Thất nghiệp làm chậm quá trình phục hồi kinh tế

Thất nghiệp và giảm thu nhập đang khiến tốc độ hồi phục kinh tế chậm lại do người tiêu dùng bi quan về thu nhập trong tương lai.

Hơn 5 triệu lao động tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi COVID-19 tính đến hết tháng 5.2020, bao gồm mất việc, giảm thu nhập, theo ước tính của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Con số này tương đương 9% lực lượng lao động Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2019 theo kết quả điều tra dân số. Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm 2019 là 2% theo thống kê của World Bank. Như vậy, COVID-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam tăng thêm 7 điểm %. Đó là chưa kể, nhìn chung thống kê về thất nghiệp của Việt Nam chưa phản ánh chính xác thực tế, khi có tới khoảng 60% lực lượng lao động Việt Nam là thuộc khu vực không chính thức, theo ông Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân.

Nỗi lo mất việc làm, giảm thu nhập khiến người ta tự động thắt chặt chi tiêu. Các nhà hàng ăn uống tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu hoạt động trở lại. Nhưng các cửa hàng thời trang khó khăn hơn trong việc phục hồi, do nhu cầu mua sắm quần áo thường bị cắt giảm khi xem xét các khoản chi tiêu.

Khảo sát mới đây của ông Giang Thanh Long trên hơn 600 cá nhân - chủ yếu là những người sống ở thành thị, cho thấy chỉ những người có hợp đồng lao động dài hạn (không thời hạn) có cái nhìn lạc quan về thu nhập của họ trong tương lai. Những lao động có hợp đồng lao động dưới một năm, hoặc không có hợp đồng lao động, là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh, thường bi quan hơn về viễn cảnh kinh tế trong tương lai.

Trên thực tế, mất việc làm, giảm thu nhập đang xảy ra với đại bộ phận lao động, đặc biệt tại các khu vực thành thị, khi nền kinh tế nhạy cảm hơn cả với dịch bệnh. Một công ty truyền thông lớn tại Hà Nội cũng đã đồng loạt giảm thu nhập người lao động xuống khoảng 30 - 40%, mặc dù trước đó thoả thuận cắt giảm 20% lương của mỗi nhân viên trong giai đoạn khó khăn trước mắt.

Với lao động tự do, phi chính thức, mất việc làm cũng có nghĩa là mất hoàn toàn thu nhập mà không có bất kỳ khoản bảo hiểm nào bù đắp. Số lượng tài xế GrabBike đã tăng vọt trong thời gian vừa qua. Theo quan sát của một tài xế, mỗi ngày có khoảng 200 người tới đăng ký lái xe tại trụ sở Grab, đông bất thường so với trước, do các công ty sa thải người lao động.

“Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất sớm và đúng đắn để ứng phó với tình trạng này, bằng cách tung ra gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng với các đối tượng dễ bị tổn thương trong dịch bệnh. Việt Nam là một trong 60 nước đầu tiên có chính sách hỗ trợ người dân, và là một trong vài nước đầu tiên trong nhóm các nước thu nhập trung bình có chính sách này”, ông Long nhận xét.

Với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng cho những người bị ảnh hưởng, chi phí triển khai xác nhận thông tin tương đối lớn, phải huy động nhiều thành phần tham gia. Việc triển khai vì vậy có thể chưa hiệu quả.

Thất nghiệp là một chỉ số quan trọng phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế. Các quốc gia thường cố gắng duy trì một tỷ lệ thất nghiệp thấp và ổn định, qua đó kích thích tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Hỗ trợ lao động mất việc, giảm thu nhập trong giai đoạn khủng hoảng là việc các chính phủ thường ưu tiên thực hiện. “Tuy nhiên, điều cần thiết là phải thúc đẩy việc giải ngân, để người dân sớm nhận được tiền từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng” - ông Long nhận định.

Minh Thư

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/that-nghiep-lam-cham-qua-trinh-phuc-hoi-kinh-te-a2181.html