Nhờ vào robot đại diện (avatar robot), Shintaro Kobara, cậu bé 12 tuổi, vừa có “chuyến tham quan” bảo tàng hải dương học New Yashima (Nhật Bản). Cậu bé ngỡ ngàng chiêm ngưỡng loài hải ngưu và cá damsel quý hiếm tại bảo tàng, trong khi vẫn đang ngồi ở nhà.
Robot do hãng Avatarin - từng trực thuộc Tập đoàn hàng không ANA Holdings phát triển, có thể được khách tham quan điều khiển bằng máy tính để “đi” trong bảo tàng theo chân hướng dẫn viên. Kobara nhìn ngắm các bể cá màu sắc rực rỡ thông qua camera của robot trong khi gương mặt cậu bé được thể hiện trên màn hình robot. “Tôi biết được rất nhiều tên gọi các loại cá đẹp mắt. Robot dễ điều khiển và cảm giác như được đi trong bảo tàng thật, giống y như ngoài đời. Tôi muốn đến đó thêm lần nữa”, Kobara cho biết.
Trải nghiệm của Kobara là một phần trong chương trình hai ngày do bảo tàng hải dương học tổ chức trong thời gian Nhật Bản ở tình trạng khẩn cấp tháng Tư và tháng Năm, khi các nhà chức trách yêu cầu các doanh nghiệp không thiết yếu đóng cửa. “Chúng tôi nhận được rất nhiều nhận xét trên các bài viết đăng trên Instagram, hỏi thăm về lũ rái cá và các loài động vật biển khác”, nhưng một robot đại diện là cách tốt nhất để trả lời người quan tâm trong thời gian đóng cửa”, theo Emiko Kato, bảo tàng New Yashima. Việc tham quan bằng công nghệ này hoàn toàn miễn phí. “Chúng tôi muốn mọi người đến bảo tàng khi mở cửa trở lại”.
Viện bảo tàng là một trong những lĩnh vực trong danh sách ngày càng dài đang coi trọng “du lịch ảo”, đem lại cho khách trải nghiệm được ra ngoài mà không thực sự đặt chân ra khỏi nhà. Các trải nghiệm như thế này giúp giải tỏa rất nhiều cho những người mắc kẹt trong nhà, và cho cả ngành công nghiệp du lịch đang bị tổn thất nặng nề do đại dịch COVID-19 và các biện pháp ngăn chặn lây lan.
Cung điện Potala, một pháo đài tồn tại hàng thế kỷ ở Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, Trung Quốc, tạo ra các tour du lịch số với sự trợ giúp của tập đoàn công nghệ Alibaba, cho phép du khách thưởng thức kiến trúc truyền thống của Tây Tạng lần đầu tiên bằng cách phát trực tiếp (livestream). Hang động Mogao, một di sản thế giới khác của UNESCO, hợp tác với tập đoàn truyền thông xã hội Tencent để xây dựng sự hiện diện trực tuyến trên ứng dụng nhắn tin WeChat, cho phép 1,1 tỉ người dùng chiêm ngưỡng các bức tranh tường cổ ngay tại nhà.
"Du lịch ảo thông qua việc livestream không chỉ là một cách sống đặc biệt trong tình hình đại dịch, mà là một điều bình thường mới", Xu Xiang, người đứng đầu bộ phận phát trực tiếp của công ty du lịch của Fliggy của Alibaba cho biết. Fliggy đã tổ chức ít nhất 25,000 sự kiện phát trực tiếp kể từ tháng Hai, thu hút hơn 70 triệu người xem.
Ctrip, một trong những công ty du lịch trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc, trực thuộc Tập đoàn Trip.com, cũng đang đặt cược vào du lịch ảo. Công ty tuyên bố vào tháng Ba rằng họ sẽ đầu tư 140 triệu USD vào kế hoạch hồi sinh du lịch bao gồm du lịch "trên mây". Công ty hợp tác với các cơ quan du lịch và gần 10.000 hãng du lịch bao gồm các hãng hàng không, khách sạn và nhà điều hành tour nhằm thu hút khách du lịch, cho phép khách truy cập vào các tour du lịch trực tuyến với các video trực tiếp và cho phép đặt tour trước cho dịp hè và sau đó.
Trong khi một số hoạt động du lịch đang phục hồi trở lại, du lịch nước ngoài khựng lại hoàn toàn tại đỉnh điểm của đại dịch khi các quốc gia lần lượt đóng cửa biên giới, dẫn đến sự sụt giảm 22% lượng khách du lịch quốc tế trong quý đầu tiên của năm, theo Tổ chức Du lịch Thế giới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất, với lượng khách đến giảm 35% trong giai đoạn này. Phong tỏa ở châu Á cũng buộc khách du lịch trong nước phải từ bỏ kế hoạch du lịch.
Hầu hết các tour du lịch số được cung cấp miễn phí, nhưng các nhà phân tích tin rằng chúng sẽ kích thích khách hàng mong muốn đi du lịch khi mọi việc bình thường trở lại. “Để khách hàng quyết định đi du lịch cần hiểu rõ tâm lý của họ. Vai trò của hình ảnh, nội dung mô tả, video, v.v đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy ra quyết định”, theo Chetan Kapoor, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường du lịch Phocuswright. Ông cho biết thêm, du lịch ảo trước đây chủ yếu nhắm vào những khách du lịch am hiểu công nghệ, nhưng đại dịch đã đưa đến một lượng người tiêu dùng lớn hơn. Sự thay đổi này trong hành vi của người tiêu dùng "có thể tăng lên" trong thời kỳ hậu đại dịch.
