Ngay cả du khách tình cờ nhất đến Vienna cũng không thể không bị ngộp trước sự tấn công vũ bão của "ngành công nghiệp Mozart" tại thành phố này.
Khuôn mặt Mozart có thể được nhìn thấy ở khắp nơi: từ những giấy gói kẹo phết sô-cô-la phổ biến có tên là Mozart Kugeln, những quán cà phê lớn bán bánh quy Mozart, và các cửa hàng lưu niệm bán chuỗi khóa Mozart, Mozart nhồi bông và thậm chí cả vịt cao su Mozart. Người bán rong bên ngoài các điểm tham quan lớn không chào mời các tour du lịch xe buýt hop-on, hop-off, mà là vé tới các buổi hòa nhạc (ăn theo du lịch) hầu hết toàn diễn các điệu waltz của Strauss và, hẳn nhiên là, âm nhạc của Mozart.
Bạn không thể không tự hỏi: thế còn Beethoven thì sao?
Đừng hiểu lầm tôi. Tôi yêu Mozart, và thật tuyệt khi thấy thành phố nơi ông ấy dành cả thập kỷ cuối đời kỷ niệm ông với nhiều vật lưu niệm đến vậy. Nhưng Beethoven đã dành 35 năm cuối đời ở đây, và chính Vienna là nơi ông đã soạn hoặc công diễn hầu hết các tác phẩm lớn của mình — gồm tất cả chín bản giao hưởng — và thay đổi nhiều quan niệm của chúng ta về âm nhạc, nghệ thuật và thiên tài. Tuy nhiên, bên ngoài khu vực trang nghiêm của bảo tàng và phòng hòa nhạc thành phố, Beethoven dường như vô hình.
Vì sao vậy chứ? Beethoven là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất, được biểu diễn nhiều nhất trên thế giới. Âm nhạc của ông, câu chuyện về cách ông cưỡng lại nỗi tuyệt vọng khi bị điếc và sáng tác hết kiệt tác này đến kiệt tác khác, vẫn truyền cảm hứng dạt dào. Nhưng có lẽ ông là một người rất khó tính. Trong khi huyền thoại về Mozart được khơi gợi sống động từ bộ phim “Amadeus” đạt giải Oscar năm 1984, bộ phim “Immortal Beloved” ("Người bất tử đáng yêu") về cuộc đời Beethoven không làm bùng cháy lên các cảm xúc như vậy. Bộ phim thành công gần đây nhất về Beethoven? Đó là bộ phim hài về Thánh Bernard. Nhưng năm nay, câu chuyện về Beethoven đang được kể lại cho một thế hệ mới. Các buổi lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông (sinh năm 1770) đang được tổ chức trên toàn thế giới: các phòng hòa nhạc lên lịch biểu diễn hàng loạt các tác phẩm của ông; bảo tàng lên kế hoạch tổ chức các buổi triển lãm; và các bộ đĩa các tác phẩm trọn vẹn của ông đang được Warner Classics và Deutsche Grammophon phát hành.
Có vẻ như thời gian đã chín muồi cho một cuộc hành hương "theo dấu chân Beethoven".
Bắt đầu từ ngôi nhà ở Bonn, Đức, nơi ông được sinh ra trong một gia đình nhạc sĩ cung đình, tôi khởi hành cuộc phiêu lưu "theo dấu chân Beethoven", từ những nơi ông sinh ra và lớn lên đến những nơi trong và quanh Vienna nơi ông sống và làm việc, tuyệt vọng và khải hoàn. (Để xem nơi Beethoven biểu diễn cho các nhà lãnh đạo thế giới trong thời gian Đại hội Vienna*, tôi thậm chí đã tham quan quốc hội Áo; thử hỏi tôi một dự luật trở thành luật ở đó như thế nào xem.)
Tôi phải thú nhận có chút e ngại khi bắt đầu. Đôi khi tôi sợ biết quá nhiều về thần tượng của mình: Không ai là người hùng đối với cận vệ của mình, hay đối với một người viết tiểu sử cặn kẽ. Và Beethoven có thể sẽ rất bất bình. (Điều gây phiền muộn nhất có lẽ là cuộc chiến pháp lý đầy cay đắng mà Beethoven, người không bao giờ kết hôn, đã tiến hành để giành quyền nuôi cháu trai từ mẹ cậu bé; cháu ông đã cố tự sát.) Liệu chứng kiến những lỗi lầm của ông sẽ làm méo mó cảm xúc của tôi khi nghe những bản nhạc của ông?
