Cổ phiếu Uber và Lyft giảm sâu sau IPO

Nhà đầu tư có thể sẽ cẩn trọng hơn trong việc định giá các ứng dụng gọi xe đang vận hành, như Grab và GoJek.

Cổ phiếu của hai ứng dụng gọi xe lớn nhất hiện nay là Uber và Lyft lần lượt giảm giá 11,6% và 30,3% sau khi chào sàn. Cả hai ứng dụng gọi xe đều mới niêm yết trong thời gian gần đây, Lyft từ 28.3 và Uber từ 9.5.

Tài xế Lyft đang đón khách (Ảnh: Lyft)
Tài xế Lyft đang đón khách (Ảnh: Lyft)

Diễn biến thị trường của cổ phiếu Uber và Lyft đang là tín hiệu xấu với Grab và GoJek - hai ứng dụng gọi xe có thể sẽ niêm yết trong thời gian tới đây sau khi huy động hàng tỉ USD từ các nhà đầu tư sau nhiều vòng gọi vốn.

Mark Suckling, hiệu trưởng tại Cento Ventures có trụ sở tại Singapore nói với Nikkei Asia, thách thức của Grab và GoJek trong thời gian tới là thuyết phục được các nhà đầu tư ở các vòng gọi vốn sau. Một phân tích của Ngân hàng DBS (Singapore) cho rằng Grab và GoJek vẫn đang tham gia một cuộc chiến tốn kém để dành thị phần tại Đông Nam Á, sân chơi duy nhất của hai ứng dụng này. Việc gọi xe thuần túy sẽ khó để tìm kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, từ năm 2018, Grab và Go-Jek đã tự định vị mình là các siêu ứng dụng, không chỉ dừng ở dịch vụ gọi xe. Cả hai ứng dụng này đều đã tham gia lĩnh vực fintech, vận chuyển hàng hóa, gọi đồ ăn,... Với lượng người dùng đông đảo có được từ dịch vụ gọi xe, Grab và GoJek có lợi thế hơn hẳn so với các startup fintech khác tương đương. Tại thị trường Việt Nam, sau hơn nửa năm ra mắt ứng dụng ví điện tử, hiện tại khoảng 35% số lượng giao dịch của Grab được thực hiện không tiền mặt, chủ yếu là qua GrabPay by Moca.

Khả năng kiến tạo lợi nhuận có thể là một trong những nghi ngại của nhà đầu tư dành cho hai ứng dụng Uber và Lyft. Lyft vừa công bố kết quả kinh doanh ba tháng đầu năm 2019 với khoản lỗ 1,1 tỉ USD sau ba năm liên tục thua lỗ từ 600 đến 900 triệu USD mỗi năm. Tình hình của Uber cũng không tốt hơn với các khoản lỗ từ 300 triệu đến 4 tỉ USD cũng trong ba năm. Kỷ lục thua lỗ của Uber là vào năm 2017, với trên 4 tỉ USD.

Uber và Lyft được xem là hai đại diện xuất sắc nhất của ứng dụng gọi xe, góp phần thay đổi thị trường vận tải toàn cầu. Hàng loạt các ứng dụng gọi xe khác cũng đã ra đời sau khi mô hình này lan rộng, có thể kể đến Didi (Trung Quốc), Kakao (Hàn Quốc), Grab (Singapore), GoJek (Indonesia)...

Với các nhà đầu tư, loại hình gọi xe hấp dẫn ở chỗ nó có thể huy động một khối lượng lớn tài xế và khách hàng tham gia. Tính đến tháng 9.2018, Uber đã tiến hành trên 10 tỉ chuyến đi tại hơn 700 thành phố ứng dụng này có mặt. Lyft ước tính con số ở vào khoảng trên 1 tỉ chuyến đi.

Sức hấp dẫn của thị trường gọi xe dẫn đến cuộc chơi “đốt tiền” của hàng loạt các ứng dụng. Uber và Lyft đã chính thức công bố con số thua lỗ - việc bắt buộc phải làm trước khi chào bán cổ phần lần đầu (IPO). Lợi nhuận hiện vẫn là con số mà các ứng dụng gọi xe hầu như không công bố, cho đến khi IPO - cho dù doanh số liên tục tăng. Grab đã cán mốc doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2018 vừa qua.

Tham gia vào các lĩnh vực ngoài gọi xe có thể là con đường ngắn hơn để Grab và GoJek tìm kiếm lợi nhuận, thuyết phục nhà đầu tư trong các vòng gọi vốn tiếp theo.

Đan Nguyên

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/co-phieu-uber-va-lyft-giam-sau-sau-ipo-a239.html