Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ra thông báo giảm lãi suất khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc từ các ngân hàng thương mại (ngân hàng) từ mức 1%/năm xuống còn 0,5%/năm.
Dự trữ bắt buộc là khoản tiền các ngân hàng phải đóng cho NHNN căn cứ vào số dư tiền huy động được trong kỳ. Theo quy định, cứ mỗi 100 đồng huy động được từ các tổ chức, cá nhân, các ngân hàng phải gửi vào NHNN từ 1 đến 3 đồng, tuỳ kỳ hạn của khoản tiền. Khoản tiền dự trữ bắt buộc được NHNN trả lãi suất cho các ngân hàng theo mức được chính NHNN quy định.
Dù lãi suất tăng hay giảm, các ngân hàng buộc phải trích một khoản tiền dự trữ bắt buộc để gửi vào NHNN.
Theo ước tính của một chuyên gia tài chính, mặc dù không công khai con số dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng gửi vào NHNN, căn cứ vào tổng số tiền huy động được của hệ thống ngân hàng, có thể tạm tính số dư cuối mỗi kỳ khoảng trên 250 nghìn tỉ đồng. Giảm 0,5% lãi suất mỗi năm, các ngân hàng sẽ hụt một nguồn thu gần 1.300 tỉ đồng mỗi năm.
Do tính chất bắt buộc của khoản dự trữ này, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc AFA Research & Education cho rằng việc tăng/giảm lãi suất dự trữ bắt buộc sẽ không tác động đáng kể đến mặt bằng lãi suất cho vay và huy động trên thị trường vốn.
Trong điều kiện hiện nay, khi nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp đang bị thu hẹp do ảnh hưởng dịch bệnh, các ngân hàng không có nhiều dư địa để tăng lãi suất cho vay bù đắp vào khoản thu nhập hụt đi từ NHNN. Sức ép lợi nhuận lên các ngân hàng vì vậy sẽ ngày càng căng thẳng.
Tăng trưởng tín dụng (số tiền cho vay) trong nửa đầu năm 2020 của hệ thống ngân hàng ở mức thấp nhất trong vòng bảy năm trở lại đây, chỉ đạt 2,45%, bất chấp các nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ các ngân hàng. Trong khi đó, tốc độ tăng huy động vốn trong cùng thời kỳ mặc dù vẫn ở mức thấp, nhưng vẫn đạt 4,35% - cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Mức chênh lệch này khiến các ngân hàng có thể giảm lãi suất huy động vốn trong tương lai.
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI, tính đến cuối tháng 7.2020, lãi suất tiền gửi đã tiếp tục được điều chỉnh giảm từ 0,2 - 0,5 điểm % tất cả các kỳ hạn, tại một số ngân hàng thương mại lớn. So với cuối năm 2019, mức giảm tương ứng từ 1 - 2 điểm %.
Các ngân hàng đang tìm kiếm lợi nhuận từ các nguồn thu khác ngoài hoạt động cốt lõi là cho vay - trong tình hình cả nhu cầu đi vay vẫn nhu cầu gửi tiền của các cá nhân, doanh nghiệp đang giảm sút. Từ năm 2016, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tập trung đẩy mạnh chiến lược kinh doanh với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Với Techcombank, các khoản phí dịch vụ thu được trong nửa đầu năm 2020 đạt trên 2.800 tỉ đồng, tăng hơn 900 tỉ đồng so với cùng kỳ 2019. Các hoạt động phi tín dụng như bancassurance (dịch vụ bán các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng), dịch vụ thanh toán, bảo lãnh phát hành chứng khoán,…đang có vai trò ngày càng to lớn trong cơ cấu lợi nhuận ngân hàng…
Minh Thư
thunguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ngan-hang-chiu-suc-ep-moi-a2898.html