Ở Nairobi, Kenya, chính phủ phá hủy các tòa nhà được xây dựng trên vùng đất ven sông trong một dự án nhằm giảm thiểu tác động của lũ lụt. Đây chỉ là một trong số các ví dụ về quy hoạch tại thành phố của một nước châu Phi đang phát triển đã không tính toán nhằm bảo vệ hợp lý các con sông của mình. Bà Jessica Kavonic, chuyên gia về thay đổi và thích ứng khí hậu tại Tổ chức ICLEI châu Phi, chia sẻ về việc đưa các tài sản thiên nhiên – như sông ngòi – vào chính sách và quy hoạch.
Bảo vệ sông ngòi các tại khu đô thị
Hầu hết các thành phố lâu đời nhất trên thế giới đều phát triển quanh các dòng sông. Sông đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thành phố: cung cấp nước, hỗ trợ ngăn ngừa lũ lụt và cung cấp môi trường sống cho thực vật và động vật. Đây là những điều quan trọng đối với thành phố. Chẳng hạn, các tầng thực vật có tác dụng làm mát, giúp hạ nhiệt độ trên mặt đất và trong không khí bằng cách cung cấp bóng râm và giải phóng hơi ẩm vào không khí. Sông cũng quản lý lũ lụt vì hầu hết các loài thực vật mọc dọc các bờ sông hấp thụ nhiều nước, làm giảm sức mạnh của dòng lũ vốn là mối đe dọa đối với con người và các tòa nhà.
Sông ngòi cũng giúp kết nối cộng đồng, tạo cơ hội cho việc giải trí và gắn kết mọi người với nhau. Tuy nhiên, theo thời gian giá trị rõ ràng của các dòng sông đã bị nhiều người và các nhà hoạch định chính sách không coi trọng hoặc bỏ qua.
Một ví dụ là Cheonggyecheon (Thanh Khê Xuyên) ở Seoul, Hàn Quốc. Từ những năm 1950, con suối giữa lòng thủ đô này trở nên ô nhiễm nặng nề do những người dân nghèo từ khắp nơi đến lánh nạn chiến tranh, dựng lên những căn nhà tạm bợ hai bên bờ suối. Rác, cát ùn ứ, chất thải biến dòng suối thành cống nước xấu xí của thành phố. Đến năm 1955, phần đầu nguồn suối bị lấp bằng xi măng, sau này hơn 5 km suối bị lấp và thay thế bằng đường cao tốc trên cao. Nhưng sau một nỗ lực lớn của chính phủ, Thanh Khê Xuyên được phục hồi và ngày nay là một ốc đảo xinh đẹp giữa khu rừng bê tông - thúc đẩy đa dạng sinh học và phát triển kinh tế địa phương.
Các thành phố quy hoạch đô thị ven sông
Là một phần của dự án Tài sản Tự nhiên Đô thị của tổ chức ICLEI tại Châu Phi, các thành phố có tính đến sông ngòi trong quy hoạch được tư vấn bao gồm: Lilongwe (Malawi), Addis Ababa (Ethiopia), Dar es Salaam (Tanzania), Entebbe và Kampala (Uganda).
Ở tất cả các thành phố này, các con sông lớn được tính toán kỹ lưỡng trong kế hoạch sử dụng đất với nhiều chính sách hướng dẫn quy định các hoạt động trên và gần các con sông. Ví dụ, Đạo luật Quản lý Tài nguyên Nước năm 1969 của Malawi quy định rằng các khu vực ven sông đóng vai trò là vùng đệm và cần được bảo vệ.
Những thách thức chủ yếu của quy hoạch đô thị ven sông
Quy hoạch đô thị ven sông là một chuyện, nhưng việc thực hiện là một chuyện khác. Với tốc độ phát triển và đô thị hóa chóng mặt của các thành phố dự án tại Nam Phi, việc ban hành và thực thi pháp luật liên quan là một thách thức lớn.
Ví dụ, sông Lilongwe ở thành phố Malawi đang bị ảnh hưởng của việc tăng nhanh dân số và sự phân công trách nhiệm, dẫn đến việc lấn chiếm diện tích sông để canh tác và phát triển cơ sở hạ tầng.
Châu Phi là lục địa có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới. Một con số ước tính cho rằng diện tích đất đô thị tại châu lục này sẽ tăng 700% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2030. Quá trình này sẽ rất khó khăn. Việc xâm hại các dòng sông là một trong những vấn đề đã xảy ra và đáng quan tâm.
