Kênh bán lẻ hiện đại tăng tốc cùng đô thị hóa tại Việt Nam

Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang lặng lẽ tăng nhanh cùng làn sóng công nghiệp hóa. Các nhà bán lẻ dường như đang là những người nhanh chân nhất trong chuyển động này.

Tại một đoạn đường Nguyễn Thông - cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 10km, đang đợi nâng cấp và chưa hoàn thiện, Bách Hóa Xanh đã có cửa hàng hoạt động. Bách Hóa Xanh hay Vinmart+ đều len lỏi vào các vị trí khu dân cư chứ không giới hạn tại mặt tiền trục đường lớn. Những kênh mua sắm hiện đại đang tăng tốc chiếm lĩnh thói quen của người tiêu dùng để bắt kịp tốc độ đô thị hóa và những yếu tố như thu nhập và thói quen tiêu dùng thay đổi.

Quy mô ngành bán lẻ Việt Nam ở mức 108 tỉ USD năm 2018, theo nghiên cứu của McKinsey. Trong đó, ngành bán lẻ thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhất, chiếm hơn 40%, tương ứng với khoảng 50 tỉ USD. Việt Nam cũng là quốc gia được dự báo sẽ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ phát triển quy mô bán lẻ thực phẩm, với tốc độ tăng trung bình vào khoảng 26%.

Bán lẻ Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thu nhập, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam. Mặc dù đô thị hóa vẫn còn ở mức thấp nhưng xét trong ngắn hạn, cuộc thương chiến vừa qua đã thúc đẩy dịch chuyển và hình thành nên các khu đô thị thông qua việc hình thành các khu công nghiệp. Mức độ đô thị hóa của Việt Nam hiện ở mức 36% và được đánh giá ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế dự báo, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa của Việt Nam sẽ tăng lên thành 55% vào năm 2030. Mặc dù kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 8% trong thị phần bán lẻ tiêu dùng năm 2018. Tuy nhiên, con số này được dự báo sẽ tăng lên thành 26% vào năm 2025. Quy mô thị trường bán lẻ thực phẩm ở kênh hiện đại ở mức 4 tỉ USD năm 2018 sẽ tăng lên thành 20 tỉ USD vào năm 2025.

Trong cuộc họp đại hội cổ đông 2020 tổ chức sáng ngày 30.6, Tập đoàn Masan cho biết sẽ phát triển hệ thống bán lẻ lên thành 30.000 cửa hàng, trong đó có 20.000 là nhượng quyền, nghĩa là gấp 10 quy mô hiện tại, trong vòng 5 năm tới. Cuối năm 2019, Masan bất ngờ tuyên bố mua lại toàn bộ hệ thống bán lẻ VinCommerce - công ty sở hữu hệ thống Vinmart và Vinmart+ và trở thành thương vụ đình đám nhất của năm. Ở thời điểm hiện tại, hệ thống Vinmart hiện đang đóng góp 1% doanh thu cho hệ thống của tập đoàn, đại diện công ty cho biết.

“Việt Nam là một trong những nước tiêu dùng cao nhất trong khu vực. Chúng tôi kì vọng rằng, người tiêu dùng sẽ chi trả hơn 20% trong vòng năm năm tới”, ông Danny Le, CEO Masan phát biểu tại đại hội cổ đông 2020.

Vinmart, đại diện có quy mô lớn nhất của kênh bán lẻ thực phẩm hiện đại đang cho thấy sự thắng thế ở thị trường miền bắc. “Nếu nhìn vào Quý IV.2020, Vinmart mở nhiều cửa hàng và cần thời gian đạt quy mô và khách hàng do đó chúng tôi phải dàn trải”, Danny Le nói. Ông cũng cho biết, các cửa hàng Vinmart tại Hà nội đã hoàn vốn. Trung bình cửa hàng của Vinmart tại Hà Nội đạt 8 triệu đồng/m2/tháng. “Chúng tôi cần mô hình B2B và B2C hiệu quả. Đối với khu vực nông thôn, cuối năm nay có thể hòa vốn cho Vinmart”, ông Danny Le cho biết thêm.

Thị phần của các nhà bán lẻ hiện đại tính theo số lượng cửa hàng - Nguồn: McKinsey
Thị phần của các nhà bán lẻ hiện đại tính theo số lượng cửa hàng - Nguồn: McKinsey

Các kênh bán lẻ hiện đại đang phát triển sôi động nhất tại thị trường phía nam. Trong đó, sự hiện diện của các công ty Việt Nam như Bách Hóa Xanh hay Saigon Co.op, Vinmart đang chiếm thế áp đảo so với những nhà bán lẻ nước ngoài như Lotte, Aeon hay Central Group. Hồi cuối tháng 6.2019, Saigon Co.op cũng vừa nhận chuyển nhượng chuỗi hệ thống siêu thị của Auchan tại Việt Nam, sau khi ông lớn bán lẻ của Pháp chấp nhận thất bại khi "không tìm được mô hình kinh tế đạt lợi nhuận tại Việt Nam".

