Vietnam Airlines chốt phương án xin hỗ trợ 12.000 tỉ đồng

Vietnam Airlines kêu khó trong dịch bệnh, cần vay 4.000 tỉ đồng và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỉ đồng. Hãng cũng thực hiện cơ cấu lại đội bay với việc bán và SLB.

Vietnam Airlines - hãng hàng không quốc gia với vốn chủ sở hữu nhà nước 86% cho hay vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động do tác động của COVID-19 khiến các đường bay quốc tế (chiếm 65% doanh thu) phải đóng cửa, đi lại trong nước hạn chế. Vietnam Airlines nhiều lần kêu khó, không thể cân đối được dòng tiền hay có thể hết tiền vào cuối tháng Tám.

Nửa đầu năm 2020, hãng bay ghi nhận lỗ ròng 6.600 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính quý II vừa công bố. Con số này gần bằng một nửa khoản lỗ 15.200 tỉ đồng mà hãng dự kiến được công bố tại Đại hội đồng Cổ đông 2020 diễn ra ngày 10.8, sau ba lần đổi lịch. (Năm 2019, hãng lãi 2.500 tỉ đồng). Doanh thu trong sáu tháng qua cũng giảm 50% so với cùng kì năm trước.

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines dẫn báo cáo của Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) công bố hồi tháng Bảy cho hay lượng khách luân chuyển trên toàn cầu giảm hơn 54% so với năm ngoái, các hãng lỗ khoảng 48 tỉ USD. Hàng không thế giới phải tới năm 2024 mới có thể phục hồi như trước dịch, kéo dài thêm một năm so với dự báo đưa ra hồi tháng Năm. Việt Nam thuận lợi hơn nhưng phải tới năm 2022 mới có thể trở về như xưa.

Đại hội đồng cổ đông 2020 Vietnam Airlines sau ba lần hoãn vì chưa chuẩn bị xong tài liệu. Ảnh: VNA.
Đại hội đồng cổ đông 2020 Vietnam Airlines sau ba lần hoãn vì chưa chuẩn bị xong tài liệu. Ảnh: VNA.

Vietnam Airlines cho rằng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn thách thức. Đến 30.6, doanh nghiệp có 4.250 tỉ đồng tiền mặt và tiền gửi các loại. Vietnam Airlines ước tính nếu được Chính phủ chấp nhận cho vay hỗ trợ 12.000 tỉ đồng trong ba năm thì đến cuối năm 2020, tiền dư trong hãng sẽ còn gần 400 tỉ đồng. Cập nhật tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh cho hay, Chính phủ đang chỉ đạo Vietnam Airlines và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoàn tất thủ tục để trình phương án hỗ trợ với dự kiến 4.000 tỉ đồng vốn vay và tăng vốn chủ sở hữu từ cổ đông Nhà nước 8.000 tỉ đồng.

Nợ vay trong ngắn hạn của hãng sáu tháng tăng 70% so với thời điểm đầu năm. Đến 30.6, món nợ này vào khoảng 11.100 tỉ đồng. Các khoản vay dài hạn của hãng khoảng gần 23.900 tỉ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ mức 18.600 tỉ đồng còn gần 11.500 tỉ đồng. Với số lỗ dự kiến, tới cuối năm, Vietnam Airlines dự kiến vốn chủ sở hữu còn 4.000 tỉ đồng. Trước thực trạng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng trong dịch bệnh, Vietnam Airlines đối mặt với áp lực duy trì thanh khoản.

Hãng bay tính tới việc bán chín tàu bay A321 CEO có tuổi thọ hơn 12-13 năm và cơ cấu lại đội bay. Kế hoạch bán các tàu bay này có từ trước khi dịch COVID-19 xảy ra nhằm hiện đại hóa đội bay, thay thế bằng các máy bay tích kiệm nhiên liệu. Nhưng với tình hình hiện tại, ông Dương Trí Thành cho biết, hãng sẽ bán đi nhưng không mua thay thế. Vietnam Airlines cần giải phóng nguồn lực dư thừa và có thêm dòng tiền, thu nhập.

Sáu chiếc sẽ được bán theo kế hoạch trong vòng ba năm tới. Ba chiếc sản xuất năm 2008 được đẩy nhanh thực hiện trong năm nay và sang năm. Hãng cũng tính toán khả năng thực hiện hình thức bán và tái thuê (sale leasing back - SLB) đối với ba tàu bay này nếu phương án tài chính tốt hơn. Khi đó, người bán tài sản cũng đồng thời sẽ thuê lại chính tài sản. Doanh nghiệp vừa thu được vốn lưu động và vẫn duy trì được việc dử dụng tài sản đó. Vietjet Air là đơn vị đã áp dụng thành công phương án này.

Với lý do thâm hụt dòng tiền ngay từ đầu tháng Hai và một trong những điều kiện giãn nợ với các tổ chức tín dụng là không chia cổ tức, Vietnam Airlines không chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông.

Các hãng hàng không Việt Nam ngừng khai thác các đường bay quốc tế từ cuối tháng Ba khi dịch bệnh bùng phát. Vietnam Airlines dự kiến khai thác trở lại các đường bay khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ tháng Mười với tần suất hạn chế 3-5 chuyến/tuần và khai thác ổn định từ tháng Mười hai. Thị trường châu Âu và Australia tạm ngừng đến hết năm 2020. Nhưng kế hoạch này được đưa ra từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng. Ông Dương Trí Thành cho rằng đến mùa xuân 2021 chưa có tín hiệu lạc quan về vệc mở lại đường bay châu Âu, Australia.

Trong tháng Sáu, Bảy, thị trường bay nội địa đã phục hồi rất mạnh. Hãng mở thêm 18 đường bay nội địa, có thời điểm khai thác hơn 500 chuyến/ngày, vượt 40% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, số lượng chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines lại giảm xuống chỉ 102-103 chuyến/ngày, tương đương với khi dịch COVID-19 đợt 1, bằng 28% so với cùng kỳ.

Sáu tháng đầu năm, Vietjet Air lỗ trong hoạt động hàng không hơn 2.100 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 73 tỉ đồng. Cả năm 2020, Vietjet Air lên kế hoạch lãi 100 tỉ đồng. Bamboo Air với đội bay nhỏ hơn lỗ 1.500 tỉ đồng trong quý I.

Thông tin doanh nghiệp

minhtam

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vietnam-airlines-chot-phuong-an-xin-ho-tro-12000-ti-dong-a2926.html