Nguồn điện năng mới AI

Nếu ví dữ liệu như “dầu mỏ” mới của kinh tế, thì AI chính là nguồn điện năng mới mà Việt Nam chưa khai thác, theo nhận định của Michael Preiss, Chiến lược gia tại Golden Equator Wealth.

Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19 tốt hơn nhiều nước khác trên thế giới, nhưng vấn đề kinh tế hậu COVID-19 vẫn còn nhức nhối.

Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị cho tương lai, AI (trí tuệ nhân tạo) là lĩnh vực có sự phát triển đầy hứa hẹn. Toàn ngành công nghệ Việt Nam vẫn còn đang phát triển, và AI ở nước này còn đang ở giai đoạn non trẻ. Các doanh nghiệp trong nước và công ty khởi nghiệp đang chạy đua để đuổi kịp với các đối thủ nước ngoài.

AI đang thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và khủng hoảng COVID-19 có thể đẩy nhanh tiến trình này.

Bùng phát đại dịch là thảm họa của nền y tế công và có tác động ngày càng lớn lên nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch dẫn đến suy thoái kinh tế và các kỷ lục về thất nghiệp và nợ công chưa từng thấy khắp thế giới.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, trong giai đoạn 2020-2021, tính riêng khoản nợ công phải trả nước ngoài tại các nước đang phát triển sẽ tăng vọt đến mức khoảng 2,6 – 3,4 nghìn tỉ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán COVID-19 sắp đẩy 40-60 triệu người vào tình cảnh nghèo đói trầm trọng. Những lời kêu gọi đoàn kết quốc tế đến nay nhận được ít ủng hộ thực chất, trong khi rủi ro không thể trả nợ quốc gia cũng như doanh nghiệp phá sản đang gia tăng.

Các quốc gia cần có các mô hình kinh tế mới và AI, công nghệ được 5G thúc đẩy đang ở tuyến đầu phát triển kinh tế khi các quốc gia, công ty và cá nhân cần suy nghĩ và chuẩn bị nghiêm túc cho thời kỳ hậu COVID-19.

Suy thoái do COVID-19 đang thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chọn mô hình kinh doanh mới do AI chi phối.

Tất cả các công ty giá trị cao nhất thế giới đều áp dụng công nghệ máy tính và hơn 80% hoạt động giao dịch chứng khoán ở Mỹ đều do các thuật toán AI thực hiện.

Bước phát triển ban đầu của AI đã ảnh hưởng lớn đến vài lĩnh vực chuyên biệt, nhưng sự phát triển giờ đây có vẻ bắt đầu ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và mọi phương diện trong cuộc sống con người.

Sự thật không may của đại dịch COVID-19 cũng như sự phát triển của AI là chúng tác động xấu đến những con người dễ bị tổn thương nhất – những người có kỹ năng thấp nhất trong xã hội và những nước nghèo nhất trên thế giới.

Khi hơn 40 triệu người Mỹ mất việc vì COVID-19, các công ty Mỹ có lợi thế về AI đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trong thị trường chứng khoán toàn cầu, đứng hàng đầu là cổ phiếu Mỹ, nhất là nhóm công ty công nghệ Mỹ, gọi là cổ phiếu FAANG. Năm công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới là các công ty đang phát triển mạnh AI bao gồm: Apple, Microsoft, Alphabet (Goggle) Amazon và Facebook.

Ở Trung Quốc cũng tương tự: tất cả đều là công ty đang đẩy mạnh AI: BAIDU, Tencent và Alibaba. Alibaba và Tencent về mảng vốn hóa thị trường là các công ty trong nước giá trị nhất Trung Quốc và cả hai đều dẫn đầu về AI.

YANDEX của Nga với vốn hóa thị trường 13,18 tỉ USD là một trong những công ty trong nước lớn nhất và triển vọng nhất của Nga và giờ phần lớn cũng hoạt động trong lĩnh vực AI.

Sberbank (Ngân hàng Nga lớn thứ ba châu Âu) và CEO Herman Gref cho rằng cổ phiếu của mình nên được xem như của một công ty công nghệ/ AI hơn là một ngân hàng. Các ngân hàng đương nhiên có rất nhiều dữ liệu khách hàng nhưng nhiều trong số đó vẫn không sử dụng hay có sự chi phối tương ứng với giá trị số dữ liệu này. Học sâu (deep learning) và AI có thể thay đổi điều này.

Hàn Quốc sớm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bùng phát dịch COVID-19 nhưng hiện có vẻ như là một trong các hình mẫu thành công trong ứng phó đại dịch. Đất nước này hiện cũng đang biến 5G và AI thành trọng tâm kế hoạch phát triển kinh tế “New Deal” trong kỷ nguyên hậu đại dịch.

Trong thế giới hậu COVID-19, dữ liệu là nguồn dầu mỏ mới, còn AI chính là nguồn năng lượng mới.

Mỗi khi có sự đột phá lớn về công nghệ, chẳng hạn như AI, con người lại có cơ hội đổi mới thế giới. AI và học máy (machine learning) là công nghệ tiên tiến, và đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế cả phát triển và đang phát triển.

Gian trưng bày của VinAI tại Hội nghị NeurIPS 2019. Ảnh: VinGroup
Gian trưng bày của VinAI tại Hội nghị NeurIPS 2019. Ảnh: VinGroup
Lời khuyên cho các nước đang phát triển là tập trung vào AI để củng cố thị trường dọc (vertical industry – phân khúc ngành nghề cụ thể, chuyên biệt) và đầu tư vào giáo dục vì AI vẫn ở giai đoạn non trẻ.

Trong thế giới việc làm mới, khả năng đánh giá hiệu quả máy móc có thể làm gì, cũng như nên để máy móc gì, sẽ là năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai. Đổi lại, sức mạnh và năng lực của con người sẽ cần tích hợp vào hệ thống AI để giúp nhân viên phối hợp tốt hơn với máy móc.

Phòng nghiên cứu mới thành lập VinAI được đặt tại Hà Nội, do VinGroup tài trợ, là phòng nghiên cứu AI đầu tiên ở Việt Nam được tạo ra để tập trung nghiên cứu cấp cao, và là bước đi đúng hướng.

Bill Gates là một trong số ít người lên tiếng cảnh báo không nên lơ là về rủi ro đại dịch. Gates cũng chỉ ra rằng “thành tựu đột phá trong máy học có thể đáng giá gấp mười lần tập đoàn Microsofts”.

Vẫn còn rất nhiều cơ hội cho mỗi quốc gia, công ty và cá nhân để học thêm và chuẩn bị về AI, nhưng sự thờ ơ với AI sẽ là sai lầm chết người, cũng như thờ ơ với rủi ro đại dịch COVID-19.

Rainer Michael Preiss - Chiến lược gia của Golden Equator Wealth (viết cho Tạp chí Nhà Quản Lý)



caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nguon-dien-nang-moi-ai-a2322.html