Trong cuộc họp đại hội cổ đông 2020, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc của Vissan cho biết, với sự bất thường của thị trường trong thời gian qua, kể cả các chuyên gia dự báo và cơ quan quản lý nhà nước cũng không dự báo chính xác diễn biến của giá thịt heo. Tuy nhiên, công ty vẫn phải đưa ra những dự báo của riêng mình để xác định kế hoạch chỉ tiêu cho các năm tới.
“Trong năm 2020-2021, diễn biến giá heo hơi vẫn còn ở mức cao và có lúc tại đỉnh điểm lên tới 100.000đồng/ký tại thị trường Việt Nam”, ông nói. Ông An cũng cho biết, người chăn nuôi vẫn còn e dè trong việc tái đàn và điều này sẽ kéo dài tới 2021, giá thịt heo vẫn sẽ ở mức cao. “Chúng tôi dự đoán từ cuối 2021 đến đầu năm 2022, giá thịt heo hơi sẽ giảm dần và giá sẽ ổn định trong những năm tiếp theo”.
Vissan cho biết, công ty xác định dựa vào dự báo của yếu tố đầu vào và đầu ra, đặc biệt giá đầu vào của heo hơi. “Chúng tôi cũng có dự báo ở góc độ công ty và khảo sát giá thị trường của các nước trên thế giới như Trung Quốc. Việc tái đàn của heo, các yêu cầu như giống heo thuần, hai máu, ba máu khó có thể nhanh chóng hồi phục”, Tổng giám đốc Vissan chia sẻ trong đại hội cổ đông.
Đầu năm 2020, công ty dự báo giá khoảng 85.000-90.000 đồng. Trong suốt thời gian đó, nhìn chung, giá thịt heo vẫn còn cao trong năm 2020-2021.
Đại diện Vissan cho biết, công ty xây dựng kế hoạch từng năm cho các danh mục sản phẩm. Từ tình hình khó khăn hiện tại, Vissan cũng dự báo nhu cầu tiêu dùng của xã hội về thực phẩm tươi sống và chế biến trong một vài năm tới sẽ hầu như không tăng nhiều. “Kế hoạch kinh doanh chúng tôi xây dựng trong những năm tới sẽ ở mức độ bình thường. Thị phần của công ty Vissan cũng sẽ vẫn giữ trong những năm tiếp theo”, ông An chia sẻ.
Sản phẩm chế biến của Vissan xuất hiện trong các kênh bán lẻ hiện đại trên toàn quốc. Vissan chiếm khoảng 60% thị phần thực phẩm chế biến tại kênh hiện đại và 40% tại kênh truyền thống. Thịt tươi sống của Vissan hiện chủ yếu phân phối tập trung tại khu vực TP.HCM, với thị phần tại các kênh hiện đại chiếm 70-75%. Tại một số kênh tiêu thụ khác như như cơ quan trường học, chợ truyền thống, Vissan chiếm khoảng 25%-30% thị phần. "Với chính sách giá bằng nhau trên toàn quốc, cả hai nhóm hàng tươi sống và chế biến đều có chi phí cao hơn do đó, biên lợi nhuận kênh hiện đại cao hơn so với kênh truyền thống một chút", ông An nói.
Vissan chia thành hai nhóm sản phẩm chính gồm: thịt tươi sống (thịt heo các loại và thịt bò), và thực phẩm chế biến (xúc xích tiệt trùng, lạp xưởng, giò lụa,...). Trong năm 2019, công ty cũng ra mắt thêm mười sản phẩm mới, trong đó có cả nước xương hầm, phá lấu, da heo chiên giòn,... Công ty có có hệ thống phân phối sản phẩm tại hầu hết các siêu thị (kênh bán hàng hiện đại) như CoopMart, SatraMart, Maximark, Metro, BigC, LotteMart. Ngoài ra, công ty cũng có mạng lưới phân phối riêng với hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, 100 nhà phân phối và trên 130.000 điểm bán hàng khắp toàn quốc.
Năm 2019, doanh thu Vissan đạt hơn gần 5.000 tỉ đồng, tăng 11,8% so với năm 2018. Trong đó, lợi nhuận sau thuế đạt 138 tỉ đồng, tăng 29%. Năm 2019, dịch tả châu Phi khiến thị trường Việt Nam phải thiêu hủy gần 6 triệu con, với trọng lượng lên tới 340 nghìn tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng heo của các nước. Ngoài Vissan, thị trường chế biến thịt heo của Việt Nam có sự tham gia của nhiều công ty trong và ngoài nước như CP của tập đoàn Thái Lan, CJ của Hàn Quốc và tập đoàn Masan.
Dâng Phạm
dang.pham
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vissan-du-bao-gia-thit-heo-van-con-cao-trong-nam-toi-a2371.html