Hẳn nhiên có những thời điểm quá-nhiều-thông-tin: một số triển lãm đi xa đến mức miêu tả bệnh tiêu chảy mạn tính của Beethoven. Nhưng cũng có những khoảnh khắc kỳ diệu: Đứng trong hội trường toàn bức bích họa của cung điện Vienna, được cho là nơi diễn ra buổi diễn tập lần đầu tiên của Bản giao hưởng số 3 Eroica ("Anh hùng ca"), và tưởng tượng những người nghe đầu tiên khi đó sửng sốt ra sao.
Chứng cuồng Beethoven ở Bonn
Rất hợp lý khi xuất phát từ Bonn, bởi đây là nơi có bảo tàng có lẽ là tuyệt vời nhất về Beethoven: Beethoven-Haus, nơi ông sinh ra.
Không ai có thể trách cứ Bonn — thành phố khiêm nhường bên bờ sông Ranh vốn là thủ đô của Tây Đức thời hậu chiến, trước khi nước Đức thống nhất trao vai trò này cho Berlin — bỏ qua người con bản xứ nổi tiếng nhất của mình. Ngay cả khi tuổi thơ của ông ở đây bất hạnh.
Bạn khó có thể không thấy hình ảnh của ông, bất kể bạn đến đây này bằng cách nào: Các bảng/poster trong nhà ga xe lửa của Bonn tự hào tuyên bố thành phố là nơi sinh của ông và các biểu ngữ "BTHVN 2020" bay phấp phới bên đường. Các gian hàng lưu niệm bán áo phông Beethoven (một trong những mẫu áo năm nay, ông được trang điểm như chú hề "Joker" đáng sợ). Tượng đài Beethoven bằng đồng hùng vĩ ở quảng trường Münsterplatz, do nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano người Hungary Franz Liszt tài trợ, vẫn là một trong những hình ảnh đặc trưng của thành phố. Các bức tượng Beethoven nhỏ có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí lẫn với hàng dệt kim trong chỗ trưng bày của cửa hàng đồ lót.
Sau khi nhận phòng vào khách sạn Beethoven, tôi đi bộ tới Beethoven-Haus. Tại đó, trong một sân rải sỏi, tôi thấy mình trước cửa ngôi nhà dây leo cây nho phủ kín, nơi vào năm 1770, Beethoven được sinh ra trong một gia đình âm nhạc nổi tiếng sắp rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Ông nội của ông, cũng tên là Ludwig van Beethoven, là Kapellmeister (người chỉ huy dàn nhạc cung đình) ở Bonn. Nhưng ông đã qua đời khi Beethoven mới lên ba tuổi. Khi người cha kém tài hơn của Beethoven, Johann, thất bại trong việc giành được vị trí này, ông trở nên nghiện rượu; có những bài viết về việc cậu bé Beethoven cầu xin cảnh sát đừng bắt cha mình vì say rượu và gây rối. Bảo tàng, được tân trang lại cho lễ kỷ niệm, là một di tích âm nhạc hấp dẫn: ở đây trưng bày bàn phím chiếc đàn organ mà ông chơi khi còn nhỏ tại một nhà thờ gần đó; chiếc đàn viola ông chơi trong dàn nhạc cung đình; và cây đàn piano cuối cùng của ông.
Beethoven không đeo kính trong những bức chân dung nổi tiếng nhất của mình, vì vậy tôi giật mình khi thấy một cặp kính của ông — nhưng tôi nghĩ có lẽ ông cũng bỏ kính ra để vẽ tranh sơn dầu như chúng ta chụp ảnh đăng Instagram ngày nay vậy. Tiếp đó, là những ống nghe mà ông dùng, những thiết bị kim loại hình sừng để ông gắn vào tai được tạo ra bởi Johann Nepomuk Mälzel, nhà phát minh cũng là người tạo ra máy nhịp cho ông.
Tôi không thể không mỉm cười khi ghé thăm cửa hàng quà tặng. Ở đây không chỉ có những bức tượng bán thân, đĩa ghi âm, sách âm nhạc và bảng tổng phổ — mà còn cả sôcôla Beethoven, rượu vang Beethoven, và cả những chú vịt cao su Beethoven.
