Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh khắp các nước châu Á trong quý đầu năm 2020, khiến các công ty hàng đầu từ Sinopec (Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc) và Toyota Motor phải công bố kết quả kinh doanh xấu nhất trong nhiều năm.
Theo dữ liệu của QUICK-FactSet, 22 trong tổng số 32 công ty có tầm ảnh hưởng lớn châu Á với vốn hóa thị trường trên 50 tỉ USD vào cuối tháng Mười hai 2019, ngoại trừ các tổ chức tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ hoặc lợi nhuận ròng quý đầu thấp hơn một năm trước.
Trong số 32 công ty kể trên, có 13 công ty của Trung Quốc, 13 Nhật Bản, ba Ấn Độ, hai Hàn Quốc và một Đài Loan, thuộc các lĩnh vực khác nhau từ sản xuất, đến năng lượng và viễn thông. Các công ty này ở vị trí trung tâm trong phát triển kinh tế của khu vực, nhưng tổng lợi nhuận ròng của các công ty này trong quý I.2020 đã giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019, thể hiện tác động sâu sắc đến nền kinh tế của đại dịch COVID-19.
Đại dịch bắt đầu tàn phá hoạt động của các công ty từ đầu quý I năm 2020, khi các nhà máy văn phòng phải đóng cửa và nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Các nhà sản xuất châu Á, với các chuỗi cung ứng và lượng khách hàng lớn trên toàn khu vực chịu thiệt hại đặc biệt lớn.
Nhiều tỉnh thành Trung Quốc phải chịu nhiều tuần phong tỏa hoàn toàn, hoạt động của các hãng sản xuất đồ gia dụng như Gree và Midea bị siết chặt. Lợi nhuận ròng của Gree giảm 72,5% xuống còn 220 triệu USD, Gree giảm 21,5% xuống còn 677 triệu USD.
Việc phong tỏa đồng nghĩa không thể lắp đặt các máy điều hòa nhiệt độ - sản phẩm nòng cốt của cả hai công ty. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ cũng chịu ảnh hưởng bởi các yêu cầu về hiệu quả năng lượng mới của chính phủ. Quy định này hiệu lực từ ngày 1.7.2020, nên người tiêu dùng cũng muốn đợi các sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu.
Nếu Gree và Midea có thể đảm bảo doanh thu tăng trở lại trong nửa sau năm 2020, kết quả kinh doanh vẫn sẽ không bằng năm trước, theo phân tích của China Galaxy Securities. Công ty môi giới này dự đoán lợi nhuận ròng của Gree sẽ giảm 11% năm 2020. Midea, công ty đã cắt giảm lương quản lý cấp cao đến 30% sẽ có kết quả ở mức gần bằng năm ngoái nhờ vào cách kênh bán hàng và chuỗi cung ứng ổn định.
Trong lĩnh vực ô tô, lợi nhuận của Toyota giảm 86% xuống còn 587 triệu USD, trong khi hãng Honda chịu thua lỗ lên đến 276 triệu USD do các nhà máy phải đóng cửa và nhu cầu sụt giảm. Honda có một xưởng sản xuất tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, tâm dịch đầu tiên của thế giới.
“Ảnh hưởng của virus Corona còn lớn hơn ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu”, Chủ tịch Akio Toyoda nói trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 12.5.
Ngành ô tô cũng có dấu hiệu phục hồi, doanh số bán ô tô của Trung Quốc bắt đầu tăng lại vào tháng Tư. Cả Toyota lẫn Honda đều không tiết lộ dự đoán lợi nhuận ròng cho năm tài chính 2020 (kết thúc vào tháng Ba 2021), viện lý do thị trường bất định. Tuy nhiên, Toyota cho biết lãi nghiệp vụ sẽ giảm 80% so với năm trước.
Trong số các công ty Nhật Bản, lợi nhuận ròng của Sony giảm 86% trong quý đầu, một phần vì các nhà máy ở Malaysia và Trung Quốc đóng cửa. Công ty Fast Retailing (sở hữu nhãn hiệu Uniqlo) có lợi nhuận quý IV (từ tháng Mười hai 2019 đến tháng Hai 2020) giảm 27% do doanh thu Trung Quốc giảm.
Ngành dầu khí cũng gặp khó khăn bởi đại dịch, khiến Sinopec và PetroChina, các công ty nhà nước của Trung Quốc chịu thua lỗ trong quý I. Tổng lỗ ròng của hai công ty đã lên đến 5 tỉ USD, giảm so với mức lợi nhuận 3,5 tỉ USD năm 2019. Đây là hai công ty duy nhất trong số 32 công ty rơi vào mức báo động trong quý này.