Một số người chơi vẫn hoài nghi việc nội dung ảo có thể kích thích du lịch thật. "Chúng tôi đang vật lộn để tìm ra sự phối hợp giữa nội dung số và trải nghiệm thực tế", một giám đốc điều hành từ một công ty khởi nghiệp du lịch ở châu Á, người yêu cầu không được nêu tên vì công ty của ông nhận được đề nghị hợp tác với các công ty công nghệ. Kinh nghiệm thực tế đòi hỏi hương vị, mùi hương và cảm giác thực, giám đốc điều hành khởi nghiệp này cho biết. "Nội dung ảo có thể phản tác dụng - khách hàng tiềm năng có thể cảm thấy không cần thiết phải ghé thăm các địa điểm thực bởi vì những gì họ nhìn thấy qua một nội dung kỹ thuật số có thể không tuyệt vời như họ tưởng tượng".
Các nhà điều hành khách sạn khác tại châu Á từ lâu đã hái ra tiền từ sự phổ biến tên tuổi của mình trên internet. John Roberts, giám đốc khu bảo tồn tại Tập đoàn khách sạn Minor, với khu nghỉ dưỡng ở Chiang Rai, Thái Lan, chuyên gia chăm sóc voi, là một trong số đó. Kể từ khi khu nghỉ mát đóng cửa vào tháng Ba, Roberts đã phát trực tiếp các hoạt động và tương tác của 21 chú voi của mình hai lần một ngày trên Facebook, nhằm mục đích giải trí cho người xem và hỗ trợ khu nghỉ mát kết nối với khách hàng.
Như Roberts giải thích, những người mắc kẹt ở nhà cần những khoảnh khắc vui vẻ. Giữ cho khách sạn luôn được chú ý thông qua việc livestream có thể mang lại lợi ích tài chính. Ông cho biết đã nhận được khoảng 6.000 USD tiền quyên góp kể từ khi bắt đầu phát trực tuyến. "Tôi nghĩ rằng chắc chắn có những người trước đây không biết về chúng tôi, giờ biết rồi thì họ sẽ đến đây trong tương lai," Roberts nói. "Khi đi du lịch mở cửa trở lại, có lẽ việc livestream có thể giúp chúng tôi giành được thêm một vài khách và giúp chúng tôi phục hồi nhanh hơn".
Cách đó hàng ngàn km, Helen Hu, người sở hữu khách sạn phục vụ ăn sáng (B&B) tại Hàng Châu, Trung Quốc, cũng chứng kiến việc kinh doanh phát triển nhờ những nỗ lực sử dụng công nghệ du lịch ảo của mình. Để làm cho cơ sở thân thiện với thú cưng của mình được biết đến nhiều hơn, Helen bắt đầu ghi lại cuộc sống của thú cưng của cô và phát trực tiếp từ tháng Hai. Cách này không chỉ giúp Helen thu hút người xem, tạo ra hàng triệu lượt xem trong một số lần phát, mà còn giúp cô về mặt tài chính. Hàng trăm người xem hứng thú với dịch vụ và đặt cọc trả trước 50%. "Nếu tất cả các khách hàng đặt trước đều đến thật, khách sạn sẽ hoạt động hết công suất trong nửa cuối năm nay", Helen cho biết.
Nhưng tạo ra một trải nghiệm du lịch trực tuyến hấp dẫn không phải là vấn đề đơn giản. Trên thực tế, "gần như mọi chủ sở hữu khách sạn B&B mà tôi biết đã thử nhưng thất bại trong việc livestream", Helen nói. "Vì lĩnh vực khách sạn truyền thống hoạt động ngoại tuyến, rất ít doanh nghiệp du lịch biết cách thu hút sự chú ý trong thế giới kỹ thuật số, chứ đừng nói đến việc biến lưu lượng truy cập trực tuyến thành doanh thu". Helen Hu cũng phải vật lộn để tìm ra nội dung cho buổi phát trực tiếp và giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Cô đã tham gia các khóa học trực tuyến, tổ chức một buổi phát ít nhất một lần một tuần.
Hãng Avatarin của Nhật Bản đã hợp tác với một công ty con của Sony vào tháng Năm để phân phối hàng trăm ngàn robot đại diện trên toàn cầu vào năm 2024. Họ đang thực hiện kế hoạch tính phí khách hàng, tùy thuộc vào nội dung có đủ thu hút không. "Nếu khách hàng đến buổi hòa nhạc của một ngôi sao nhạc pop nổi tiếng và bắt tay thông qua robot đại diện, có thể mức phí sẽ ngang với vé cao cấp", Akira Fukabori, người đứng đầu Avatarin cho biết.
Fukabori tự tin về triển vọng thị trường du lịch ảo. Năm 2019, anh và cộng sự đã tổ chức một chuyến câu cá ảo cho những người ở Tokyo, họ sử dụng cần câu có cảm biến thông minh, có thể cảm nhận cá cắn câu tại một cái hồ ở Oita, cách Tokyo khoảng 1.000 km. Những người câu cá ở Tokyo được ngư dân của Oita mời đến thăm để thưởng thức sashimi tươi tại chỗ.
"Việc quen biết lẫn nhau từ trước thông qua sự kiện ảo thực sự khiến du khách muốn ghé thăm điểm đến", Fukabori nói. Kevin Kajitani, giám đốc điều hành của Avitarin, cho biết sau khi mở rộng dịch vụ từ câu cá đến ngắm cá trong bể cá. "Robot đại diện đem đến một cách thức mới trong du lịch: Khách du lịch có thể chọn một địa điểm và xây dựng mối quan hệ với người dân địa phương trước khi đến đó".
Theo Nikkei Asian Review
caodung
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/chau-a-dung-cong-nghe-so-thu-hut-khach-du-lich-a2197.html