Beethoven dành phần lớn tuổi thơ của mình trong ngôi nhà thuộc sở hữu của một gia đình thợ làm bánh trên đường Rheingasse — một con phố nhộn nhịp bên bờ sông Ranh. Cha của ông, Johann, rõ ràng muốn "nhào nặn" ông thành thần đồng nổi tiếng như Mozart. Ông rất nghiêm khắc: Những người cùng thời nói rằng ông đánh đập và bắt Beethoven tập đàn, nhốt Beethoven trong hầm, về nhà lúc đêm khuya khi đã say bí tỉ và lại bắt Beethoven chơi đàn.
Cäcilia Fischer, một người hàng xóm, sau đó nhớ lại rằng Beethoven "ôm đầu tựa cửa sổ và nhìn chằm chằm vào khoảng không." Một tác phẩm điêu khắc cao bằng kim loại, trông kỳ dị của nhà điêu khắc người Nhật Yukako Ando hiện được đặt ở đây, thể hiện những chiếc bàn làm việc thành bậc thang đi lên, tới cửa sổ. Đứng ở đó, nhìn vào khoảng không mà Beethoven có lẽ vẫn sẽ nhận ra, sông Ranh, thật dễ dàng tưởng tượng ông đã trốn vào thế giới riêng của mình như nào.
Một cuộc triển lãm bom tấn diễn ra suốt tháng Tư tại Bảo tàng nghệ thuật Bonn (Bundeskunsthalle) đã quy tụ một vài cổ vật quan trọng nhất về Beethoven, vừa soi sáng vừa đặt dấu hỏi về huyền thoại Beethoven.
Ví dụ câu chuyện về việc ban đầu ông định đặt tên Bản giao hưởng Eroica theo Napoleon — nhưng sau khi Napoleon tự xưng hoàng đế, Beethoven đã vỡ mộng, tự hỏi, "Phải chăng ông ta cũng chỉ là một người bình thường thôi?"
Triển lãm trưng bày bản thảo trang tiêu đề của bản giao hưởng, ở đó dòng chữ "intitolata Bonaparte" ("mang tên Bonaparte") bị tẩy mạnh đến mức thành một lỗ trên tờ giấy. Nhưng các vật triển lãm khác đặt dấu hỏi về việc ông quyết chối bỏ Napoleon đến mức nào. Khi em trai Jerome của Napoleon trở thành vua của Vương quốc Westfalen tồn tại ngắn ngủi vài năm sau đó, và đề nghị Beethoven một chức vụ hậu hĩnh, Beethoven dường như đã cân nhắc nhận lời — ít nhất là cho đến khi một số quý tộc Vienna đồng thuận trả cho ông mức lương cao hơn để giữ ông ở Vienna.
Trung tâm lịch sử của Bonn chính là triển lãm riêng có về Beethoven. Trong nhà thờ gần nơi sinh của ông, tôi thấy dòng chữ khắc cẩm thạch ghi bé Ludwig được rửa tội ngày 17 tháng 12 năm 1770. Gần đó, trong khuôn viên nay là trường đại học, tôi cúi người ghé vào Nhà thờ Cung điện, nơi khi còn nhỏ, ông là phụ tá chơi đàn organ của triều đình. Sau đó, là sân chợ, nơi thầy giáo đầu tiên có ảnh hưởng nhất của Beethoven, nhà soạn nhạc Christian Gottlob Neefe, bàn luận các lý tưởng Khai sáng với các trí thức địa phương.
Ngôi mộ của mẹ Beethoven, bà Maria Magdelena, trong nghĩa trang lâu đời của thành phố, gần mộ của các nhà soạn nhạc Robert và Clara Schumann. Bà bị bệnh năm 1787 khi Beethoven, 16 tuổi, đang trong chuyến đi đầu tiên đến Vienna, nơi ông hy vọng được theo học Mozart. Ông ở Vienna được hai tháng và đành quay về Bonn với mẹ.
Để kỉ niệm 250 ngày sinh của Beethoven, các cột trưng bày được dựng lên khắp trung tâm thành phố Bonn nhằm giới thiệu cho khách du lịch những địa điểm liên quan tới cuộc đời của nhà soạn nhạc. Ảnh: Andreas Meichsner/The New York Times
Các điểm tham quan chính cách nhau vài bước đi bộ và các ki-ốt mới hiện chữ "BTHVN" sáng lóa. Nhưng kế hoạch cải tạo phòng hòa nhạc Beethovenhalle của thành phố cho ngày kỷ niệm không như mong đợi, khiến nó im lìm gần hết năm, kéo theo đó là tất cả các chương trình về Beethoven.