Cả hai công ty đều phải chịu sụt giảm mạnh về nhu cầu dầu mỏ và các sản phẩm dầu khí khi hoạt động kinh tế gần như chững lại hoàn toàn. Tổng doanh thu của hai công ty giảm 19%. Sự sụt giảm mạnh về giá dầu, càng bị khoét sâu do cuộc chiến giữa các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, khiến hai công ty chồng chất khó khăn. Hai công ty ghi nhận tổng suy giảm tài sản là 2,5 tỉ USD, chủ yếu vì giảm hàng tồn kho.
Với giá dầu bắt đầu tăng dần, hai công ty bắt đầu dễ thở hơn, nhưng không nhiều. Cả hai đều phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng.
“Đối mặt với tình hình chưa từng xảy ra và vô cùng nghiêm trọng, Tập đoàn sẽ tập trung vào các dự án chính và hạn chế các dự án không quan trọng,”, Dai Houliang, chủ tịch PetroChina cho biết trong báo cáo hàng quý. Chủ tịch của Sinopec, ông Zhang Yuzhuo nói rằng công ty “sẽ điều chỉnh linh hoạt việc sản xuất và vận hành và kế hoạch đầu tư, tập trung vào việc đạt được chất lượng và lợi nhuận cao hơn".
Reliance Industries, tập đoàn năng lượng Ấn Độ cũng chịu sự sụt giảm lợi nhuận 39% trong quý I.
Trong quý tiếp theo, doanh thu của các công ty châu Á “thậm chí còn có thể yếu hơn so với năm trước, đặc biệt ở các nước chịu một phần phong tỏa từ tháng Ba đến nay như khu vực Nam và Đông Nam Á”, theo Chetan Seth, nhà phân tích chứng khoán của công ty Nomura, trụ sở tại Singapore. “Điều đó có nghĩa là, nhiều công ty dự đoán doanh thu thấp, và câu hỏi đặt ra là liệu doanh thu thực tế có đạt được đến mức thấp này không, từ đó, sẽ quyết định chiều tăng giảm của chứng khoán”.
Quay trở lại quý đầu tiên, 10 trong số 32 công ty lớn của châu Á nhận thấy doanh thu có cải thiện nhờ vào các cơ hội khi chính phủ yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài và bắt đầu làm việc tại nhà.
Lợi nhuận hàng quý của Nintendo tăng gần 2,5 lần lên 577 triệu USD, đứng đầu về lợi nhuận trong số 32 công ty. Máy chơi game cầm tay Switch và trò “Animal Crossing” mới nhất được nhiều người yêu thích. Tập đoàn công nghệ Tencent cũng đạt được mức tăng lợi nhuận 6,2 % nhờ vào mảng trò chơi điện tử.
Các nhà sản xuất chất bán dẫn cũng thắng lớn khi hàng triệu người trên thế giới bắt đầu làm việc tại nhà, dẫn đến bùng nổ nhu cầu về điện thoại thông minh và trung tâm dữ liệu. Lợi nhuận ròng của công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tăng vọt 91%, đạt mức tăng lợi nhuận cao thứ hai trong số 32 công ty, sau Nintendo.
Samsung Electronics có lợi nhuận ròng giảm 4% trong quý I do giảm doanh thu bán hàng điện thoại thông minh và tivi màn hình nhỏ và vừa. Công ty dự đoán nhu cầu về chip nhớ sẽ tăng vào nửa sau năm nay nhờ nhu cầu làm việc tại nhà. Công ty môi giới Nomura của Nhật Bản cho biết chip nhớ sẽ bắt đầu thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của Samsung trong quý thứ ba.
SK Hynix, một công ty bán dẫn khác của Hàn Quốc, có lợi nhuận giảm 41% trong quý I, hiện dự báo nhu cầu chip cho máy chủ sẽ tăng trưởng về trung và dài hạn khi nhu cầu về các công nghệ giúp giảm tiếp xúc trong công việc tăng lên.
Các công ty thực phẩm và dược phẩm cũng thể hiện khả năng phục hồi tốt. Các nhà sản xuất đồ uống Trung Quốc Wuliangye Yibin và Kweichow Moutai có mức tăng lợi nhuận lần lượt là 19% và 17%, trong khi lợi nhuận của Chugai, công ty dược phẩm Nhật Bản tăng 47% so với cùng kỳ năm trước và Dược phẩm Takeda chuyển sang kinh doanh kinh doanh có lãi.
Theo Nikkei Asian Review
caodung
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ket-qua-kinh-doanh-truoc-anh-huong-cua-dai-dich-a2341.html