Loạt xe ăn khách chuyển sang lắp ráp vì hiệu ứng... chính sách

Honda CR-V, Mitsubishi Xpander và Toyota Fortuner (bản máy xăng) lần lượt chuyển sang lắp ráp trong nước với tâm thế đón đầu lợi thế từ các chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ.

Xe bán chạy không còn "sính ngoại"

Năm 2019, Honda CR-V là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc Crossover, Mitsubishi Xpander dẫn đầu phân khúc MPV, còn Toyota Fortuner "làm mưa, làm gió" tại phân khúc SUV với doanh số tương ứng 13.337 xe, 20.098 xe và 12.667 xe.

Trong đó, Honda CR-V là xe nhập khẩu từ Thái Lan, Mitsubishi Xpander nhập khẩu từ Indonesia, còn phiên bản bán chạy nhất của Toyota Fordtuner (máy xăng 2.7 4x4 và 2.7 4x2) cũng là xe hơi nhập khẩu từ Indonesia.

Loạt xe ăn khách chuyển sang lắp ráp vì hiệu ứng... chính sách 1
Loạt xe ăn khách chuyển sang lắp ráp vì hiệu ứng... chính sách. (Ảnh: Internet)

Thông tin gần đây cho thấy, những mẫu xe nói trên đang có kế hoạch chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp. Honda Việt Nam đã xác nhận lắp ráp CR-V 2020 tại Việt Nam. Ngày 30/7 tới đây, Honda CR-V 2020 ra mắt khách hàng với các phiên bản L, G và E cùng 5 lựa chọn về màu sắc.

Xpander Mitsubishi chuyển sang lắp ráp từ tháng 5/2020 thay vì nhập khẩu hoàn toàn từ Indonesia. Toyota lắp ráp các bản máy dầu và bản máy xăng 2.7 4x2 TRD của Fortuner từ giữa năm 2019 và thời gian tới sẽ chuyển sang lắp ráp các bản máy xăng 2.7 4x4 và 2.7 4x2.

Theo chân các đối thủ, hãng xe hơi nước Pháp đã lên kế hoạch phân phối bộ đôi Peugeot 508 và Peugeot 2008 dưới dạng lắp ráp trong nước ngay trong năm nay sau bao năm trung thành với hình thức nhập khẩu nguyên chiếc. Trong khi đó, Ford và Kia chuẩn bị tung vào thị trường mẫu xe mới là Ford Escape, Kia Seltos, đồng thời ấn định chúng sẽ là sản phẩm lắp ráp trong nước...

Vậy động lực nào khiến các hãng xe thay đổi 180 độ chiến lược kinh doanh của mình? Theo các chuyên gia, mấu chốt vấn đề này chính là:

... hiệu ứng chính sách

Không dễ gì các hãng xe hơi quyết định chuyển sang lắp ráp những mẫu xe bán chạy vốn là "tấm thẻ bài" đảm bảo doanh thu tại thị trường Việt Nam. Nhưng khi Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ và miễn thuế linh kiện nhập khẩu, thì mọi chuyện rẽ sang hướng khác.

Các chuyên gia ô tô cho biết: Năm 2020, thị trường ô tô chịu sự chi phối của hai chính sách mới, tác động lên cả hai phía - cung và cầu.

Không dễ gì các hãng xe hơi quyết định chuyển sang lắp ráp những mẫu xe bán chạy 1

Gian hàng Toyota tại triển lãm VMS 2019 trưng bày chủ yếu xe nhập khẩu. (Ảnh: Ngô Minh)

Đầu tiên là Nghị định 70/2020 với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước, có hiệu lực đến hết năm 2020, giúp người tiêu dùng tiết kiệm từ 25 triệu đồng - 250 triệu đồng (tuỳ dòng xe).

Chỉ còn vài ngày nữa, Nghị định 57/2020 chính thức có hiệu lực, khi đó một loạt linh kiện phục vụ cho hoạt động lắp ráp ô tô trong nước sẽ được miễn thuế nhập khẩu (trừ những linh kiện đơn giản như bu lông, ốc vít).

Việc miễn thuế linh kiện nhập khẩu sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp lắp ráp bứt phá bởi từ trước đến nay, nền công nghiệp ô tô trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn linh kiện nhập khẩu từ Hàn, Nhật, Trung hoặc Thái Lan.

Miễn thuế linh kiện nhập khẩu sẽ là yếu tố giúp xe lắp ráp trong nước giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu. Trước đây, Honda và Toyota quyết định chuyển CR-V và Fortuner từ lắp ráp sang nhập khẩu vì muốn hưởng thuế ưu đãi 0% đối với xe nhập khẩu từ ASEAN và giờ lại hân hoan chuyển hướng vì Chính phủ tung ra chính sách tốt.

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/loat-xe-an-khach-chuyen-sang-lap-rap-vi-hieu-ung-chinh-sach-a2534.html