Xu hướng tất yếu của ngành dược Việt Nam

Mua bán sáp nhập đang là xu hướng diễn ra trong ngành dược Việt Nam và giúp công ty nội địa có thêm vốn, kĩ thuật mở rộng thị phần trên thị trường.

Với năng lực về vốn và công nghệ, các nhà đầu tư nước ngoài đang được kỳ vọng sẽ đem lại cho ngành dược phẩm trong nước nhiều cánh cửa để cạnh tranh với các sản phẩm thuốc ngoại nhập.

Đại hội cổ đông năm 2020 là lần đầu tiên Dược Hậu Giang, công ty đầu ngành sản xuất và phân phối dược phẩm Việt Nam có sự hiện diện chính thức của vị CEO mới. Sau hai năm bà Phạm Thị Việt Nga, người được xem là “linh hồn” của Dược Hậu Giang, rời ghế tổng giám đốc, vị trí CEO thuộc về ông Masashi Nakaura, thành viên của Taisho Nhật Bản.

Ngày 31.12.2019, Taisho chính thức nắm 51% cổ phần của Dược Hậu Giang sau ba năm theo đuổi thương vụ. Ông Masashi Nakaura từng có thời gian đã làm việc cho Taisho 20 năm. Trong đó ông đã làm việc Indonesia 12 năm và tại Philippines tám năm. Công ty Taisho có lịch sử hình thành trên 100 năm và là một trong những công ty bán lẻ dược phẩm lớn nhất của Nhật Bản. “Chúng tôi rất mong sự hợp tác, Taisho muốn Dược Hậu Giang sẽ trở thành công ty sản xuất thuốc generic lớn nhất Nhật Bản”, ông Masashi Nakaura tuyên bố trong đại hội cổ đông năm 2020 của Dược Hậu Giang.

Theo đại diện công ty, việc bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài được kì vọng sẽ giúp công ty dược trong nước có thể tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan trọng hơn, việc sáp nhập sẽ giúp các công ty trong nước tiếp cận với các tiêu chuẩn cao hơn như EU-GMP, Japan - GMP, PIC/s - GMP. Ngoài ra, việc kết nối với các nhà bán lẻ lớn giúp công ty dược phẩm trong nước có thể hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm.

“Khi nghe đến M&A (mua bán sáp nhập), nhiều người thường nghĩ tới việc mất mát và thâu tóm. Tuy nhiên, với ngành dược đây là sự hội nhập và nâng tầm”, theo bà Phạm Thị Việt Nga, cựu CEO của Dược Hậu Giang. Theo bà Nga, ngành dược phẩm là ngành có khoa học kĩ thuật cao. Mỗi năm đều có sự phát triển mới. Nếu không có sự hợp tác với nước ngoài, các công ty trong nước sẽ dễ bị tụt hậu. Các công ty dược trong nước thúc đẩy M&A để có thể bắt kịp xu hướng thế giới. “Nếu không có nhà đầu tư như Taisho vào Dược Hậu Giang, công ty sẽ bị chậm nhịp với các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, đối với ngành dược, đây là nhu cầu cần thiết”, bà Nga nói.

Từ năm 2020, khi trở thành giám đốc của Dược Hậu Giang, ngoài nhà máy sản xuất, Taisho sẽ tham gia sâu vào các hoạt động bán hàng, marketing, tài chính nhân sự, ông Masashi Nakaura cho biết. “Chúng tôi đang trong giai đoạn đầu tiên của việc đưa công ty lên chuẩn quốc tế cao hơn. Trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là đầu tư phát triển nhà máy. Quan trọng trước mắt là đầu tư phát triển nhà máy có tiêu chuẩn cao hơn”, ông Masashi Nakaura phát biểu.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán FPTs, công nghệ hóa dược ở Việt Nam chưa phát triển nên các doanh nghiệp chưa tự sản xuất được các hoạt chất tân dược. Tại Việt Nam chỉ mới có Savipharm, Imexpharm, Pymepharco đạt chuẩn EU-GMP - một trong những tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới và Savipharm đạt chuẩn J-GMP. Dược Hậu Giag thuộc nhóm doanh nghiệp hướng tới chuẩn cao nhưng chưa được cấp bởi các cơ quan thuộc quốc gia trong nhóm ICH (international Conference on Harmonization).

Quy mô ngành dược phẩm Việt Nam vào khoảng hơn 130 nghìn tỉ đồng trong năm 2018 với tăng trưởng ở mức gần 12%, theo báo cáo của Business Monitor International. Quy mô doanh thu năm 2019 từ kênh đấu thầu chiếm hơn 75% doanh thu ngành dược Việt Nam và tăng trưởng ở mức 13% năm 2019. Trong khi đó, quy mô của kênh bán lẻ dược phẩm đang giảm dần. Tuy nhiên, với kênh bệnh viện, hơn 70% doanh nghiệp trúng thầu là các công ty nước ngoài, gần 30% còn lại thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam. 

Năm 2019, 85 triệu dân có bảo hiểm y tế, đạt 89,8%, gần đạt mục tiêu 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Việc tham gia hoạt động xu hướng phát triển thị trường, xu hướng phát triển ở kênh bệnh viện sẽ tăng cao và bắt kịp với thế giới. Để vào các kênh bệnh viện, kênh điều trị, các doanh nghiệp cũng phải nâng tiêu chuẩn sản xuất theo chuẩn Japan - GMP, nhà máy phải bắt kịp tiến bộ của chuẩn thế giới. 

Theo quy định của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 90% dân số mua bảo hiểm y tế. Quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam 60% doanh thu từ thuốc kê đơn. Thuốc phải vào hệ điều trị thì phải phát triển và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Để phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn cao.

Thách thức lớn nhất của các công ty dược nội địa như Dược Hậu Giang khi tham gia vào hệ điều trị là phải đạt chuẩn nhà máy. Trong khi đó, các đối thủ trong ngành như Pymepharco hay Imexpharm đã đạt chứng nhận EU-GMP. Sau khi nhà đầu tư nước ngoài Stada tăng tỉ lệ sở hữu lên thành 62% vào cuối năm 2018, công ty dược phẩm Imexpharm bắt đầu mở rộng quy mô nhà máy. Imexpharm và Pymepharco là hai trong số ít doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn và chiếm 5% thị phần trong kênh đấu thầu bệnh viện, tính tới tháng 8.2019, theo Bộ Y tế.

Dâng Phạm





dang.pham

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/xu-huong-tat-yeu-cua-nganh-duoc-viet-nam-a2513.html