Được mất của các nhà sản xuất chip khi nhận hỗ trợ từ chính phủ Mỹ

Các công ty sản xuất chip lớn như Intel và TSMC, do đối mặt với gia tăng chi phí để duy trì lợi thế cạnh tranh, đang cân nhắc trợ giúp đi kèm ràng buộc của chính phủ Mỹ.

Dễ hiểu khi các công ty sản xuất chip lớn như Intel và TSMC (Đài Loan) và nhà đầu tư của họ yêu thích ý tưởng chính phủ Mỹ tham gia vào thương vụ đầu tư cơ sở sản xuất chip tốn kém. Tuy nhiên, họ nên cẩn trọng với mong muốn của mình, vì lịch sử đã chứng minh rằng sự gia tăng can thiệp chính phủ trong lĩnh vực này chưa bao giờ không phải trả giá.

Cổ phiếu của Intel và TSMC đều tăng vào ngày 11.5, theo báo cáo qua tuần của tờ Wall Street Journal, khi chính phủ của Tổng thống Trump bàn chuyện với cả hai công ty về việc xây dựng cơ sở sản xuất chip ở Mỹ. Các bên chưa vạch ra đề xuất cụ thể nào, mặc dù rõ ràng Intel đã trình bày ý tưởng với Bộ Quốc phòng về việc xây dựng xưởng đúc thương mại trên cơ sở hợp tác với Lầu Năm góc.

TSMC chế tạo hầu hết các con chip tiên tiến ở quê nhà Đài Loan, mặc dù công ty cũng đang tính đến các cơ sở mới ở Mỹ, một phần theo yêu cầu của Apple, khách hàng lớn nhất của TSMC, theo báo cáo của tờ Wall Street Journal. Công ty Đài Loan này có cổ phiếu niêm yết tăng 1,2% trong giao dịch hôm 11.5, trong khi cổ phiếu của Intel chốt ở mức gần 1%.

Đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã phơi bày yếu điểm của nhiều công ty Mỹ khi phụ thuộc vào các linh kiện quan trọng sản xuất ở nước ngoài. Điều này đã khiến nền công nghiệp bán dẫn trở thành sân đấu chính trị giữa hai cường quốc thế giới. Mức độ nhạy cảm của ngành này hiển hiện từ trước khi khủng hoảng, khi chính phủ của ông Trump ngăn cản đề xuất mua lại Qualcomm của Broadcom – một công ty có trụ sở ở Singapore đầu năm 2018 và khi chính quyền Trung Quốc ngăn chặn hiệu quả việc mua lại NXP của Qualcomm ba tháng sau đó.

Trong số các động thái mới nhất là nỗ lực ban hành quy định kiểm soát xuất khẩu với các thiết bị sản xuất chip tiên tiến – một thị trường thống lĩnh bởi các công ty Mỹ như Applied Materials, KLA và Lam Research. Bộ Thương mại Mỹ cuối tháng Tư đã thông báo quy định mới, cho phép bổ sung thêm hạn chế thương mại cho việc bán các thiết bị như vậy vào Trung Quốc, thị trường dự kiến chiếm 17% tổng doanh thu của ngành này năm 2020, theo dự báo của Ngân hàng UBS. Theo quy định mới, các đơn hàng xuất đi nước ngoài (bao gồm Trung Quốc, Nga và Venezuela) của các công ty này phải trải qua xem xét của cơ quan an ninh và đạt được giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ. Tác động thực sự của các quy định này vẫn chưa rõ ràng, mặc dù Lam Research đã liệt kê đây là yếu tố rủi ro trong báo cáo chi tiết tình hình công ty (10-K) ngay sau đó, cho rằng các quy định mới này có thể gây ảnh hưởng “thực sự và nghiêm trọng” đến việc kinh doanh của mình.

Intel lúc này đang cố tìm ra mặt tích cực của việc leo thang chiến tranh thương mại và căng thẳng do động cơ địa chính trị giữa hai nước, do đó, nhiệt tình tán thành sự hỗ trợ của chính phủ đối với việc xây dựng các cơ sở sản xuất mới. Điều này có thể hiểu được, do chi phí ngày càng tăng mà Intel và TSMC đang phải gánh chịu trong cuộc đua giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip. Mỗi công ty có mức chi tiêu vốn hàng năm tăng trung bình 12%/ năm trong năm năm qua và dự kiến sẽ chi ít nhất 15 tỉ trong năm nay, ngay cả khi suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra.

Một số trợ giúp từ chính phủ có thể giúp Intel và TSMC giảm bớt gánh nặng đầu tư. Nhưng sự can thiệp chính phủ có thể sẽ đi kèm với nhiều ràng buộc, bao gồm cả quyền bán sản phẩm cho ai. Các nhà đầu tư nên nhớ rằng đồng tiền công thường đi kèm nghĩa vụ.

Theo Wall Street Journal

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/duoc-mat-cua-cac-nha-san-xuat-chip-khi-nhan-ho-tro-tu-chinh-phu-my-a1964.html