Để hiểu làm thế nào Beethoven cuối cùng quay trở lại Vienna, tôi lên chuyến tàu đến Bad Godesberg, trước đây là một khu nghỉ dưỡng spa.Ở đó, tại La Redoute, một phòng khiêu vũ trang nhã, năm 1792 Beethoven đã gặp và cho Haydn xem một bản cantata mà ông vừa viết. Haydn — có lẽ là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất còn sống khi đó, Mozart đã mất trước đó một năm — đồng ý dạy ông ở Vienna.
Đây không phải là một bảo tàng, nhưng khi tôi ghé vào, một người đàn ông làm việc ở đó — ngày nay nó được dùng để tổ chức đám cưới và sự kiện — cho tôi xem phòng khiêu vũ tân cổ điển màu xanh và trắng thanh lịch nơi họ gặp nhau.
Khi Beethoven một lần nữa rời Bonn để đến Vienna — lần này, mãi mãi — những người bạn của ông ở Bonn đã ký tặng một album. Dòng chữ của Bá tước Waldstein, một người bảo trợ, như một lời tiên tri: "Không ngừng chăm chỉ, anh sẽ nhận được từ đôi tay của Haydn tinh thần của Mozart."
Trên khắp châu Âu, quân đội trên đường hành quân, Beethoven đã có một hành trình nhiều biến cố.
"Tiền boa hậu hĩnh cho những người đánh xe ngựa", ông viết trong một cuốn sổ mà tôi thấy ở Bundeskunsthalle, "vì có nguy cơ bị đánh, họ chạy xe như điên qua đội quân Hessian."
Tôi không thấy lính Hessian: Tôi đi chuyến tàu đêm từ Bonn — một phần của dịch vụ Nightjet mới của Công ty đường sắt Áo — và đến Vienna ngay trước 8:30 sáng.
'Chỉ duy nhất nghệ thuật của anh đã ngăn anh lại.'
Điểm thăm quan chắc chắn nên bắt đầu ở Vienna: Heiligenstadt, nơi vẫn là một làng quê trồng nho bên ngoài thành phố khi Beethoven ở đó năm 1802 và trải qua một trong những khủng hoảng lớn nhất của cuộc đời ông.
"Ôi các em, những người nghĩ hay nói rằng anh ác ý, ngoan cố hay ghét đời, các em hoàn toàn hiểu nhầm anh," ông viết ở đó, trong một lá thư "bộc bạch tâm can" gửi các em trai, và có lẽ là hậu thế, đây chính là Chúc thư Heiligenstadt.
Bức thư, được phát hiện sau khi ông qua đời và có lẽ chưa bao giờ cho ai xem cả, là chìa khóa để hiểu con đường ông đi từ xấu hổ đến tuyệt vọng đến quyết tâm khi bị điếc. Đến thăm ngôi nhà nơi ông viết lá thư, hiện là bảo tàng Beethoven, có vẻ gần như xâm phạm riêng tư.
"Ôi, làm sao anh có thể thú nhận sự yếu kém của một trong những giác quan mà buộc phải hoàn hảo hơn những người khác trong trường hợp của anh," ông viết, miêu tả "nỗi kinh hoàng" nếu bị phát hiện, và nỗi thống khổ của ông khi bị mất thính giác.
"Những việc xảy ra như thế khiến anh gần như tuyệt vọng; thêm chút nữa thôi là anh lẽ ra sẽ chấm dứt cuộc đời mình — chỉ duy nhất nghệ thuật của anh đã ngăn anh lại," ông viết.
Heiligenstadt vẫn mang lại cảm giác như một ngôi làng nông thôn, dù giờ đây nó là một phần của Vienna. Tôi đi bộ dọc theo Beethovengang, con đường nhiều cây cối rậm rạp như những con đường ông yêu thích, nhưng cảm thấy ít "Bão táp và Xung kích" (Sturm und Drang) và thấy không khí vùng ngoại ô nhiều hơn. Sau đó tôi dừng lại ở quán rượu thôn quê nơi Beethoven đã ở, Mayer am Pfarrplatz, gọi một ly blaufränkisch, và suy ngẫm về việc, làm thế nào, ngay sau khi tuyệt vọng, Beethoven bước vào một trong những giai đoạn đột phá nhất của mình.
Chinh phục kinh đô âm nhạc
Vẫn có thể thăm quan những điểm thành tựu của ông ở Vienna.
