THOÁT NGHÈO BẰNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THU NHẬP CAO

"Định hướng sản xuất, xuất khẩu quả - rau – hoa đạt mục tiêu 10 tỉ USD vào năm 2025 là cơ hội và giải pháp thoát nghèo cho khu vực nông thôn – miền núi"

Năm 2016 thu nhập nông dân khu vực nông thôn là 2,44 triệu đồng/người, bằng 55,8% thu nhập đầu người ở thành thị; thu nhập đầu người vùng trung du- miền núi phía Bắc là 2,03 triệu đồng/người, bằng 44,6% thu nhập thành thị. Thu nhập của nông dân sinh sống ở khu vực nông thôn, miền núi nước ta thấp hơn khá xa so với khu vực thành thị. 

Theo thống kê trong suốt 17 năm (1999-2016), khoảng cách thu nhập đầu người của nông thôn so với thành thị bình quân giảm 0,72%/năm và giữa trung du-miền núi phía Bắc so với thành thị giảm 0,34%/năm. Nếu tốc độ thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị trong thời gian tới như bình quân 17 năm vừa qua (0,72%/năm) thì có nghĩa chúng ta cần 15 năm nữa để thu nhập nông thôn bằng mức 2/3 của thành thị, và cần 33 năm để đạt được 80% thu nhập thành thị (năm 2049). Và tương tự như cách tính trên, để thu nhập vùng trung du – miền núi phía Bắc  bằng 2/3 của thành thị thì sẽ cần them 59 năm nữa (năm 2075). 

Như vậy để thoát nghèo, tăng thu nhập cho các hộ dân ở khu vực nông thôn - miền núi, câu hỏi được đặt ra là trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho thị trường nào và tổ chức sản xuất như thế nào? 

Năm 2016 là năm đầu tiên ghi nhận mặt hàng quả - rau – hoa xuất khẩu đạt 2,45 tỉ USD, vượt qua xuất khẩu dầu thô 2,4 tỉ USD và xuất khẩu gạo 2,16 tỉ USD. 

Trở lại 11 năm trước, xuất khẩu quả - rau – hoa chỉ đạt mức 235 triệu USD, bằng 17% của xuất khẩu gạo với 1,4 tỉ USD và 3% xuất khẩu dầu thô với 7,3 tỉ USD trong năm 2005. Năm 2011, xuất khẩu quả – rau – hoa vẫn còn thấp với 620 triệu USD bằng 16,9% xuất khẩu gạo và 8,6% xuất khẩu dầu thô.

Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu qua các năm
Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu qua các năm

Và kết quả của năm 2018, là năm đánh dấu mốc đặc biệt của nền nông nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu quả - rau – hoa đã đạt 3,52 tỉ USD, bằng 116,1% xuất khẩu gạo và 160,7% xuất khẩu dầu thô. Mặc dù kết quả xuất khẩu trong năm 2018 của mặt hang quả - rau – hoa đã vượt giá trị xuất khẩu của sản phẩm quốc gia là gạo, nhưng quả - rau – hoa vẫn chưa được chọn là sản phẩm quốc gia. Chính phủ xác định sáu sản phẩm nông nghiệp quốc gia bao gồm: lúa gạo năng suất, chất lượng cao; cá da trơn chất lượng cao; các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu; tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng); cà phê chất lượng cao; sâm Việt Nam.

Giá trị xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam 2018 (triệu USD)
Giá trị xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam 2018 (triệu USD)

Tuy nhiên thực tiễn đang chỉ ra nhóm sản phẩm mới có tiềm năng đột phá xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho nông dân là xuất khẩu quả-rau-hoa, sản phẩm đã có giá trị xuất khẩu vượt qua xuất khẩu dầu thô và gạo trong những năm gần đây.

