Vinhomes đầu tư 10.000 tỉ đồng vào bất động sản công nghiệp

Vingroup đầu tư vào mảng bất động sản công nghiệp sau nhiều năm phát triển mạnh mảng nhà ở và nghỉ dưỡng.

Bất động sản công nghiệp được định hướng là mảng chính của Tập đoàn Vingroup, theo chia sẻ của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn này tại Đại hội đồng cổ đông ngày 28.5. "Hiện tại bất động sản công nghiệp là mảng bổ trợ nhưng trong tương lai sẽ là mảng chính của Vinhomes, mang lại dòng tiền thường xuyên cho công ty. Điều này quan trọng với một doanh nghiệp bất động sản", ông Vượng nói.

Bà Nguyễn Diệu Linh, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết sẽ chi 10.000 tỉ đồng đầu tư vào bất động sản công nghiệp trong khoảng hai năm. Hiện khu công nghiệp 335 ha nơi đặt VinFast được bàn giao cho Vinhomes. Doanh nghiệp ô tô VinFast là khách thuê trên chính mảnh đất này. Trước mắt, khách thuê chính của khu công nghiệp là các nhà máy sản xuất linh kiện cho VinFast sau đó mở rộng ra ngoài thị trường.

Vinhomes cho biết định hướng phát triển các khu công nghiệp giúp công ty tận dụng được cơ hội đến từ điều kiện thuận lợi về kinh tế vĩ mô và xu hướng tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Ban lãnh đạo công ty tin tưởng rằng việc phát triển bất động sản khu công nghiệp sẽ tận dụng kinh nghiệm của Vinhomes trong việc phát triển quỹ đất, triển khai và vận hành dự án. Mối quan hệ với các nhà sản xuất quốc tế của Tập đoàn Vingroup trong việc phát triển lĩnh vực công nghiệp là lợi thế cho Vinhomes trong việc tiếp cận nguồn khách hàng quốc tế tiềm năng trong mảng này.

Nhà đầu tư bất động sản nhà ở và nghỉ dưỡng hàng đầu xoay hướng sang mảng bất động sản công nghiệp từ đầu năm nay. Vinhomes sẽ phát triển bất động sản khu công nghiệp tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và phát triển hạng mục văn phòng nằm trong các khu đô thị Vinhomes từ 3-5 năm tới.

Khác với khu vực phía Nam hình thành nền công nghiệp từ sớm quỹ đất không còn nhiều, phía Bắc còn nhiều đất hơn cho việc xây dựng các khu công nghiệp. Giá đất công nghiệp tại Hải Phòng khoảng 80 USD/m2 trong khi tại khu vực phía Nam vào khoảng 100- 110 USD/m2, theo JLL vào quý IV.2019. Các khu công nghiệp phía Nam chủ yếu sản xuất các loại hàng hóa tiêu dùng trong khi các khu công nghiệp phía Bắc phát triển sau được lựa chọn nhiều hơn để phát triển các ngành công nghệ.

Đây cũng chính là thời điểm “vàng" cho bất động sản công nghiệp và logistics Việt Nam. Làn sóng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc và các thị trường đã được dự báo từ năm 2018 và trở nên rõ nét hơn trong năm 2019. Việt Nam có vị trí tốt trong hai mảng bất động sản công nghiệp và logistics khi nằm ở vị trí thuận lợi (chính giữa và độc đạo) cho việc lưu thông hàng hóa Ấn Độ Dương và Biển Đông, theo bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam.

Theo bà Trang, khi dịch chuyển các nhà đầu tư tính toán nhiều đến việc vị trí đó có thay đổi quá lớn chuỗi cung ứng của họ không. Sẽ khó để các doanh nghiệp chấp nhận một địa điểm mới không thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu sản xuất. Hệ thống logistics để vận chuyển hàng hóa đã sản xuất đòi hỏi tối ưu hóa chi phí trên đường xuất khẩu. Việt Nam có nhiều lợi thế để các nhà đầu tư xem xét, theo đại diện JLL. Việt Nam cũng làm rất tốt khi đưa ra chính sách quy hoạch rất rõ ràng các khu công nghiệp phục vụ sản xuất. Việc quy hoạch rõ ràng sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc đón đầu các làn sóng dịch chuyển.

Nam Anh

minhtam

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vinhomes-dau-tu-10000-ti-dong-vao-bat-dong-san-cong-nghiep-a2107.html