàng khi đó chưa bắt buộc, đồng thời các ngân hàng tỏ ra e ngại trước hình thức thanh toán mới mẻ đó. Thậm chí, các ngân hàng thương mại vẫn coi ví điện tử là một đối thủ cạnh tranh trong dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, lâu nay vẫn là dịch vụ độc quyền của họ.
Hiện nay khi tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam đã quá nửa dân số, đồng thời các cơ sở kinh doanh, nhà bán lẻ tăng cường tìm kiếm các trung gian thanh toán thuận tiện cho khách hàng, các ngân hàng dần nhận ra ví điện tử là cánh tay nối dài của họ.
Hiện một ví điện tử thường liên kết với hàng chục ngân hàng, giúp người dùng có thể chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng (là tài khoản thanh toán, được ngân hàng giữ không lãi suất) sang ví điện tử chỉ trong chưa đến nửa phút. Việc chuyển tiền thuận lợi giúp ngân hàng tối đa số tiền giữ lại, tăng tỷ lệ CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng giá trị tiền gửi) đáng kể, tăng hiệu quả hoạt động, tăng tính thanh khoản.
Việc thanh toán qua ví điện tử không chỉ giúp người dùng có thêm một hình thức thanh toán, mà còn giúp các nhà bán lẻ thu thập thêm thông tin về hành trình, thói quen của khách hàng. Đây là những thông tin các nhà bán lẻ hầu như buộc phải bỏ qua, hoặc vô cùng khó thu thập khi khách hàng sử dụng tiền mặt để thanh toán.
Ông Thái Trí Hùng, Giám đốc Công nghệ MoMo cho biết hiện tại ví điện tử này đang cung cấp cho các đối tác bán lẻ, dịch vụ các thông tin về thói quen tiêu dùng, xu hướng tiêu dùng của khách hàng. “Đương nhiên việc cung cấp thông tin chỉ mang tính thống kê, các thông tin định danh, mang tính cá nhân, sẽ được MoMo giữ kín theo cam kết với người dùng” - ông Hùng nói.
“Chúng tôi đang phát triển hệ thống siêu ứng dụng để trở thành “CTO”, “CFO” hay nói cách khác là “bộ não” về công nghệ và tài chính của hệ thống bán lẻ và dịch vụ Việt Nam trong tương lai. Siêu ứng dụng sẽ là nền tảng hữu hiệu giúp bất kỳ đối tác nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được tập người dùng hàng chục triệu khách hàng của Ví MoMo”, ông Nguyễn Mạnh Tường cho biết thêm.
Năm ngoái, sau nửa thập kỷ có mặt tại thị trường Việt Nam, Grab cũng bắt đầu chiến lược trở thành “siêu ứng dụng”, thay đổi thói quen người dùng từ việc “đi Grab” thành “dùng Grab”. Khẩu hiệu trên website chính thức của tập đoàn (có trụ sở tại Singapore) là “your everyday, everything app” (tạm dịch: Ứng dụng mọi lúc mọi nơi của bạn).
Gojek, một trong hai ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á (bên cạnh Grab), sau thời gian hoạt động tại Việt Nam dưới thương hiệu GoViet, cũng vừa định hướng lại, đưa toàn bộ mô hình siêu ứng dụng đã thành công tại Indonesia sang Việt Nam. Gojek Việt Nam hiện tại vẫn chưa có ứng dụng ví điện tử đi kèm, do đó dịch vụ mới chỉ dừng lại ở việc gọi xe và gọi đồ ăn. Tuy nhiên, như những gì mà Gojek truyền tải trong ngày đầu ra mắt tại thị trường Việt Nam trong movie quảng cáo “phiêu nhịp sống” - định hướng trở thành siêu ứng dụng là tương đối rõ ràng. Trước báo giới, người phát ngôn Gojek cũng cho biết họ đang tìm hiểu các dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trên ứng dụng này. Đây có thể sẽ là cơ hội của một ví điện tử ít tên tuổi tại Việt Nam, như Moca trước đây khi được Grab lựa chọn.
“Tất cả trong một” đang là xu hướng của các ứng dụng trên điện thoại di động. Cho dù ranh giới giữa các loại ứng dụng đang dần bị xoá nhoà nhờ việc tích hợp vào với nhau, xu thế đó vẫn đang thuộc về các ứng dụng ví điện tử, vốn đang làm chủ mảng thanh toán.
Minh Thư