Khi các chính quyền địa phương phải vật lộn để bắt kịp với mức độ đô thị hóa cao, nhiều con sông đã trở thành bãi rác thải. Ví dụ, phần lớn công nghiệp của nước Ethiopia nằm ở thành phố Addis Ababa, với một số lượng đáng kể các khu công nghiệp đặt gần các con sông. Nếu không có giải pháp thay thế và thực thi bảo vệ môi trường, xu hướng là xả chất thải vào đường sông.
Các bờ sông và bãi bồi cũng trở thành những địa điểm lý tưởng cho các khu định cư và canh tác nông nghiệp đô thị, đặc biệt là vào mùa khô. Nhưng kết quả là sông ngòi bị ô nhiễm và tích tụ mùn nhiều hơn, dẫn đến khả năng chống lũ tự nhiên của chúng bị ảnh hưởng.
Một thách thức khác là trong quy hoạch đô thị ven sông chính việc lập kế hoạch. Các phương pháp tiếp cận truyền thống dựa vào thu hồi đất hàng loạt và quy hoạch tập trung - vốn không phù hợp với thực tế hiện tại của các thành phố châu Phi, do hạn chế về nguồn lực và sự phản đối của các chủ đất trong khu quy hoạch. Đô thị hóa cũng đang diễn ra với tốc độ chóng mặt đến nỗi sự thay đổi sử dụng đất diễn ra nhanh hơn so với kế hoạch của hội đồng thành phố.
Cần có những cách tiếp cận mới để đối phó với thực tế. Ví dụ, quy hoạch từng bước (urban tinkering) - cố gắng thích ứng với những gì hiện có trên thực địa để giảm thiểu rủi ro và tính dễ bị tổn thương, thay vì đề ra một kế hoạch hoàn toàn mới cho nguyên cả khu vực.
Giải pháp quy hoạch
Dự án của tổ chức ICLEI cố gắng giới thiệu một cách tư duy mới để các chính quyền địa phương coi sông ngòi tại đô thị như một công cụ lập kế hoạch và sử dụng chúng để định hướng quyết định của thành phố. Để hỗ trợ điều này, chúng tôi đã phát triển một hướng dẫn các thành phố châu Phi khu vực cận Sahara cách lập kế hoạch cho vùng đô thị ven sông. Hướng dẫn bao gồm đối phó với tình trạng suy thoái sông, cách thức chuyển từ quy hoạch sang thực hiện và các cách làm tốt nhất trong việc quy hoạch.
Addis Ababa là một thành phố đi đầu trong giải quyết vấn đề này. Hiện có một văn phòng chính quyền thành phố chỉ dành riêng cho việc khôi phục sông với ngân sách được phân bổ. Thành phố đã bắt tay vào một dự án biến một khu vực sông, kéo dài hơn bốn km, thành ao, đường đi bộ và công viên.
Nhiều thành phố khác cũng đang thực hiện các dự án thí điểm trên các bờ sông nhằm khôi phục các vùng đệm tự nhiên. Tại Lilongwe, một dự án thử nghiệm phục hồi đang được triển khai gần hai chợ thực phẩm ven sông. Dự án bao gồm nâng cao nhận thức và tập huấn cho phụ nữ trong việc ủ rác hữu cơ.
Ở những người khác, người dân được tham gia vào việc định hướng các kế hoạch và chính sách - đó là chìa khóa của quy hoạch.
Tại Nairobi
Nhiều thành phố ở châu Phi phải đối mặt với những thách thức tương tự như Kenya - không có đủ năng lực để đảm bảo các chính sách được ban hành và thực hiện đúng đắn.
Nhưng quy hoạch sông ngòi không chỉ là thiết kế - xây dựng mà quá trình thực hiện còn quan trọng hơn: tạo nên không gian cho đối thoại. Các cơ quan quy hoạch sử dụng đất và các nhà môi trường cần được tập hợp lại với nhau để có thể cùng nhau tìm ra nhiều giải pháp.
Các cộng đồng trong vùng rủi ro cũng nên tham gia. Những tương tác này có thể mang lại kết quả có lợi và lâu dài hơn.
Cuối cùng, điều quan trọng cần lưu ý là mức độ của các thách thức về quy hoạch đô thị ven sông mà thành phố phải đối mặt có thể lớn hơn nhiều so với khả năng xử lý của chính quyền địa phương và đòi hỏi sự hỗ trợ từ chính phủ và tất cả “những người có ảnh hưởng đến sự phát triển”, như khu vực tư nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng.
Theo The Conversation
caodung
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bai-hoc-tu-cac-thanh-pho-ben-song-a3268.html