Doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Trà Vinh - Công ty Giày da Mỹ Phong có thể sẽ phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Công ty dự kiến sẽ cắt giảm dần công nhân từ mức hơn 10.000 người hiện tại cho đến cuối năm nay, bà Thạch Thị Thu Hà - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh cho biết.
Trước mắt vào đầu tháng Chín, Mỹ Phong đã cắt giảm 2.000 công nhân. Đây là một trong đợt cắt giảm công nhân lớn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Mỹ Phong cũng như rất nhiều doanh nghiệp dệt may, giày da của Việt Nam, chuyên sản xuất, gia công cho các hãng nước ngoài theo đơn đặt hàng. Dịch bệnh khiến nhu cầu mua sắm, doanh thu bán lẻ giảm sút trên quy mô toàn cầu, các đơn hàng vì vậy bị dừng lại.
Việt Nam mặc dù được đánh giá là một trong những quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhất thế giới, cũng không thể tránh các tổn thương do dịch bệnh gây ra.
Những con số về tăng trưởng GDP, huy động vốn, tín dụng, hay tăng trưởng/suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp chưa nói lên hết những vất vả và rủi ro mà người dân đang phải gánh chịu. Thất nghiệp là chỉ số được chú ý nhất trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Tính đến cuối tháng Sáu, có 29,6 triệu lao động, chiếm quá nửa lực lượng lao động tại Việt Nam, chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh - theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Cũng theo cơ quan này, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tính đến cuối tháng Sáu đạt 4,46% - là con số cao nhất trong 10 năm qua.
Tháng Sáu, PouYuen tại TP.HCM sa thải gần 3.000 công nhân, là đợt sa thải lớn nhất được ghi nhận do ảnh hưởng của COVID-19. Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đều đã ít nhiều cắt giảm lao động, giảm giờ làm, giảm thu nhập để chống chịu với nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng giảm sút.
Trả lời VnExpress, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, chưa lúc nào TP.HCM mất việc nhiều như hiện nay.
Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ cho những cá nhân, gia đình gặp khó khăn, giảm hoặc mất thu nhập do dịch bệnh, tính đến giữa tháng Tám mới chỉ giải ngân khoảng 12.000 tỉ đồng, tương đương 19% - theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động & Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung.
Hầu hết những người lao động tự do, lao động phổ thông bị mất việc tại các thành phố, khi được hỏi đều cho biết họ chưa nhận được trợ cấp. Những rắc rối trong thủ tục xác nhận khiến khoản trợ cấp chưa đến được những người cần đến. 56% lực lượng lao động Việt Nam làm việc trong các ngành nghề phi chính thức - theo ông Đào Ngọc Dung. Tỷ lệ này khiến việc xác minh và trợ cấp gặp nhiều khó khăn.
Trong tình hình tương đối nguy cấp về thất nghiệp, giảm thu nhập, Chính phủ đang nỗ lực kêu gọi thúc đẩy đầu tư công, rót tiền vào các dự án hạ tầng.
Đầu tư công là các khoản đầu tư từ ngân sách, thường được chi cho các dự án có quy mô vốn lớn, các dự án cơ sở hạ tầng, làm nền tảng thúc đẩy kinh tế. Trong cuộc họp chính phủ thường kỳ tháng 7.2020, các thành viên chính phủ cho rằng việc thúc đẩy vốn đầu tư công sẽ là chìa khoá cho tăng trưởng kinh tế, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết việc làm cho người lao động.
Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng Bảy, số vốn đầu tư công giải ngân mới chỉ đạt hơn 216 nghìn tỉ đồng, tương đương 35,6% kế hoạch cả năm.
Đan Nguyên