Triển vọng ngành năng lượng tái tạo Việt Nam

Năng lượng tái tạo là lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng tại các nước Đông Nam Á, và Việt Nam có thể hưởng lợi từ những đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong thập kỷ qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng. Nhu cầu sử dụng điện gia tăng đáng kể tương ứng với mức độ tăng trưởng kinh tế chung. Theo dữ liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, mức tiêu thụ điện trung bình hàng ngày là 615 triệu Kwh mỗi ngày trong vài tháng đầu năm 2020, tăng 7,5% so với năm 2019. Mặc dù nhiều ngành nghề và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, mức tiêu thụ điện của Việt Nam vẫn tăng.

Trước tác động của ô nhiễm và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần phải cải cách ngành điện lực và áp dụng quá trình chuyển đổi hiệu quả sang hệ thống năng lượng tái tạo. Chuyển đổi như vậy sẽ giúp giảm thiểu những vấn đề ô nhiễm và biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện của các hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế và công nghiệp. Dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng hơn 10% mỗi năm vào cuối năm 2020 và 8% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.

Theo nhận định của ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), năng lượng tái tạo nên chiếm tỉ lệ 10 - 15% trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch này tập trung vào việc mở rộng quy mô và tăng tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng, giải quyết các vấn đề về cung cấp năng lượng cho khu vực đô thị, đóng góp thúc đẩy phát triển sản xuất và xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên thân thiện với môi trường. Việt Nam đặt mục tiêu giảm vô điều kiện 8% lượng khí thải nhà kính (GHG) và giảm có điều kiện 25% lượng GHG vào năm 2030. Việt Nam cũng có kế hoạch đưa ra các biểu giá điện FIT (feed-in tariffs: cơ chế chính sách về giá điện giúp thúc đẩy năng lượng tái tạo) linh hoạt và các chính sách bảo vệ đầu tư cũng như nhiều ưu đãi khác nhằm đẩy mạnh phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Mặc dù năng lượng tái tạo là ngành tăng trưởng nhanh ở các nước châu Á nói chung, nhưng Việt Nam có thể được coi là một điểm đến tốt để đầu tư vào lĩnh vực này. Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam đang nóng dần. Ở Việt Nam, các dự án năng lượng tái tạo sẽ được điều chỉnh dựa trên các kế hoạch phát triển điện, đơn vị mua điện và quy trình thỏa thuận mua bán điện, cũng như sự phê duyệt và chấp thuận từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan.

Ngành năng lượng tái tạo Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì nhu cầu cao về sử dụng điện. Theo luật đầu tư của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 100% các công ty Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và có thể giao dịch dưới nhiều hình thức khác nhau như công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, hợp tác công tư và BOT (Xây dựng-Điều hành-Chuyển giao). Hơn nữa, trong những năm gần đây, Việt Nam còn áp dụng các chính sách linh hoạt cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió và điện mặt trời.

Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cố gắng thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo bằng cách giảm bớt rào cản đầu tư. Việt Nam ưu đãi cho các dự án năng lượng mặt trời bao gồm giảm phí sử dụng đất, giá thuê đất và thuê nước mặt. Trước đây, Việt Nam thực hiện hệ thống biểu giá mua điện theo Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ, chấp nhận các dự án điện mặt trời kết nối lưới điện quốc gia. Với các dự án có hiệu suất tế bào quang điện lớn hơn 16% hoặc hiệu suất module lớn hơn 15%, biểu giá FIT được cố định ở mức 2.086 VND/ kWh (chưa bao gồm VAT) tại điểm giao nhận điện. Do đó, Việt Nam được hưởng lợi từ sự bùng nổ các dự án điện mặt trời và là quốc gia lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất ASEAN, chỉ hai năm sau khi thực hiện hệ thống biểu giá FIT.

Tháng Tư năm 2020, Việt Nam thông báo biểu giá mua điện FIT mới theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó giá bán điện sẽ tùy vào dự án điện mặt đất, điện nổi hay điện mái nhà. Biểu giá này được ban hành khoảng 10 tháng sau khi Biểu giá cũ hết hiệu lực và các mức giá này phù hợp với kỳ vọng của ngành. Việt Nam cũng có nhiều mục tiêu tham vọng hơn cho năng lượng tái tạo nhờ vào tài nguyên và tiềm năng gió giàu có và phong phú. Việt Nam đặt mục tiêu công suất điện gió 800 MW vào năm 2020, 2.000 MW vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030. Tuy nhiên, Biểu giá FIT hiện tại sẽ hết hiệu lực vào tháng 11 năm 2021 và đang được đề xuất mở rộng thêm hai đến cuối năm 2023. Việt Nam cũng xây dựng chương trình đấu giá điện, nhằm chuyển đổi từ cơ chế biểu giá điện hỗ trợ sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh về giá cho các dự án điện gió.

Mặc dù đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tiến độ xây dựng năng lượng sạch toàn cầu, các dự án về năng lượng mặt trời vẫn đang phát triển dần ở Việt Nam. Vào ngày 29.5, Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) khởi công dự án năng lượng mặt trời với tổng vốn đầu tư 6,2 tỉ VND (265.000 USD) tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Dự án sẽ được xây dựng trên diện tích 380 ha với tổng công suất 330MW. Dự án là cần thiết, tạo ra một nguồn điện ổn định cho các doanh nghiệp địa phương và phát triển kinh tế của đất nước, cải thiện mức sống và ổn định an sinh xã hội. Dự án cũng sẽ giảm được 146.000 tấn khí thải CO2 và bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp nước ngoài được quyền mua lại các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Trên thực tế, doanh nghiệp nước ngoài đã mua lại nhiều nhà máy điện gió và điện mặt trời và tăng quyền sở hữu trong lĩnh vực này thông qua việc mua lại cổ phần hoặc dưới hình thức liên doanh. Tuy nhiên, lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn có một số mối quan tâm và thách thức do chi phí đầu tư cao, hạn chế về năng lực cơ sở hạ tầng lưới điện, cũng như hướng dẫn và phê duyệt theo quy định của các cơ quan chức năng. Các nhà đầu tư phải mất thời gian dài mới có được phê duyệt dự án từ chính quyền. Chi phí vốn cao hơn đang hạn chế đáng kể khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tiềm năng to lớn trong ngành năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam đi theo con đường sử dụng năng lượng sạch hơn và an toàn hơn. Chính vì thế, vai trò của chính phủ trong việc điều chỉnh các quy định đối với lĩnh vực này là vô cùng quan trọng để làm cho đất nước trở nên hấp dẫn hơn đối với các đầu tư.

Thoi Nguyễn – Tạp chí Nhà Quản Lý biên dịch




caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/trien-vong-nganh-nang-luong-tai-tao-viet-nam-a2509.html