Xu hướng mua sắm đồ điện gia dụng trong đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 buộc người dân ở nhà nhiều hơn, từ đó thúc đẩy doanh thu của mảng bán lẻ đồ điện gia dụng tại một số quốc gia.

Đồ điện gia dụng (home appliance) là những thiết bị điện phục vụ cho sinh hoạt thường ngày của gia đình như máy giặt, tủ lạnh, bếp điện, v.v. Sự đô thị hóa và nhịp sống tất bật ngày càng thúc đẩy nhu cầu sở hữu đồ tiện dụng nhằm giảm thời gian chăm sóc nhà cửa và tận hưởng cuộc sống. Việc mua sắm đồ điện gia dụng phụ thuộc vào thu nhập, nhu cầu sử dụng hoặc nâng cấp tiện nghi và độ bền (tuổi thọ) của thiết bị.

Tuy nhiên, các nhà bán lẻ tại một số quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng doanh số mảng đồ điện gia dụng trong thời gian đại dịch COVID-19, chứng tỏ thời gian ở nhà càng nhiều, khả năng người tiêu dùng sẵn sàng đầu tư cho tiện nghi gia dụng càng cao.

Hàn Quốc

Hàn Quốc nổi tiếng là quốc gia đi đầu trong các sản phẩm tiện nghi cuộc sống. Chất lượng cuộc sống cao cùng với thành công trong việc chặn đứng dịch COVID-19 mà không cần thực hiện các biện pháp phong tỏa hà khắc, khiến người dân khi thực hiện giãn cách xã hội, ở nhà nhiều hơn, đã đầu tư đáng kể vào đồ điện gia dụng.

Theo Homeplus, chuỗi cửa hàng bán lẻ giảm giá của Hàn Quốc, doanh số của máy rửa chén và máy sấy bát đĩa trong tháng Ba và tháng Tư tăng 36 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong danh sách các sản phẩm bán chạy nhất tính theo doanh số, hai loại máy này tăng vọt từ vị trí thứ 40 lên 18.

Do phải thực hiện giãn cách xã hội (social distancing), người dân Hàn Quốc chọn nấu ăn ở nhà nhiều hơn thay vì đi ăn nhà hàng. Doanh thu đồ điện nhà bếp (electric skillet) như nồi cơm điện, nồi đa năng, máy xay, nồi chiên không dầu, v.v cũng tăng đến 28%. Doanh thu bếp điện có tăng, nhưng chỉ 3%, thể hiện nhu cầu mua sắm thiết bị để thử nghiệm tính năng mới chứ không phải thay thế những món đồ cơ bản.

Doanh thu máy lọc nước tăng 35%, tủ lạnh tăng 25% và máy hút bụi tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, cũng theo Homeplus. Sự bùng phát của virus Corona cũng làm thay đổi cấu trúc chi tiêu hàng bán lẻ, với sự gia tăng đồ điện gia đình và giảm các thiết bị làm đẹp (beauty gadget).

Mỹ

Doanh thu từ các đồ điện gia dụng nhỏ (small appliance, thay vì các đồ điện kích thước lớn như tủ lạnh, máy giặt – white goods) tại thị trường Mỹ ghi nhận mức tăng đáng kể, theo thống kê bán lẻ hàng tuần của Công ty Nghiên cứu Thị trường NPD, trong đó sản phẩm bán chạy nhất là thiết bị lọc nước và máy lọc không khí.

“Từ đầu tháng Ba, nhiều khách hàng Mỹ bắt đầu đối mặt hiện thực mới là phải ở nhà nhiều hơn”, theo ông Joe Derochowski, cố vấn ngành công nghiệp gia đình tại NPD. “Khi chúng ta bắt đầu làm việc tại nhà và thực hiện giãn cách xã hội, hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi”.

