Nhìn lại chặng đường xâm nhập của các thương hiệu ô tô Trung Quốc

Thương hiệu ô tô Trung Quốc gần đây đang dần chiếm được sự tin tưởng của khách hàng Việt. Nhưng chặng đường chinh phục của những chiếc xe du lịch Trung Quốc đến giờ vẫn không hề dễ dàng.

Xe ô tô du lịch Trung Quốc vào Việt Nam từ khi nào?

Thương hiệu ô tô Trung Quốc không còn lạ lẫm gì đối với những khách hàng sử dụng xe vào mục đích vận tải nhưng ở phân khúc xe du lịch, thương hiệu ô tô gắn mác “Made in China” chỉ thực sự được người tiêu dùng Việt chú ý vào giữa những năm 2000.

Mở màn cho cuộc hành trình thâm nhập của thương hiệu xe du lịch Trung Quốc vào thị trường Việt Nam chính là Lifan. Khi ấy, thương hiệu Lifan đang nổi lên như cồn và được người dùng Việt Nam biết đến bằng các sản phẩm xe máy có giá bán rẻ và chất lượng đủ tốt.

Lifan là thương hiệu ô tô Trung Quốc đầu tiên được phân phối chính thức tại Việt Nam.
Lifan là thương hiệu ô tô Trung Quốc đầu tiên được phân phối chính thức tại Việt Nam.

Vì vậy khi chuyển sang sản xuất ô tô, Lifan tiếp tục hi vọng cũng sẽ gặt hái thành công tại thị trường Việt Nam như cách mà họ đã làm được với xe máy. Lifan đánh dấu sự hiện diện của mình bằng mẫu xe sedan cỡ nhỏ Lifan 520 nhân một sự kiện triển lãm ô tô tại Việt Nam vào năm 2006.

Với mức giá 16.500 USD, ở thời đó Lifan 520 tạo được ấn tượng không nhỏ với khách hàng Việt bằng hình thức đẹp, trông có vẻ cao cấp và quan trọng là phù hợp túi tiền của nhiều người.

Tưởng “ngon ăn”, các hãng xe ô tô Trung Quốc lần lượt đổ bộ

Chery QQ3 có ngoại hình khá giống với Daewoo Matiz.
Chery QQ3 có ngoại hình khá giống với Daewoo Matiz.

Tiếp nối Lifan, một thương hiệu ô tô Trung Quốc khác là Chery cũng quyết định nhòm ngó thị trường Việt Nam vào năm 2009 thông qua đơn vị Liên doanh ô tô Hoà Bình. So với Lifan, Chery chỉ tập trung vào phân khúc xe đô thị giá rẻ bằng mẫu Chery QQ3 với giá chỉ 10.000 USD (xấp xỉ 180 triệu đồng).

Dù có giá bán rẻ nhất vào thời điểm được giới thiệu nhưng Chery QQ3 không tạo được nhiều thiện cảm do hình thức sao chép thiết kế của mẫu Matiz/Spark của GM Daewoo và thương hiệu còn non trẻ và quá mới mẻ, chưa được kiểm chứng. 

Chery Riich M1 tiếp tục được Liên doanh ô tô Hoà Bình giới thiệu tới khách hàng Việt.
Chery Riich M1 tiếp tục được Liên doanh ô tô Hoà Bình giới thiệu tới khách hàng Việt.

Chưa dừng lại ở đó, gần 1 năm sau (tháng 6/2010), liên doanh ô tô Hoà Bình tiếp tục giới thiệu thêm mẫu Chery Riich M1 với giá bán 288 triệu đồng. Mẫu xe này được hãng xe Trung Quốc này định vị ở tầm cao cấp hơn so với Chery QQ3. Ngoài giá bán, Chery Riich M1 gần như không để lại nhiều ấn tượng.

BYD F0 - một bản sao của Toyota Aygo.
BYD F0 - một bản sao của Toyota Aygo.

Cũng trong năm 2010, người tiêu dùng Việt còn đón nhận thêm mẫu BYD F0 được phân phối qua FAuto 100% vốn trong nước. Giống như Chery QQ3, BYD F0 cũng có mức giá rẻ, chỉ hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, mẫu xe này không được khách hàng đánh giá cao do kiểu dáng nhái với mẫu Toyota Aygo.

Thương hiệu Haima được phân phối bởi Kylin GX-668.
Các mẫu xe của Haima lại trông giống với thương hiệu Mazda.

Đến năm 2011, Haima – thương hiệu ô tô Trung Quốc thứ 4 có mặt tại Việt Nam thông qua nhà phân phối Kylin-GX668. So với 3 cái tên trước đó, Haima có bề dày lịch sử lâu hơn và là liên doanh với Mazda Nhật Bản. Thế nên, có thể hiểu tại sao các mẫu xe của thương hiệu này trông khá giống với sản phẩm của Mazda. 

MG là thương hiệu Anh Quốc nhưng bản chất là một hãng xe Trung Quốc.
Showroom MG tại Hà Nội chỉ tồn tại được vài tháng.

Năm 2012, thị trường xe Việt tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của cái tên MG Cars (Morris Garages). Đây là một thương hiệu xe đến từ Anh Quốc song đã được tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) mua lại và sản xuất tại Trung Quốc. Thương hiệu MG được bán tại Việt Nam thông qua nhà nhập khẩu và phân phối CT Brothers Automobile chủ yếu là các mẫu xe sedan/hatchback cỡ nhỏ. 

Luxgen thương hiệu đến từ Đài Loan.
Luxgen đến Việt Nam với những sản phẩm có chất lượng nhưng giá bán lại quá cao.

