Thai Airways đã thua lỗ ba năm liên tiếp trước khi đệ đơn phá sản

Trước khi trình đơn bảo hộ phá sản, Thai Airways đã thua lỗ liên tiếp từ 2017 - 2019. COVID-19 có thể chỉ cho hãng hàng không lớn nhất châu Á này một thời điểm hợp lý.

Cơ chế ra quyết định chậm chạp cùng việc chậm trễ trong đổi mới công nghệ, trong khi cạnh tranh trong ngành hàng không châu Á ngày càng mạnh mẽ đã khiến hãng hàng không 60 tuổi của Thái Lan liên tục thua lỗ trong ba năm gần đây.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Thai Airways cho thấy Hãng hàng không quốc gia Thái Lan đã bắt đầu sụt giảm doanh thu từ năm 2019 và thua lỗ trong ba năm liên tiếp. Năm 2019, Thai Airways đạt gần 5,6 tỉ USD doanh thu, trong đó trên 80% đến từ vận tải hàng không (hành khách và hành lý), đồng thời lỗ 372 triệu USD.

Doanh thu - Lợi nhuận của Thai Airways từ 2017 - 2019 - Đơn vị: Triệu USD (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất Thai Airways)
Doanh thu - Lợi nhuận của Thai Airways từ 2017 - 2019 - Đơn vị: Triệu USD (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất Thai Airways)

Tính đến cuối năm 2019, Thai Airways có tổng tài sản gần 8 tỉ USD, trong đó trên 95% là các khoản nợ phải trả (bao gồm nợ vay và các khoản trả chậm khác). Số máy bay của Thai Airways được duy trì con số 103 chiếc trong hai năm 2018 - 2019. Bảo hộ phá sản là giải pháp để Thai Airways có thêm thời gian thương lượng với các chủ nợ và các đối tác.

COVID-19 đã khiến các hãng hàng không trên thế giới lâm vào khó khăn chưa từng có, khi các quốc gia bắt đầu hạn chế đi lại và cấm xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, với Thai Airways, số lượng hành khách trong quý I.2020 chỉ giảm khoảng 30%, theo dữ liệu từ hãng bay. Từ tháng Hai, khi các quốc gia trên thế giới lần lượt cấm người Trung Quốc nhập cảnh do dịch bệnh, Thái Lan vẫn chủ trương phát triển du lịch và chấp nhận du khách đến từ Trung Quốc.

Với 51% cổ phần thuộc Bộ Tài chính, Thai Airways được coi là một doanh nghiệp nhà nước của Thái Lan, do vậy các thủ tục liên quan cần được Bộ Tài chính thông qua.

Một báo cáo từ năm 2010 từ Đại học Jaffna (Sri Lanka) đã chỉ ra những điểm yếu của Thai Airways. Nghiên cứu này cho rằng cơ chế vận hành của Thai Airways không hiểu quả, ra quyết định chậm chạp. Các quyết định đầu tư, vận hành của Thai Airways cần được sự cho phép từ chính phủ Thái Lan.

Trong năm năm gần đây, số lượng máy bay của Thai Airways tăng trưởng chậm chạp. Từ mức 95 chiếc năm 2015, đến năm 2018, Thai Airways mới có 103 chiếc và duy trì số lượng đến cuối năm 2019. Các máy bay của Thai Airways hầu hết thuộc các thế hệ cũ của Airbus và Boeing. Năm 2019, sự tăng giá của đồng Baht Thái Lan tiếp tục khiến hoạt động kinh doanh của hãng bay gặp khó khăn hơn do giá vé của Thai Airways đắt hơn tương đối so với các hãng quốc tế khác.

Thời báo Bangkok Post dẫn nguồn tin từ Bộ Giao thông Thái Lan cho biết có thể Bộ Tài chính sẽ đứng ra đảm bảo một khoản vay trị giá 50 tỉ Baht (tương đương 1,6 tỉ USD) cho Thai Airways nhằm cứu hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên nguồn tin nói trên cho rằng đó không phải là giải pháp lý tưởng trong trường hợp này.

Cho dù Bộ Tài chính nắm quá 50% cổ phần, Thai Airways vẫn là một công ty đại chúng với trên 600 cổ đông. Việc chính phủ Thái Lan hỗ trợ về mặt tài chính cho Thai Airways có thể bị các phe đối lập phản đối vì cho rằng lãng phí tiền thuế của người dân nước này.

“Quyết định cuối cùng (về số phận của Thai Airways) sẽ được nội các đưa ra” - Bangkok Post dẫn lời ông Uttama, Bộ trưởng Bộ tài chính Thái Lan.

Minh Thư

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thai-airways-da-thua-lo-ba-nam-lien-tiep-truoc-khi-de-don-pha-san-a1968.html