Chip điện tử trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo không còn tạo phấn khích như năm 2017, nhưng vẫn là lĩnh vực Mỹ và Trung Quốc canh tranh gay gắt. Người nắm quyền về chip điện tử có lợi thế trong cuộc đua.

Năm 2017, khi lập trình máy tính AlphaGo của Google hoàn toàn đánh bại Kha Khiết, nhà vô địch thế giới môn cờ vây, trong môn cờ phức tạp của Trung Quốc, người ta tung hô khắp nơi rằng đây là thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhưng kể từ thời điểm đó, sự phấn khích với AI giảm dần. Washington và Bắc Kinh bước vào cuộc chiến thương mại, và nguồn tài trợ khởi nghiệp của Trung Quốc cũng tụt mức một phần vì cơn cuồng AI ban đầu đã hạ nhiệt.

Điều này dấy lên câu hỏi liệu AI – được định nghĩa là các thuật toán bắt chước trí thông minh của con người – có đạt được các tiềm năng kỳ vọng? Và đến khi nào? Câu trả lời vô cùng quan trọng vì AI có thể trở thành đột phá tối cao của ngành công nghệ, đe dọa đến việc làm của hàng chục triệu người ở châu Á khi quy trình lao động được tự động hóa. Thêm vào đó, AI còn là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong vài lĩnh vực, AI thực sự thể hiện sức mạnh đột phá. Ở Phillipines và Ấn Độ, các doanh nghiệp dịch vụ chăm sóc khách hàng (call centre) đã bắt đầu dùng AI để trả lời điện thoại. Việc đưa ứng dụng trả lời tự động (chatbot), chẳng hạn thiết bị Alexa của Amazon, vào sử dụng trong đời thực, đã được đẩy nhanh trong đại dịch COVID-19, theo các công ty dịch vụ khách hàng.

Mohandas Pai, một nhà đầu tư công nghệ ở Ấn Độ và từng là giám đốc tại Tập đoàn công nghệ Infosys, dự đoán sự chuyển biến lớn trong ngành dịch vụ chăm sóc khách hàng nhờ vào việc “thêm AI, thêm chatbot, thêm tự động”.

Ở Nhật, các nhà sản xuất mỹ phẩm như Kao đang sử dụng AI để phát triển các sản phẩm làm đẹp phù hợp mỗi cá nhân. Kao hợp tác với một công ty Tokyo, Preferred Networks, để thu thập dữ liệu về các đặc tính phân tử thay đổi của làn da, và lên kế hoạch sử dụng dữ liệu này nhằm giúp khách hàng chọn các sản phẩm chống tổn hại da.

Khắp châu Á, AI được sử dụng trong dịch vụ tài chính để xác định điểm tín dụng của khách hàng, dự đoán đầu tư và cảnh báo lừa đảo. Chẳng hạn, CashShield, một công ty khởi nghiệp Singapore, sử dụng thuật toán bằng phân tích sinh trắc và nhận dạng mẫu nhằm giúp các công ty quản lý rủi ro lừa đảo.

Ở Trung Quốc, đất nước siêu cường AI của châu Á, công nghệ này không chỉ được triển khai trong các hệ thống nhận diện khuôn mặt, nền tảng của giám sát toàn quốc, mà còn trong các lĩnh vực y tế công và bảo hiểm.

Công ty Công nghệ Bình An, một công ty con của Bảo hiểm Bình An, bắt đầu hợp tác với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc năm 2017 tại các thành phố của tỉnh Trùng Khánh và Thâm Quyến. Các nhà chức trách đã đưa 20 triệu hồ sơ bệnh án để giúp công ty Bình An sử dụng AI dự đoán bùng phát cúm và các bệnh dịch hiện có khác dựa trên dữ liệu cung cấp.

Những ứng dụng rộng rãi như vậy có vẻ chắc chắn là đột phá lớn trong nhiều ngành nghề, khiến Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey đưa ra dự đoán năm 2017 rằng công nghệ tự động có thể thay thế một nửa số lao động ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Phillipines. Số lao động có thể bị thay thế có mức lương hàng năm hơn 900 tỉ USD, theo McKinsey.

Bất chấp các dự đoán như vậy, nhiều chính phủ ở châu Á vẫn đi sau Trung Quốc trong các nỗ lực phát triển ngành công nghiệp AI nước mình, dù cố gắng duy trì tính cạnh tranh để tránh cơn sốc cho nền kinh tế từ các nền kinh tế khác trong khu vực.

Một lần nữa, các vọng của Trung Quốc lại lấn át các quốc gia châu Á khác. Kế hoạch phát triển AI thế hệ kế tiếp do Trung Quốc tuyên bố năm 2017, đã vạch ra chiến lược đưa nước này lên ngôi vị dẫn đầu trong lĩnh vực AI, với ngành công nghệ nội địa trị giá khoảng 150 tỉ USD năm 2030.

Các nhà chức trách khắp Trung Quốc đã và đang cấp vốn tài trợ, dữ liệu và các hỗ trợ hành chính cho các công ty AI triển vọng. Kết quả là Trung Quốc đang tiến rất nhanh đến cột mốc đặt ra cho năm 2030. Trong hơn 12 “kỳ lân” (công ty khởi nghiệp được định giá hơn 1 tỉ USD) trong lĩnh vực AI của Trung Quốc, một số ở vị trí hàng đầu thế giới. Chẳng hạn: iFlytek (nhận diện giọng nói), SenseTime và Yitu (nhận diện khuôn mặt).

Tuy nhiên, trong tương lai, lĩnh vực chính trong cạnh tranh AI giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là ngành công nghiệp bán dẫn. Các con chip AI thường yêu cầu mức độ tùy chỉnh cao khi nhiệm vụ được giao ngày càng cụ thể. Trong lĩnh vực sản xuất chip, các công ty Mỹ cùng với các công ty Đài Loan và Hàn Quốc ưu thế hơn các công ty Trung Quốc rất nhiều.

“Các nhà sản xuất Trung Quốc không chỉ thiếu kiến thức trọng yếu trong việc sản xuất ra các loại chip chất lượng cao hơn, việc gia tăng rào chắn giữa ngành bán dẫn Mỹ và Trung Quốc còn có nghĩa rằng địa chính trị có thể tác động lâu dài đến sự phát triển tương lai của chip AI Trung Quốc”, theo báo cáo của MacroPolo, cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Paulson trụ sở tại Chicago.

Cuối cùng, liệu đến năm 2030 Trung Quốc có vượt lên trước Mỹ được hay không, có thể phụ thuộc vào quan hệ Mỹ - Trung và việc Washington siết chắt cấm vận thương mại đối với chip AI đến mức nào.

Theo Financial Times

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/chip-dien-tu-trong-cuoc-dua-tri-tue-nhan-tao-a1985.html