Châu Á hấp dẫn ngân hàng tư

Châu Á đang là điểm đến của các ngân hàng trên toàn thế giới cho dịch vụ private banking.

Trên website chính thức của Westpac Private Bank - một trong những nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng tư (tạm dịch từ private banking) lớn nhất Australia - ngôn ngữ chính sử dụng bên cạnh tiếng Anh là tiếng Trung Quốc. Trung Quốc, thị trường với 1,4 tỉ dân hiện chỉ đứng sau Mỹ về số khách hàng giàu - theo thông lệ ngành ngân hàng được định nghĩa là những cá nhân, gia đình có tài sản ròng trên 1 triệu USD - là nhóm khách hàng mục tiêu của ngân hàng tư.

Khởi nguồn từ Thuỵ Sĩ và Châu Âu, nhưng đến hiện tại dịch vụ ngân hàng tư, quản lý tài sản cho các cá nhân, gia đình giàu có, đang tìm thấy mảnh đất tiềm năng tại châu Á.

Theo ông Trần Trọng Tài, Giám đốc đầu tư Công ty Chứng khoán MB, trong khi các ngân hàng Thuỵ Sĩ hướng đến khách hàng mục tiêu từ Châu Âu, thì các ngân hàng châu Á và Australia đang chú trọng đến các khách hàng khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Chính sách cởi mở về nhập cư cũng như những ưu đãi về giáo dục khiến giới nhà giàu châu Á ưa thích Australia, tiền đề cho các dịch vụ private banking phát triển.

Lãi suất đang có xu hướng giảm trên quy mô toàn cầu sau một loạt động thái cắt giảm từ các ngân hàng trung ương. Xu hướng này khiến các ngân hàng bị thu hẹp lợi nhuận từ hoạt động cho vay. Bên cạnh đó, các khoản vay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cũng đòi hỏi các khoản trích lập dự phòng nhiều hơn do rủi ro tăng cao khiến lợi nhuận một lần nữa bị giảm sút. Kết quả kinh doanh một loạt các ngân hàng lớn trên thế giới trong quý I.2020 vừa qua cho thấy xu hướng đó tương đối rõ rệt: Wells Fargo, Citigroup, Bank of America, HSBC… đều chứng kiến mức giảm lợi nhuận quý I vừa qua từ 30% trở lên.

Trong nỗ lực tìm kiếm nguồn tiền mới an toàn hơn, các ngân hàng đang hướng vào các dịch vụ quản lý tài sản, với con mắt nhìn vào châu Á, nơi số lượng các triệu phú tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

Báo cáo tài chính quý I.2020 của HSBC cũng cho thấy lợi nhuận ngân hàng sụt giảm tại tất cả các mảng hoạt động, trừ private banking. Đáng chú ý là phần lớn lợi nhuận mảng này của HSBC đến từ thị trường châu Á, dù private banking mới chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong các mảng hoạt động của HSBC (121 triệu USD lợi nhuận trên tổng 3 tỉ USD tất cả các nghiệp vụ).

HSBC đang chú trọng vào số lượng khách hàng siêu giàu tại Trung Quốc, dự đoán sẽ tăng gấp ba trong ba năm tới, Bloomberg đưa tin. Tan Siew Meng, Giám đốc phụ trách khối private banking của HSBC tại châu Á nói với Bloomberg, hiện tại khoảng 75% tài sản mà HSBC quản lý là phục vụ cho nhóm khách hàng có tài sản trên 30 triệu USD.

HSBC không phải là ngân hàng duy nhất nhìn thấy tiềm năng tại đây.

Ngay trong giai đoạn khủng hoảng này, khi các ngân hàng trên toàn thế giới buộc phải thắt chặt chi phí bằng việc cắt giảm nhân sự, Credit Suisse vừa đăng thông tin tuyển dụng thêm 20 vị trí quan hệ khách hàng phục vụ mảng private banking tại châu Á. Các ngân hàng như Deutsche Bank, Morgan Stanley, Golman Sachs,… cũng ra quyết định tuyển dụng tương tự hàng chục vị trí trong năm nay, theo thống kê của trang eFinance Careers.

Raffles Financial Group - một định chế tài chính tại Singapore cũng vừa công bố hợp tác với Bank of Montreal Private Bank Asia - một nhánh của Ngân hàng đến từ Canada thực hiện dịch vụ private banking tại châu Á.

Báo cáo tổng hợp 10 năm về tài sản thế giới của WealthX đánh giá, một trong những xu hướng rõ ràng nhất trong thập kỷ qua là sự thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu từ Tây sang Đông, thể hiện qua sự phân bố của cải giữa các vùng. Sự giàu có của châu Á, được Trung Quốc dẫn dắt, đã tăng với tốc độ đáng kinh ngạc từ năm 2005. Trong một thập kỷ gần đây, số lượng cá nhân có tài sản ròng trên 5 triệu USD đã tăng lên gấp ba tại Châu Á, đưa nhóm này chiếm 27% tổng số người siêu giàu toàn cầu, chỉ đứng sau Bắc Mỹ với hai cường quốc Mỹ và Canada. Báo cáo của WealthX cũng cho biết trong mười quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của số lượng người siêu giàu, có sáu quốc gia châu Á. Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách đó, với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 14% mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2019.

Minh Thư

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/chau-a-hap-dan-ngan-hang-tu-a2082.html