Tại Cung điện Lobkowitz trang hoàng lộng lẫy, từng là nơi ở của một nhà bảo trợ lớn, và giờ đây là Bảo tàng Nhà hát, tôi ghé thăm Hội trường Eroica, nơi diễn ra buổi diễn tập riêng tư đầu tiên của bản Giao hưởng Eroica. Trong cuốn sách "Beethoven: Anguish và Triumph" ("Beethoven: Nỗi thống khổ và những thành tựu"), tác giả Jan Swafford miêu tả các vị khách đã lắng nghe "những nhạc công dò dẫm thứ âm nhạc kỳ lạ nhất mà bất kỳ ai trong số họ từng nghe." Một nhóm học sinh tiểu học đi vào, ngồi trên tấm thảm bảy sắc cầu vồng và bắt đầu chơi 'air piano' nhạc Beethoven. Tại 'Nhà hát sông Viên', bên kia đường từ khách sạn của tôi, Beethoven trình diễn các Bản giao hưởng số 5 và số 6 — trong cùng một tối, trong buổi hòa nhạc rất dài năm 1808, cũng là nơi trình diễn Bản concerto đàn piano số 4 và “Choral Fantasy" ('Thánh ca'). Nhà hát đã được xây dựng lại, nhưng vẫn rất hồi hộp xúc động khi thấy nơi ông ở khi là nhà soạn nhạc — một căn hộ được Emanuel Schikaneder, ông bầu đã xây dựng nó, và là người giúp tạo nên vở opera "Cây sáo thần" ('The Magic Flute') với Mozart và là Papageno đầu tiên của vở nhạc kịch.
Tôi ghé vào Viện Hàn lâm Khoa học Áo, nơi đang được sửa chữa, để xem nơi trình diễn Bản giao hưởng số 7 của ông. Chuyến tham quan Quốc hội Áo của tôi, để xem nơi Bản giao hưởng số 8 được biểu diễn trong Đại hội Vienna — trong một phòng khiêu vũ ở Hofburg, Grosser Redoutensaal — ít thành công hơn: Phòng khiêu vũ được xây dựng lại sau trận hỏa hoạn năm 1992, sự trang nghiêm của Hoàng gia được thay thế bằng những bức tranh rất hiện đại của Josef Mikl. Nhưng tôi đã (tranh thủ) tìm hiểu về Hans Kudlich, nhà lập pháp người Áo, người chiến đấu chống lại chế độ phong kiến, chạy trốn năm 1849, và định cư ở Hoboken, New Jersey.
Nhà hát nơi Bản giao hưởng số 9 lần đầu tiên được biểu diễn không còn tồn tại. Nhưng tôi cố gắng vượt qua những khách thăm quan đang chụp ảnh selfie và xem một phần bản thảo của bảng tổng phổ trong triển lãm lớn về Beethoven tại Thư viện Quốc gia Áo.
Beethoven đã chuyển nơi ở rất nhiều. Một cuộc triển lãm trong bảo tàng âm nhạc của thành phố, the House of Music, ước tính rằng ông chuyển nơi ở 67 lần trong suốt 35 năm ở Vienna, trích dẫn những cuộc cãi vã của ông với chủ nhà và ý thích rời thị trấn mỗi mùa hè. Không ngạc nhiên khi thấy nhiều hơn một địa điểm tuyên bố là nơi ông đã soạn, ví dụ như, Eroica hay Bản giao hưởng số 9. Tôi hoài nghi tự hỏi liệu đây có phải phiên bản thành Vienna về "George Washington từng ngủ ở đây".
Vì vậy, tôi đánh giá cao sự chân thật của Pasqualati House, bảo tàng tại một trong những ngôi nhà chính của ông ở Vienna. Bảo tàng thừa nhận rằng đã có cuộc tranh luận về căn phòng nào Beethoven đã thực sự ở — và cũng thừa nhận vết nhơ quá khứ, rằng Đức quốc xã đã đuổi gia đình Do Thái sống ở đây để lập nên bảo tàng, và một số người đã bị giết ở Auschwitz.
Cuối cùng, tôi tìm đường đến nơi Beethoven qua đời ngày 26 tháng 3 năm 1827, lúc 56 tuổi. Tòa nhà, trên phố Schwarzspanierstr, không còn, nhưng có hai tấm biển đánh dấu vị trí. Sau khi ông chết, người đến thăm cắt tóc ông làm kỷ niệm; những món tóc có giá hàng ngàn đô-la khi đấu giá. Người dân than khóc xếp hàng dài trên các con phố viếng đám tang ông; phải mất gần một tiếng rưỡi để đoàn rước tiến đến Nhà thờ Chúa Ba Ngôi (Church of the Holy Trinity) gần đó, nơi tổ chức tang lễ của ông. Tôi mất chưa đến 10 phút.
