Hàn Quốc: Nạn nhân mới của cuộc chiến thương mại

Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đang có dấu hiệu mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

Khi các nhà đầu tư muốn thăm dò các thị trường hoặc xu hướng công nghệ mới nổi, họ thường tìm đến nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Các công ty của Hàn Quốc đóng vai trò lớn trong các ngành công nghiệp toàn cầu then chốt từ điện thoại thông minh đến chất bán dẫn, xe hơi, hóa chất, làm đẹp và giải trí. Thị trường chứng khoán trị giá 1,3 nghìn tỉ đô la Mỹ của Hàn Quốc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Người nước ngoài sở hữu hơn một phần ba số cổ phiếu niêm yết tại quốc gia này, thuộc hàng tỉ lệ sở hữu nước ngoài cao nhất thế giới.

Kospi thường được coi là chỉ số hàng đầu về xu hướng toàn cầu một phần nhờ các công ty Hàn Quốc luôn đi đầu trong công nghệ và thích ứng với xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Tuy nhiên, Kospi và nền kinh tế Hàn Quốc rộng lớn gần đây đã cho thấy những điểm yếu.

Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (Ảnh: Shuttertock)
Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (Ảnh: Shuttertock)

Tình trạng bán tháo trên sàn chứng khoán Hàn Quốc diễn ra khi thu nhập của các cổ phiếu trên sàn Kospi giảm trung bình 36% trong quý đầu tiên trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu. Các nhà phân tích nhận định mức tăng trưởng lợi nhuận 8,5% trong năm tới của các công ty Kospi, so với 17,3% đối với các công ty trong nhóm các thị trường mới nổi của MSCI.

Đa phần các quan điểm đều cho rằng, chỉ số Kospi sẽ dao động trong phạm vi từ 1.950 đến 2.150 điểm trong năm nay. Nếu cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không được giải quyết sớm, chỉ số này sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục. Chứng khoán Hàn Quốc đã trở thành nạn nhân mới nhất của sự leo thang thương mại Mỹ-Trung và nỗi lo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra. GDP quý của quốc gia này giảm 1,4%, mức giảm tồi tệ nhất trong số tất cả các nước lớn ở châu Á.

Các cá nhân có tài sản lớn ở Hàn Quốc đang đầu tư vào các cơ hội hấp dẫn hơn ở nơi khác. Mặc dù trước đây họ thường không tham gia vào các thị trường quốc tế, gần đây nhiều sàn giao dịch trực tuyến đã được mở rộng và các nhà đầu tư tư nhân của Hàn Quốc đang thể hiện sự quan tâm đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Theo dữ liệu gần đây từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Hàn Quốc, các nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc đã mua 7,5 nghìn tỉ won (6,3 tỉ đô la Mỹ) chứng khoán nước ngoài trong quý đầu tiên của năm 2019, một bước nhảy vọt tăng gần 25% so với quý IV năm ngoái.

Trong khi cả thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ từ đợt bán tháo trong quý bốn năm ngoái, Kospi bị tụt lại và đồng won Hàn Quốc chịu áp lực bán mạnh. Nếu Hàn Quốc, với tư cách là một cường quốc xuất khẩu toàn cầu, dẫn đầu chu kỳ kinh doanh toàn cầu thì có lẽ cổ phiếu của Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu thất vọng từ nay trở đi.

Các nhà đầu tư nước ngoài đặt cược vào Kospi dường như đang mất kiên nhẫn, với việc dòng vốn tăng lên khi đồng won giảm xuống mức thấp nhất 19 tháng so với đồng đô la Mỹ do chiến thanh thương mại Mỹ-Trung đè nặng lên nền kinh tế. Bộ Tài chính và các quan chức ngân hàng trung ương đặc biệt lên tiếng trong thời gian gần đây, cảnh báo các nhà giao dịch rằng đồng won đang mất giá quá nhanh so với nền tảng kinh tế của quốc gia này, theo Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc, Hong Nam-ki.

Xuất khẩu tháng năm giảm 11,7% so với một năm trước đó, mức giảm sáu tháng liên tiếp, do giá bán dẫn giảm và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm. Theo Dịch vụ Hải quan Hàn Quốc, các lô hàng bán dẫn, chiếm khoảng 1/5 lượng xuất khẩu của Hàn Quốc, đã giảm 33%, trong khi tổng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 16%.

Cổ phiếu của các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc với sản phẩm được khách du lịch Trung Quốc ưa chuộng cũng lao dốc vào tháng 5 vừa qua, do lo ngại rằng căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Ngoài ra, các nhà đầu tư còn lo ngại về việc Hàn Quốc có thể tham gia lệnh cấm Huawei do Mỹ khởi xướng và sau đó Trung Quốc có thể trả đũa theo cách tương tự đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ năm 2016. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã cấm bán các gói tour du lịch theo nhóm và không cho phép các ngôi sao Hàn Quốc xuất hiện trên các chương trình truyền hình Trung Quốc.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung không phải chính hai nước này mà là Hàn Quốc. Gần 40% các chuyến hàng xuất ra nước ngoài của Hàn Quốc đi đến Mỹ và Trung Quốc.