Xuất khẩu gạo đang ở xu thế bão hòa, biến động ít và xu hƣớng giảm giá trị, đến năm 2025 giá trị xuất khẩu dự báo ở mức 3 đến 4 tỉ USD. Xuất khẩu cà phê ở xu thế ổn định, đến năm 2025 cũng chỉ ở mức 3,5 đến 4 tỉ USD. Xuất khẩu tôm có xu hướng tăng nhẹ, năm 2018 đạt 3,55 tỉ USD, năm 2025 ước đạt 4,5 tỉ USD.  Xuất khẩu cá da trơn ở xu hướng ổn định, gia tăng nhẹ, năm 2018 đạt 2,26 tỉ USD, đến năm 2025 ước đạt 3 tỉ USD. Xuất khẩu dầu thô ở xu thế giảm, năm 2018 đạt 2,19 tỉ USD, đến năm 2025 dự báo nếu có tăng thêm do khai thác mỏ mới thì cũng chỉ ở mức sẽ đạt 3 đến 4 tỉ USD. 

Riêng đối với xuất khẩu quả - rau - hoa giai đoạn 2011- 2020 tăng 25%/năm và 2011-2025 là 18%/năm, giá trị xuất khẩu quả - rau - hoa năm 2020 được dự báo là 5,5 tỉ USD và năm 2025 là 12 tỉ USD.


Quả - rau - hoa hoàn toàn có tiềm năng trở thành sản phẩm xuất khẩu lớn hơn các sản phẩm quốc gia như gạo, cà phê, thủy sản và dầu thô. 

Năm 2018 xuất khẩu quả - rau – hoa có hiện tượng chững lại bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó một phần là do chính phủ không có chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất quả, rau, hoa mà việc trồng và xuất khẩu quả - rau - hoa mang tính tự phát của các hộ nông dân; việc kết hợp với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu là rất hạn chế. Sự sản xuất và xuất khẩu tự phát này có thể coi là đã đạt ngưỡng tối đa. Ngoài ra, các nước nhập khẩu quả, rau, hoa của Việt Nam, lớn nhất là Trung Quốc, năm 2018 đã bắt đầu đặt ra các yêu cầu nhập khẩu cao hơn về chất lượng, xuất xứ hàng hóa... Vì vậy, sản xuất quả, rau, hoa của các hộ nông dân đơn lẻ không thể đáp ứng tốt các yêu cầu về chuẩn công nghệ sản xuất, kiểm định chất lượng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đầu tư vào trồng, chế biến quả, rau, hoa còn rất ít; diện tích và sản lượng do các doanh nghiệp này sử dụng và tạo ra cũng chỉ chiếm dưới 10% đất và dưới 10% sản lượng quả, rau, hoa của cả nước. Vai trò doanh nghiệp hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân trồng quả, rau, hoa chất lượng cao và xuất khẩu sản phẩm còn rất ít. 

Trao đổi về giải pháp để phát triển mạnh nhóm hàng xuất khẩu tiềm năng quả - rau – hoa, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất đưa nhóm sản phẩm quả - rau - hoa vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia 2019-2025 để có các giải pháp đồng bộ, khoa học, hiệu quả. Giải pháp tiếp theo là xây dựng hợp tác xã kiểu mới thành mô hình chủ đạo hỗ trợ và liên kết nông dân trồng các loại quả, rau và hoa xuất khẩu với các doanh nghiệp trong việc cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm và vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư chế biến và xuất khẩu quả, rau, hoa, nguồn cung cấp nguyên liệu là quả, rau, hoa chất lượng cao chủ yếu là từ các hợp tác xã trồng quả, rau và hoa. Cần hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp này về vốn, đất đai. 

Kết thúc phiên trình bày, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, định hướng sản xuất, xuất khẩu quả - rau – hoa đạt mục tiêu 10 tỉ USD vào năm 2025 là cơ hội và giải pháp thoát nghèo cho khu vực nông thôn – miền núi.

Giải pháp phát triển sản xuất quả - rau - hoa
Giải pháp phát triển sản xuất quả - rau - hoa

hanguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thoat-ngheo-bang-phat-trien-nong-nghiep-thu-nhap-cao-a197.html