Ngoài MG Cars, Luxgen cũng là cái tên rất đáng chú ý khi góp mặt tại triển lãm VMS 2012. Đây là một hãng xe đến từ Đài Loan với những mẫu xe có chất lượng và mẫu mã đẹp. Có điều, giá bán lại không hướng đến người dùng phổ thông.

…. Và cái kết đắng

Khi các thương hiệu ô tô Trung Quốc đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam với các mẫu xe giá rẻ, tưởng chừng điều đó sẽ tạo nên cú hích cho thị trường ô tô Việt. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về xe máy “Made in China” trước đó, cộng thêm kiểu dáng thường nhái các thương hiệu xe có tên tuổi khiến những chiếc xe sản xuất tại Trung Quốc này đã không thể chinh phục được người tiêu dùng trong nước.

Showroom của MG nhanh chóng bị bỏ hoang sau ít tháng giới thiệu.
Showroom của MG nhanh chóng bị bỏ hoang sau ít tháng giới thiệu.

Chưa hết, tâm lý e dè về chất lượng xe do chưa được kiểm chứng, cùng với việc ô tô đối với người tiêu dùng vẫn là tài sản lớn ở thời điểm đó càng làm cho khách hàng trở nên cảnh giác hơn đối với những chiếc xe hơi mang thương hiệu Trung Quốc. 

Thương hiệu xe Đài Loan tuy được người dùng đánh giá có chất lượng tốt nhưng giá cao ngang với các mẫu xe của Nhật, cùng suy nghĩ Đài Loan hay Trung Quốc thì vẫn là xe “Tàu”. Kết quả tất yếu là sự rút lui “không lời từ biệt” của các thương hiệu này chỉ sau 1, 2 năm do doanh số bán hàng không đạt được như kỳ vọng.

Sự trở lại liệu có lợi hại hơn xưa?

Trong 3 năm trở lại đây, các thương hiệu xe Trung Quốc đang tìm cách trở quay trở lại thị trường Việt Nam không chỉ bởi đây vẫn là một thị trường ô tô còn rất nhiều tiềm năng. Mặt khác, vì họ đã cảm thấy đủ tự tin để chinh phục khách hàng bằng những mẫu xe có chất lượng và thoả mãn được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng Việt.

Zoyte Z8 một trong những mẫu xe Trung Quốc được nhiều khách hàng Việt lựa chọn.
Các mẫu xe Trung Quốc giờ không chỉ đẹp mà còn tiện nghi không thua kém xe Hàn.

Khách quan mà nói, các mẫu xe mang thương hiệu Trung Quốc dù trông vẫn có nét hao hao với những tên tuổi lớn của ngành công nghiệp ô tô thế giới nhưng đã có sự cải thiện đáng kể về chất lượng. Ngược lại, nó cho người dùng cảm giác hiện đại và tiện nghi không thua kém gì những chiếc xe đắt tiền.

Có lẽ đây là điều mà các thương hiệu xe hơi Trung Quốc đang muốn khách hàng nhìn nhận với con mắt thiện cảm hơn, giống như cách mà các thương hiệu xe Hàn thực hiện cách đây hơn 10 năm. Các mẫu xe Trung Quốc đang có dự định cạnh tranh ở thị trường Việt Nam giờ cũng là những thương hiệu có tên tuổi và được chọn lựa kỹ càng.

Brilliance V7 gây sự chú ý với khách hàng Việt nhờ có sự hợp tác với BMW.
Brilliance V7 gây sự chú ý với khách hàng Việt nhờ có sự hợp tác với BMW.

Điển hình như Zotye Z8, BAIC Q7, Dongfeng T5, Brilliance V7… ngay cả những người có ác cảm nhất về xe Trung Quốc cũng sẽ phải thừa nhận rằng những chiếc xe Trung Quốc đang dần chiếm được cảm tình của khách hàng bằng thế mạnh về cả kiểu dáng, trang bị lẫn giá bán khi so sánh với các đối thủ cùng phân khúc. 

Theo tin tức chúng tôi mới cập nhật, sắp tới sẽ có thêm nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam bao gồm cả những cái tên lần đầu hiện diện và cả sự trở lại của cái tên quen thuộc MG cũng đang thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Sự trở lại của thương hiệu MG thông qua nhà phân phối Tanchong Motor.
MG ZS sẽ là một chiếc xe chiến lược của MG tại thị trường Việt Nam.

Với những lợi thế đang có là giá bán và trang bị, nhà phân phối có tiềm lực hơn có thể mở rộng chuỗi cung ứng dịch vụ vốn là điểm yếu của xe Trung Quốc, cùng tâm lý bớt e dè xe hơi gắn mác “Made in China”,  những mẫu ô tô Trung Quốc có cơ sở để tránh không đi lại vết xe đổ trước đó. 

Sự phổ biến của những thương hiệu xe Trung Quốc là một tín hiệu tốt cho thị trường ô tô Việt Nam. Có thể nó vẫn chưa đạt được thành công như các thương hiệu tên tuổi của Nhật, Mỹ hay châu Âu nhưng ít nhiều nó sẽ tạo nên những áp lực không nhỏ dành cho các đối thủ, góp phần hạ nhiệt mặt bằng chung của giá xe và giúp người Việt chạm đến gần hơn đến giấc mơ 4 bánh. 

Ảnh: Internet

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhin-lai-chang-duong-xam-nhap-cua-cac-thuong-hieu-o-to-trung-quoc-a2483.html