Bộ Tài chính đề nghị thúc đẩy đầu tư công

Giải ngân ngân sách nhà nước hàng năm thường chậm trễ ở ba quý đầu tiên và tăng tốc ở quý cuối năm - là thời gian quyết toán các dự án hạ tầng.

Bộ Tài chính trong báo cáo đầu tháng Bảy đã đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thúc đẩy tiến độ giải ngân và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư sớm.

Theo thống kê của Tạp chí Nhà Quản Lý, trong bốn năm trở lại đây, mức chi đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước luôn thấp hơn so với kế hoạch, và tỷ lệ hoàn thành kế hoạch đang giảm dần.

Tính đến hết tháng Sáu, còn 33 Bộ, cơ quan Trung ương và 7 địa phương có tỉ lệ giải ngân ngân sách nhà nước dưới 20%. Thậm chí còn 10 bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân dưới 5%, theo báo cáo của Bộ Tài chính.

“Nếu đến tháng Chín mới điều chỉnh thì việc thực hiện thủ tục giải ngân nhanh nhất là đến cuối năm chỉ có thể tạm ứng theo hợp đồng. Mà nếu tạm ứng thì không có GDP vì chưa có khối lượng.” - Bộ Tài chính cho biết trong thông báo phát đi. GDP trong sáu tháng đầu năm 2020 đã có mức tăng thấp nhất kể từ khi Tổng cục Thống kê bắt đầu tính toán chỉ số này. Đầu tư công là một thành phần của chi tiêu chính phủ, đóng góp tỷ trọng xung quanh 6,5% trong GDP cả nước. 

Giải ngân ngân sách nhà nước hàng năm thường chậm trễ ở ba quý đầu tiên và tăng tốc ở quý cuối năm - là thời gian quyết toán các dự án hạ tầng.

Phần lớn các dự án đầu tư công là các dự án hạ tầng, đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian hoàn vốn lâu, thậm chí thua lỗ về mặt tài chính. Tuy nhiên, đây cũng là các dự án thu hút nhiều lao động tham gia, tạo thu nhập và tăng nhu cầu tiêu dùng từ người lao động và gia đình của họ. Bên cạnh đó, các dự án cũng kéo theo các chuỗi các doanh nghiệp tham gia cung ứng nguyên vật liệu, một lần nữa tạo thu nhập cho người lao động các công ty liên quan… Một dự án hạ tầng khi hoàn thiện sẽ kéo theo sự hình thành của một khu đô thị xung quanh, thúc đẩy quá trình đô thị hoá. 

Trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh, thương mại quốc tế chưa được nối liền hoàn toàn, động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu đến từ nhu cầu trong nước, thay vì xuất nhập khẩu như trước đó. Việt Nam là một trong các quốc gia có nền kinh tế mở nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao gấp đôi GDP cả nước. Nhưng trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu Việt Nam hầu như không tăng trưởng, trong khi nhập khẩu giảm 2,3% so với cùng kỳ 2019.

Các nhà kinh tế học theo trường phái trọng cầu cho rằng trong giai đoạn khủng hoảng, suy thoái kinh tế, nếu các chính phủ tăng cường đầu tư công, sản xuất và việc làm sẽ tăng theo, giúp nền kinh tế phục hồi. 

Hàng loạt dự án hạ tầng như tuyến cao tốc Bắc-Nam, dự án cải tạo sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất,… đang được đẩy mạnh giải ngân, triển khai.

Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp chuyên triển khai các dự án hạ tầng hợp tác công tư (PPP) cho biết mặc dù các dự án đầu tư công đang được khởi động trở lại, tốc độ giải ngân nhìn chung vẫn chậm chạp. “Từ khi được phê duyệt dự án đến khi được giải ngân ít nhất phải mất chín tháng” - ông cho biết. Với các dự án khu vực tư nhân, thời gian ra quyết định và rót vốn đầu tư thường nhanh chóng hơn nhiều, nhằm chớp lấy cơ hội kinh doanh.

Minh Thư

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bo-tai-chinh-de-nghi-thuc-day-dau-tu-cong-a2568.html