Nhà đầu tư quay gót
Exxon Mobil lần đầu tiên bị loại bỏ khỏi Chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones vào ngày 31.8, sau 92 năm hiện diện liên tục. Trong nhóm chỉ số Dow Jones chỉ còn Chevron là đại diện duy nhất của các công ty dầu khí. Vụ Exxon không phải là kết thúc của các công ty dầu mỏ lớn nhưng nó có thể báo hiệu thời điểm bắt đầu của sự kết thúc.
Exxon Mobil vẫn là một “ông lớn” trong ngành. Doanh thu Quý I.2020 ở mức 56,2 tỉ USD dù đã sụt giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones được tính bằng cách sử dụng giá cổ phiếu, không phải giá trị vốn hóa thị trường. Kết thúc ngày giao dịch 27.8, Exxon chỉ chiếm 0,96% chỉ số.
Từ vị thế "ông hoàng không ai dám trái ý ở Phố Wall" - một trong những công ty quyền lực nhất thế giới, ngày nay, Exxon Mobil trở thành "một công ty bình thường", giá trị còn thấp hơn chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng Home Depot, theo báo cáo của Bloomberg Businessweek.
Warren Buffett đầu tháng Năm phải chính thức xin lỗi cổ đông vì khoản đặt cược 10 tỉ USD vào ngành dầu mỏ.
Không chỉ riêng dầu mỏ, nhà đầu tư không còn nhiều niềm tin với năng lượng hóa thạch nói chung. Hồi đầu năm, Quỹ đầu tư quốc gia trị giá 1.000 tỉ USD của Na Uy đã bán hết cổ phần tại các tên tuổi lớn như Glencore, Anglo American và RWE khi phát hiện vi phạm các nguyên tắc sử dụng than theo hướng dẫn của quỹ này.
BHP - tập đoàn khai thác mỏ lớn nhất thế giới cũng bị đưa danh sách giám sát liên quan tới việc sử dụng than. Quỹ hiện nắm giữ 2 tỉ USD vốn trong BHP và việc vào danh sách giám sát là bước đầu tiên trong quy trình quyết định có bán cổ phần hay không. Sở hữu trung bình gần 1,5% của mọi công ty niêm yết trên toàn cầu, các lưu ý loại trừ khỏi danh mục đầu tư của một trong những cổ đông lớn nhất thế giới này còn được các nhà đầu tư khác theo dõi.
Đến giữa tháng Tám, BHP công bố kế hoạch rút lui khỏi mảng kinh doanh than nhiệt lượng cao (thermal coal) và bán 80% lượng cổ phần đang nắm giữ tại một liên doanh sở hữu hai mỏ than cốc (coking coal) chất lượng thấp. Nhà khai khoáng còn tìm cách bán đi các mỏ dầu và khí đốt đã già cỗi, bắt đầu với các hoạt động ở Eo biển Bass, dù những tài sản này chiếm khoảng một phần ba thu nhập do bộ phận dầu khí của BHP tạo ra vào năm ngoái.
Tương lai năng lượng hóa thạch
Năng lượng hóa thạch đối mặt với thử thách thực sự khi ngày này các kỹ sư điện gió, điện mặt trời không ngừng cải tiến và giảm giá các sản phẩm công nghệ. Đầu tháng Năm công ty năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới Abu Dhabi hứa hẹn mức giá chỉ hơn 1 xu cho mỗi kWh (trong khi giá bán điện trung bình ở Mỹ vào khoảng 13 xu/kWh).
Ở lĩnh vực vận tải, nhu cầu dầu mỏ đang hạn chế dần. Ngành công nghiệp dầu mỏ đang hy vọng nhu cầu nhựa sẽ gia tăng mạnh mẽ trong tương lai. Kịch bản của BP - doanh nghiệp năng lượng hàng đầu thế giới và IEA - Cơ quan Năng lượng thế giới đều cho rằng nhu cầu nhựa sẽ là động lực mạnh nhất thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ gia tăng. IEA cho rằng nhu cầu nhựa chiếm 45% mức tăng trưởng của ngành từ nay đến năm 2040.
Nhưng viễn cảnh này sẽ không trở thành hiện thực khi thế giới đang bắt tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa và chính phủ các nước bắt đầu hành động để đạt được các mục tiêu khí hậu. Giá nguyên liệu nhựa thô thấp kỷ lục do tình trạng sản xuất dư thừa tràn lan. Áp lực ngày càng lớn về hạn chế sử dụng nhựa có thể khiến mức tăng trưởng nhu cầu nhựa nguyên sinh bị giảm từ 4% một năm xuống dưới 1%, với dự báo nhu cầu đạt đỉnh vào năm 2027, theo cáo báo của Carbon Tracker và đội ngũ chuyên gia về nhựa SYSTEMIQ.
Các nền kinh tế trên thế giới đang rời xa nhiên liệu hóa thạch. Nguồn cung dư thừa và các nguồn năng lượng sạch ngày càng cạnh tranh hơn đồng nghĩa với dầu mỏ sẽ có thể ở mức rẻ trong tương lai gần. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên giá dầu thấp cùng với đó là đòi hỏi chuyển mình của cả ngành dầu khí nói riêng và năng lượng hóa thạch nói chung.
Giám đốc điều hành mới của BHP - ông Mike Henry, người nắm quyền vào tháng Một, đang tìm cách mở rộng các mặt hàng như đồng và niken được sử dụng để sản xuất điện carbon thấp và tập trung vào nguyên liệu thô chất lượng cao hơn để sản xuất thép kiếm tiền cho doanh nghiệp.
Tâm Phạm