HSBC và Citigroup đang nhanh chóng cải tiến kênh ngân hàng số tại Hồng Kông trong nỗ lực ứng phó với đại dịch, khi người tiêu dùng giãn cách xã hội và hạn chế sử dụng tiền mặt, theo Bloomberg. Nhận thấy nhu cầu khách hàng tăng cao ở mảng bảo hiểm và quản lý tài sản, các ngân hàng đã cho ra mắt các chức năng dịch vụ qua video và ứng dụng di động cho cả khách hàng bán lẻ và khách hàng mảng quản lý tài sản.
Tương tự, Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) cũng có kế hoạch thúc đẩy các dịch vụ số tại thị trường Hồng Kông theo từng tháng. Tại Singapore, ba đế chế cho vay lớn nhất dưới sự quản lý của DBS cũng chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ ở kênh kỹ thuật số: Có hơn 24.000 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở kể từ khi nước này thắt chặt phong toả vào đầu tháng Tư.
Tỉ lệ các giao dịch bán lẻ của HSBC được số hoá tại Hồng Kông đã tăng 94% trong tháng Ba. Số lượng hách hàng kích hoạt ứng dụng trên điện thoại di động cũng tăng 40% so với đầu năm, đạt 1,12 triệu lượt. “Chúng tôi dự đoán rằng COVID-19 sẽ thúc đẩy khách hàng làm quen, thích nghi với các kênh kỹ thuật số, và điều này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới” - Greg Hingston, trưởng bộ phận khách hàng tư nhân và quản lý tài sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói với Bloomberg. Hồng Kông hiện chiếm khoảng một phần ba doanh thu HSBC.
Trong hai tháng đầu năm, số lượng các giao dịch quản lý tài sản thông qua nền tảng số tại Citigroup đã tăng trưởng 37%. Trong cuộc khủng hoảng, Citigroup đã thêm một số tính năng cho ứng dụng di động của mình như chức năng “Trợ giúp” cho phép nhắn tin hai chiều. “Khách hàng sẽ còn tiếp tục sử dụng các ứng dụng số hoá ngay cả khi dịch bệnh qua đi, sau những trải nghiệm tốt mà các ứng dụng này mang lại” - Gonzalo Luchetti, người đứng đầu mảng cho vay tiêu dùng Citigroup khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi nói với Bloomberg.
Những thay đổi đang diễn ra trong áp lực đối mặt với cạnh tranh từ các ngân hàng số mới gia nhập thị trường:
Tại Hồng Kông, cơ quan tiền tệ đã cấp phép ngân hàng ảo cho tám công ty vào năm ngoái. Giấy phép này cho phép các công ty được nhận tiền gửi và cho vay mà không cần chi nhánh hoạt động: ZA Bank là công ty ra mắt đầu tiên vào hồi tháng Giêng. Người tiêu dùng Hồng Kông am hiểu công nghệ sẽ dễ dàng bị các ngân hàng số lôi kéo. Tám tay chơi mới này có thể cho vay khoảng 15 tỉ USD, tương đương 30% doanh thu năm 2018, Goldman Sachs ước tính.
Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) dự kiến sẽ cấp tối đa năm giấy phép ngân hàng số để tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng số. Giấy phép này cho phép các công ty được cho vay, nhận tiền gửi và các dịch vụ tài chính cho khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. MAS đã nhận được các đề nghị lập ngân hàng số từ Grab, ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á; người khổng lồ về fintech Ant Financial và công ty phát triển phần cứng chơi game Razer. Là một trung tâm đổi mới của khu vực, Singapore đang là cơ hội lớn với những công ty công nghệ trực tiếp cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống, là mối đe doạ với DBS và các định chế tài chính hàng đầu trong khu vực. Gần 40% người tiêu dùng Singapore đang được tiếp cận hạn chế với các dịch vụ tài chính, đang là cơ hội cho các tay chơi mới tại đây.
Nỗ lực chuyển đổi số của các công ty công nghệ châu Á có thể khiến các ngân hàng trong khu vực giảm lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên khi các ngân hàng tăng cường nền tảng trực tuyến và ứng dụng di động, khách hàng không có nhiều lý do để chuyển đổi sang sử dụng các dịch vụ tài chính của các công ty công nghệ.
Các ngân hàng truyền thống có lợi thế từ danh tiếng lâu đời. Nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ hơn sẽ bổ sung và củng cố những lợi thế đó, và củng cố thêm lòng trung thành từ các khách hàng cũ, đồng thời thu hút thêm các khách hàng mới.
Theo Business Insider
thunguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/chau-a-thuc-day-ngan-hang-so-ung-pho-voi-dai-dich-a1978.html