Bách Hóa Xanh là chuỗi có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất trong các mô hình bán lẻ của công ty CP Thế Giới Di Động - nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Tính tới thời điểm hiện tại, Bách Hóa Xanh có hơn 1.500 cửa hàng tại khu vực phía Nam và tiến ra đến khu vực Tây Nguyên. Doanh thu từ bán lẻ thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng thiết yếu đến từ chuỗi Bách Hóa Xanh năm 2019 đạt gần 11.000 tỉ đồng, gấp 2,5 lần doanh thu năm 2018. Trong đó, doanh thu một cửa hàng Bách Hóa Xanh mỗi tháng đạt trên 1,3 tỉ đồng trong năm 2019, tăng trưởng khoảng 45% so với năm 2018.

Sự thay đổi của các chuỗi bán lẻ được tính theo từng ngày. Năm 2018, Bách Hóa Xanh có 405 cửa hàng, hầu hết đặt tại TP.HCM. Đến cuối năm 2019, Bách Hóa Xanh có 1.008 cửa hàng. Hơn một nửa trong số đó nằm tại 20 tỉnh khác. Chỉ trong vòng một năm, trung bình mỗi ngày có hơn một cửa hàng của Bách Hóa Xanh mở mới. Trong đó có 188 cửa hàng có diện tích lên tới 300 mét vuông, chiếm khoảng 19% số cửa hàng toàn chuỗi. Trước đó, các cửa hàng lớn chỉ chiếm 8%.

Trong cuộc họp cổ đông 2020 của công ty, lãnh đạo công ty cho biết sẽ tập trung vào phát triển hệ thống logistics, cụ thể là hệ thống kho trung tâm. Sau khi tập trung mở rộng cửa hàng và chuyển sang giai đoạn hai từ Quý I.2019. Cửa hàng ở các tỉnh nhỏ chưa đủ để bù đắp cho chi phí logistics, do đó, dự kiến công ty sẽ tăng thêm sự hiện diện của các trung tâm phân phối nhỏ hơn cho các cửa hàng, ông Trần Kinh Doanh, CEO Thế giới Di Động chia sẻ tại Đại hội cổ đông 2020.

Tháng ba vừa qua, Bách Hóa Xanh đã có lời. Doanh thu cửa hàng trung bình tăng lên 1,6 tỉ. Biên lãi gộp 25-26%. Chi phí trung tâm phân phối ở mức 5.5%. “Tiền đang kiếm được vừa vặn cho cửa hàng và trung tâm phân phối, dự kiến doanh thu tăng lên xíu nữa thì có lời”, ông Trần Kinh Doanh nói.

Khi hoàn thiện xong hệ thống bán lẻ phía nam, công ty mới có kế hoạch phát triển ra toàn quốc. Bách Hóa Xanh đặt kế hoạch sẽ trở thành nhà bán lẻ hàng tiêu dùng có doanh thu vào khoảng 60.000 tỉ đồng, bỏ qua nhà bán lẻ thứ hai từ 1,5 lần.

Doanh thu của các cửa hàng bán lẻ hiện đại tại Việt Nam - Nguồn: McKinsey
Doanh thu của các cửa hàng bán lẻ hiện đại tại Việt Nam - Nguồn: McKinsey

“Vị trí thứ hai” mà đại diện Thế Giới Di Động nhắc tới không ai khác chính là Saigon Co.op - đơn vị hoạt động theo mô hình hợp tác xã, thuộc quản lý của UBND TP.HCM. Đây là mô hình hợp tác xã lớn nhất Việt Nam, và nằm trong tốp 200 hợp tác xã lớn nhất thế giới. Thành lập cách đây hơn 30 năm, doanh thu năm 2018 của Saigon Co.op đạt hơn 30.000 tỉ đồng.

Saigon Co.op cho biết, hiện hệ thống bán lẻ của công ty đang có mặt tại 43 tỉnh thành Việt Nam với tổng cộng 800 siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi lớn nhỏ với khoảng một triệu lượt khách hàng tham quan mua sắm mỗi ngày.

Dâng Phạm

dang.pham

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/kenh-ban-le-hien-dai-tang-toc-cung-do-thi-hoa-tai-viet-nam-a2479.html