Samsung Electronics là công ty dẫn đầu thế giới về doanh số điện thoại di động và Huawei gần đây đã vượt qua Apple để giành vị trí số hai (về doanh số điện thoại xuất xưởng). Chính phủ Mỹ được cho là đã vận động Hàn Quốc không sử dụng các sản phẩm của Huawei và trong khi điều này có thể giúp tăng thị phần toàn cầu của Samsung, nó đang gây nhiều căng thẳng cho mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh. Để chuẩn bị cho một thế giới mới hậu chiến tranh thương mại và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, Hàn Quốc đang nhắm đến Việt Nam và chuyển nhiều nhà máy và sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Trong nỗ lực đối phó với doanh số điện thoại thông minh sụt giảm, tháng trước LG Electronics tuyên bố sẽ ngừng sản xuất điện thoại thông minh tại Hàn Quốc và chuyển sản xuất sang Việt Nam. Samsung đã đầu tư 17,3 tỉ đô la Mỹ vào tám nhà máy và một trung tâm R&D tại Việt Nam, biến Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của tập đoàn Hàn Quốc này.

Một số nhà kinh tế và các nhà kỹ trị chính phủ đang tin rằng, Hàn Quốc cần một cuộc đại tu kinh tế khác để duy trì tính cạnh tranh trên toàn cầu. Trung Quốc đã bắt kịp Hàn Quốc và thậm chí đã vượt qua trong một số lĩnh vực, trong khi Nhật Bản đang lấy lại khả năng cạnh tranh khi nền kinh tế phục hồi và đưa ra các công nghệ tiên tiến.

Dấu hiệu về sa sút kinh tế được nhấn mạnh trong dữ liệu tháng này của Hàn Quốc với GDP giảm mạnh nhất trong một thập kỷ do đầu tư giảm, lĩnh vực công nghệ suy yếu và xuất khẩu giảm. Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, các vấn đề của Hàn Quốc cũng được phản ánh trong số lượng tăng mạnh các công ty có doanh thu hoạt động không đủ để trang trải được chi phí lãi vay, đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 dù lãi suất rất thấp.

Hàn Quốc thực thi Luật kiểm toán mới vào tháng 11 năm ngoái sau hàng loạt bê bối kiểm toán xảy ra, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu đối với chất lượng báo cáo tài chính của Hàn Quốc. Và luật mới đã có tác dụng cung cấp cho các nhà đầu tư những dấu hiệu cảnh báo sớm hơn. Các kiểm toán viên đã từ chối “bật đèn xanh” cho 37 báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trong năm 2018, tăng 68% so với một năm trước đó, theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc. Tỉ lệ này tăng lên khi Hàn Quốc siết chặt việc đảm bảo các kiểm toán viên giữ sự độc lập với các công ty thuê họ, đồng thời tăng mức phạt trong trường hợp gian lận kiểm toán. Đây chắc chắn là một bước đi đúng hướng và đặc biệt quan trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

Hàn Quốc cũng cần áp dụng các chính sách tài khóa tích cực hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Tổng thống Moon Jae-in đã và đang thực hiện các nỗ lực như vậy, điều này có thể dẫn đến nợ quốc gia của nước này vượt quá 40% GDP trong năm tới. Tác động đến nền kinh tế và thị trường việc làm sẽ cần được cân nhắc cẩn thận khi chính phủ xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vào năm 2020.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo chính phủ Hàn Quốc rằng, mức tăng lương tối thiểu nên được kiểm duyệt, đồng thời tập trung nhiều hơn vào cải cách để tăng năng suất, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và trong các doanh nghiệp nhỏ hơn. Theo OECD, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ chậm lại ở mức 2,4% trong năm nay, giảm từ mức 2,6% trong dự báo đưa ra hồi tháng 3. OECD cũng cắt giảm triển vọng tăng trưởng đến năm 2020 xuống còn 2,5%, từ mức 2,6% trước đó, nhưng vẫn chưa tính đến trường hợp cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài. Sự cấp thiết và khó khăn từ việc thay đổi các yếu tố địa chính trị, giống như Khủng hoảng châu Á năm 1997, có thể chính là cơ hội để Hàn Quốc một lần nữa làm mới mình và đưa ra các cải cách cần thiết.

tamvu

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/han-quoc-nan-nhan-moi-cua-cuoc-chien-thuong-mai-a325.html