Tôi đi bộ đến ngôi mộ đầu tiên của Beethoven, trong nơi khi đó là nghĩa trang Währing, và là nơi Schubert, người qua đời ngay sau đó, cũng được chôn cất. Năm 1888, cả hai nhà soạn nhạc được chuyển đến nghĩa trang trung tâm của thành phố, nơi họ vẫn nằm cạnh nhau, gần mộ của Brahms. Nghĩa trang Währing giờ là Công viên Schubert.
Khi tôi đến thăm, công viên đầy những đứa trẻ đang chơi và những người dắt chó đi dạo dường như hầu như không chú ý đến hai tấm biển đánh dấu ngôi mộ trong một góc yên tĩnh.
Sau đó, tôi dừng lại ở Bảo tàng Ly khai (Secession Museum) mái vòm vàng để xem bức tranh “Beethoven Frieze” của Gustav Klimt****, được ông vẽ năm 1902. Đó là lời nhắc về cách Beethoven đã truyền cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ rất khác nhau như nào.
Tôi đã thu được gì từ chuyến đi?
Phải, Beethoven có thể khó chịu, đôi khi tàn nhẫn, và rất khó phân loại khuynh hướng chính trị của ông. Sự suy sụp của ông theo năm tháng thật đau lòng: một bảo tàng trong một ngôi nhà ông từng ở trong thị trấn spa Baden miêu tả một Beethoven nhếch nhác từng đi dạo và bị bắt giữ vì lang thang kỳ quặc ra sao.
Ngôi mộ của Beethoven trong Nghĩa trang Trung tâm thủ đô Vienna. Ảnh: Andreas Meichsner/The New York Times
Nhưng bất kỳ nỗi sợ hãi nào tôi có về việc đào sâu quá nhiều vào cuộc sống của ông, những cái hay cái dở, đã bị xua tan trong đêm tôi nghe dàn nhạc giao hưởng Vienna tái hiện buổi hòa nhạc hoành tráng năm 1808 mà Beethoven trình diễn tại Nhà hát sông Viên.
Lắng nghe Bản giao hưởng Đồng quê (Pastoral) của ông đêm đó, tiếng chim kêu ông viết cho sáo đưa tôi trở lại với tiếng chim lảnh lót tôi nghe theo dấu chân ông trên đường Beethovengang. Nhịp điệu nhảy đồng quê của bản nhạc làm tôi nhớ đến quán rượu lâu đời Mayer am Pfarrplatz. Buổi hòa nhạc kéo dài năm giờ đã trôi qua.
Tôi học được rằng: "biết nhiều hơn càng khiến tôi trân trọng ông hơn".
Chú thích:
* Hội nghị Vienna (Wiener Kongress, diễn ra tại Vienna từ tháng 11.1814 đến tháng 6.1815) với sự tham gia của đại sứ tất cả các quốc gia châu Âu dưới sự chủ trì của chính khách người Áo Klemens Wenzel von Metternich nhằm tìm cách lập lại nền hòa bình lâu dài cho châu Âu bằng cách giải quyết những vấn đề phát sinh từ Chiến tranh Cách mạng Pháp và Chiến tranh Napoleon. Mục tiêu không chỉ đơn giản là khôi phục lại cương giới cũ mà còn thay đổi lãnh địa của các cường quốc để tạo thế cân bằng và duy trì hòa bình.
** ‘Sturm und Drang’ xuất phát từ vở kịch cùng tên của Friedrich Maximilian Klinger, là trào lưu nghệ thuật nổi bật của Đức ở Thế kỷ 18 và là một trong những trào lưu nghệ thuật nổi tiếng và quan trọng nhất của thời kỳ Khai sáng. Nhờ trào lưu này, nền nghệ thuật của Đức đã có bước tiến mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn hơn đến nhiều nền nghệ thuật khác. Bão táp và xung kích diễn ra mạnh mẽ nhất trên các lĩnh vực văn học, kịch, âm nhạc và nghệ thuật thị giác.
*** Đàn tưởng tượng mà trẻ em bắt chước các cử chỉ tạo ra âm thanh trong không khí mà không thật sự chạm vào đàn.
**** Họa sĩ theo trường phái tượng trưng (Symbolism) người Áo và là một trong những thành viên xuất chúng nhất của phong trào Art Nouveau Viên (Ly khai Wien).
vutuan
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tu-bonn-den-vienna-theo-dau-chan-beethoven-a2604.html