Nhu cầu cốt lõi vượt lên trên hết. Doanh thu tăng gấp ba đối với các sản phẩm máy lọc nước, lõi lọc thay thế và máy làm soda, chứng tỏ lo ngại xung quanh vấn đề nguồn nước. Người tiêu dùng cũng tập trung giữ môi trường sống lành mạnh hơn, doanh thu của các sản phẩm vệ sinh cầm tay chuyên dụng tăng hơn hai lần, và của máy lọc không khí tăng gần hai lần so với cùng kỳ năm trước.

Việc bảo quản thực phẩm cũng được chú trọng hơn với sự gia tăng lớn doanh thu của máy hút chân không. Bên cạnh đó, việc trẻ nhỏ nghỉ học cũng dẫn đến nhu cầu nấu ăn tại nhà, khiến doanh thu thiết bị làm bếp tăng vọt, đặc biệt là các thiết bị giúp việc nấu nướng sáng tạo và vui vẻ hơn, chẳng hạn máy làm bánh mì, bánh tổ ong, mì sợi, v.v.

Châu Âu

Theo báo cáo đến ngày 11.4.2020 của Microsoft Advertising, tủ lạnh và tủ đông là các sản phẩm điện gia dụng được tìm kiếm trên mạng internet nhiều nhất khi người dân tích trữ thực phẩm khắp châu Âu. Tại Anh, doanh thu tủ đông trong tuần đầu tháng Ba tăng 200% so với cùng kỳ năm trước, theo nhà bán lẻ trực tuyến AO.com.

Tuy nhiên, cũng có khác biệt giữa các quốc gia. Người tiêu dùng Ý có xu hướng tìm máy chế biến thức ăn nhiều hơn, trong khi người Pháp tìm máy làm cà phê vì tất cả các quán cà phê đều đóng cửa. Không chỉ tỉ lệ tìm kiếm gia tăng, tỉ lệ nhấp chuột (click through rate) cũng tăng đáng kể, chứng tỏ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng là có thực, theo Microsoft Advertising.

Trung Quốc

Ngành bán lẻ đồ điện gia dụng của Trung Quốc đã đến thời kỳ bão hòa, xu hướng mua sắm những năm gần đây đã suy yếu, doanh thu nội địa trên tất cả các kênh bán từ 810,4 tỉ RMB năm 2018 xuống chỉ còn 803,2 tỉ RMB năm 2019. Năm 2020, Trung Quốc phải đối phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả là sụt giảm GDP và tỉ lệ thất nghiệp lên đến 6% tại vùng thành thị (theo số liệu tháng Tư của Cục Thống kê Quốc gia). Do vậy, viễn cảnh người tiêu dùng đầu tư cho thiết bị điện gia dụng năm nay có vẻ không khả quan.

Tuy vậy, thị trường đồ gia dụng nhỏ (small appliance) lại cực kỳ nở rộ. Do có đặc điểm giá thành thấp, kích thước nhỏ, dễ lắp đặt, vận chuyển, nên đồ gia dụng nhỏ ít chịu ảnh hưởng của đại dịch hơn so với các sản phẩm kích thước lớn (white goods).

Theo báo cáo của CCTV, trong thời gian phong tỏa, doanh thu nồi chiên không dầu tăng khoảng 655%, máy nướng thịt có doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng hơn 100% trong nhiều tuần liên tiếp.

Có một số doanh nghiệp đồ điện gia dụng sáng tạo có kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng. Chẳng hạn, Xiaoxiong Electric có thể đạt mức tăng lợi nhuận ròng Quý I từ 60-90% so với cùng kỳ năm trước. Galanz, nhà sản xuất lò vi sóng lớn nhất thế giới trụ sở ở Quảng Đông, tuyên bố giữ vững mục tiêu tăng trưởng 35% năm 2020, và sẽ tuyển thêm 14.000 lao động mới.

Cao Dung

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/xu-huong-mua-sam-do-dien-gia-dung-trong-dai-dich-covid-19-a2054.html