Tập đoàn Công nghệ CMC hiến kế phục hồi kinh tế

Đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin, Tổng giám đốc Nguyễn Trung Chính đã đưa ra tám giải pháp giúp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Sáng 9.5.2020, Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính Phủ và doanh nghiệp đã diễn ra. Với chủ đề "Phục hồi nền kinh tế: Thích ứng, đổi mới và phát triển", Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, các cơ quan trung ương, địa phương và các doanh nghiệp tại các điểm cầu. Mục đích của Hội nghị là để động viên cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; khơi gợi, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của doanh nghiệp cùng Chính phủ; thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch/TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC đã đại diện cho khối Doanh nghiệp ngành Công nghệ Thông tin đóng góp tham luận và kiến nghị  với Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Chính, tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và ngành CNTT cũng không nằm ngoài phạm vị chịu ảnh hưởng. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với vấn đề chung là giảm lao động, giảm doanh thu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm.

“Tuy nhiên, bài học từ đại dịch COVID-19 có thể tạo ra nhận thức mới cho toàn xã hội, biến thách thức thành cơ hội, đặc biệt là ngành CNTT nếu biết tận dụng. Thời điểm này, vai trò của CNTT được bộc lộ rõ nét và nổi bật hơn khi CNTT trở thành phương thức giúp xã hội thoát khỏi khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có hàng ngàn doanh nghiệp CNTT tham gia vào công tác phòng chống dịch: ứng dụng CNTT giúp giảm thời gian truy vết các cá nhân liên quan đến ca bệnh COVID-19; Viettel đã phối hợp cùng Bộ Y Tế ứng dụng giải pháp CNTT trong triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả; VNPT đã giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo ứng dụng CNTT trong việc thực hiện dạy học trực tuyến; VTV đã giúp dạy học qua truyền hình cho học sinh; VNPost mới đây ra mắt nền tảng Mã địa chỉ bưu chính số - VPostcode nhằm giúp cho thương mại điện tử phát triển; CMC cùng Microsoft đã giúp các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức làm việc từ xa, làm việc tại nhà – Work from Home, các cuộc hội họp theo hình thức online, giải quyết được khó khăn cho các cơ quan và doanh nghiệp khi thực hiện cách ly xã hội; các doanh nghiệp CNTT đã cung cấp nhân lực CNTT, các sản phẩm giải pháp CNTT, cũng như miễn giảm hàng chục ngàn tỷ đồng thông qua các chương trình hỗ trợ miễn giảm giá dịch vụ Viễn thông và CNTT cho khách hàng. Việt Nam là một trong số ít nước tự chủ xây dựng được nhiều ứng dụng CNTT phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19..” – ông Chính nhận định.

Trên cơ sở đó, ông Chính đã có 8 đề xuất, kiến nghị lên Thủ Tướng, Chính phủ, cụ thể:

1. Cần đầu tư mạnh về chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số. Theo các chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học – Công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO), chuyển đổi số sẽ đem lại 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam, giúp cho Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch COVID.

2. Chính phủ cần đẩy nhanh mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến, triển khai nhanh việc cấp phép Mobile Money, đẩy nhanh sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính.

3. Cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số quốc gia: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử; kinh tế số chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội. Để làm được việc đó, Chính phủ, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần phối hợp xây dựng hạ tầng số mạnh mẽ cho quốc gia, gồm:  Hạ tầng cứng: 5G, kết nối, lưu trữ dữ liệu; Hạ tầng mềm: cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu mở; Hạ tầng thể chế, chính sách phù hợp với xã hội số.

4. Thúc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ưu tiên đầu tư công trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số trên tinh thần là giải ngân hết số vố còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm. Điều này chúng tôi đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận trong buổi làm việc của doanh nghiệp CNTT với Bộ.

5. Tạo chính sách kích cầu thông qua việc Chính phủ đặt hàng các sản phẩm, dịch vụ CNTT cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

6. Đề nghị giảm 25% các loại thuế phí, trong đó thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động nhằm kích cầu nhu cầu mua sắm đầu tư của người dân và doanh nghiệp. Miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số. Tôi tin tưởng rằng Chính phủ sẽ tăng được nguồn thu thông qua chính sách cắt giảm này.

7. Cải cách triệt để các thủ tục hành chính như đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm thời gian giải quyết, làm sao đúng như tinh thần chống dịch: nhanh, quyết liệt và hiệu quả.

8. Mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT, là trung tâm dịch vụ số Digital HUB của khu vực Châu Á Thái Bình Dương - APAC.

 “Có thể nói, đại dịch COVID-19 đang tạo ra một “cú hích” cho chúng ta khởi tạo Cuộc sống số. Đây là thời cơ vàng cho ngành CNTT phát triển sâu rộng, tận dụng công nghệ số để tạo ra đột phá cho kinh tế số nói riêng và nền kinh tế nói chung.” – Chủ tịch/TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính kết luận.

Thông tin doanh nghiệp

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tap-doan-cong-nghe-cmc-hien-ke-phuc-hoi-kinh-te-a1899.html