TP.HCM và những bài toán lớn

TP.HCM hiện có ít nhất bốn lĩnh vực nhiều tiềm năng và cũng là những lĩnh vực quan trọng nhất vì chúng chi phối gần như tất cả mọi khía cạnh hoạt động của thành phố.

Lời toà soạn: Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020), Tạp chí Nhà Quản Lý xin trích giới thiệu bài viết của nhóm chuyên gia Viện Kinh tế Xanh, về những bài toán đặt ra với TP.HCM trên con đường vươn tới tầm vóc của một đô thị hàng đầu khu vực.

-------

Theo số liệu thống kê năm 2018, TP.HCM có dân số gần 9 triệu người, GDRP đạt 1,3 triệu tỉ đồng (xấp xỉ 22% GDP của cả nước), GDRP bình quân đầu người 154,8 triệu đồng (hơn gấp đôi mức bình quân của cả nước). Những con số này khẳng định TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Một câu hỏi rất tự nhiên đặt ra là TP.HCM đã phát triển hết công suất chưa? Nếu so với tiềm năng, lợi thế và vị thế đầu tầu kinh tế, có lẽ là chưa. Vậy những tiềm năng, lợi thế đó là gì và làm thế nào để khai thác và phát huy tốt nhất những tiềm năng đó? Đây thực sự là những bài toán lớn của TP.HCM. Theo chúng tôi, ít nhất có bốn lĩnh vực TP.HCM có nhiều tiềm năng nhất và cũng là những lĩnh vực quan trọng nhất vì chúng chi phối gần như tất cả mọi khía cạnh hoạt động kinh tế xã hội của thành phố. Đó là kinh tế biển, logistics, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số.

TP.HCM và kinh tế biển

Ở Việt Nam, kinh tế biển được quan niệm là những hoạt động kinh tế diễn ra trên biển hay vùng ven bờ. Vì thế, trong chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của thành phố, chỉ có huyện Cần Giờ làm kinh tế biển. Thế giới quan niệm kinh tế biển diễn ra trên 2 vùng là vùng ngoài biển (tính từ bờ ra hết vùng lãnh hải quốc gia, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và vùng duyên hải (tính từ bờ biển vào 100 km, ở những nơi có sông thì tính đến nơi mà sinh thái biển còn ảnh hưởng) (trích báo cáo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Trà Vinh, 5.1.2020). Như vậy, theo quan niệm quốc tế, TP.HCM hoàn toàn là một thành phố biển. Trên bản đồ minh họa dưới đây, vùng duyên hải cập nhật cùng các dữ liệu xâm mặn theo các dòng sông Sài Gòn, Vàm Cỏ, sông Tiền và sông Hậu (theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tháng 2.2020) cho thấy TP.HCM nằm hoàn toàn trong vùng phát triển kinh tế biển.

Bản đồ diễn đạt vùng phát triển kinh tế biển khu vực Nam Bộ (hình của Viện KTX)
Bản đồ diễn đạt vùng phát triển kinh tế biển khu vực Nam Bộ (Nhóm chuyên gia VIện Kinh tế xanh)

Khi quan niệm TP.HCM là thành phố biển, nhiều cơ hội mở ra và dẫn tới những chuyển đổi quan trọng, trong đó bốn lĩnh vực nổi lên như những điểm nhấn là:

- Phát triển các ngành kinh tế biển: Phát triển các ngành kinh tế trên biển và các ngành kinh tế trong vùng duyên hải (tham khảo các ngành được nhiều quốc gia chọn và phát triển thành công dựa trên điều kiện cụ thể của TP.HCM).

- Phát triển hạ tầng: Phát triển đường sá, cầu cống, công trình xây dựng… phù hợp với sinh thái biển.

- Ứng phó với biến khí hậu: Giải quyết những vấn đề phát sinh từ biến đổi khí hậu như xâm mặn, ngập nước do triều cường…theo hướng thích ứng, hài hòa với tự nhiên.

- Phát triển đô thị: Phát triển về hướng Đông sẽ trở thành một xu thế được thúc đẩy bằng các lợi thế của mô hình kinh tế biển. Thực tế phát triển kinh tế biển trên thế giới cho thấy hoạt động kinh tế càng sát biển thì khả năng sinh lợi càng cao.

TP.HCM và logistics

Logistics - một trong những bài toán lớn nhất của Việt Nam hiện nay (TGS, 24.4.2020) - có một đặc điểm rất dễ nhận ra là tâm của hệ thống này dịch hẳn về TP.HCM. Khoảng 70% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đang được vận chuyển ở khu vực TP.HCM qua Cụm cảng số 5 với cảng Cát Lái là trung tâm. Từ đây hàng hóa được xuất khẩu ra thị trường quốc tế, hàng nhập khẩu theo chiều ngược lại. Như vậy, TP.HCM là trung tâm đầu mối logistics (logistics hub) lớn nhất cả nước. Lịch sử cũng ghi nhận là ngay từ khi được thành lập hơn 300 năm trước, thành phố đã là một trung tâm logistics.

Xét về mọi mặt, cả điều kiện tự nhiên và xã hội, TP.HCM đều hội đủ những điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống logistics hiện đại gắn với mạng lưới giao thông kết nối liên vùng, đa phương thức, phát huy mạnh mẽ lợi thế vận tải thủy của cả vùng Đông và Tây Nam Bộ, tạo ra sự thay đổi căn bản cho toàn bộ hệ thống logistics Việt Nam.

TP.HCM và kinh tế tuần hoàn

Nền kinh tế của TP.HCM nói riêng, của cả nước nói chung cho tới thời điểm này (tháng 4.2020) vẫn là kinh tế truyền thống hay còn gọi là kinh tế tuyến tính (linear economy). Vì là nền kinh tế lớn nhất cả nước nên những gì đặc trưng cho kinh tế tuyến tính cũng hiện diện rõ nhất ở TP.HCM. Đó là hiện tượng rác thải gây ô nhiễm môi trường, là sự lãng phí trong sản xuất, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh và nguồn tài nguyên dần cạn kiệt. Đây là hệ quả tất yếu của kinh tế tuyến tính.

Cách khắc phục triệt để nhất những bất cập nêu trên là chuyển sang phát triển kinh tế tuần hoàn (circular economy). Ở đây, năng lực sáng tạo đóng vai trò quyết định vì cần phải tạo ra những mô hình hoạt động mới theo nguyên lý tuần hoàn. Ví dụ, TP.HCM có nhiều cơ sở nuôi bò sữa, chỉ tính riêng huyện Củ Chi đã có 65.000 con được nuôi theo phương pháp truyền thống, người nuôi chú trọng vào lượng sữa vắt được để bán là chính, không quan tâm lắm đến những khía cạnh khác. Vì thế mà thu nhập thấp và môi trường bị ô nhiễm. Chuyển sang kinh tế tuần hoàn, không thứ gì bị bỏ đi cả. Thức ăn thừa và chất thải của bò được biến thành giá thể nuôi trùng (giun) hay sản xuất biogas, phân trùng bón cho ruộng trồng bắp hay cỏ làm thức ăn nuôi bò, thịt trùng chế biến làm thức ăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản hay cao hơn, là cả mỹ phẩm.

Như vậy, áp dụng chu trình mô hình sản xuất – tiêu dùng – tái chế, người sản xuất có được nguồn thu từ nhiều sản phẩm khác nhau: sữa bò, phân bón hữu cơ, thức ăn cho bò, năng lượng tái tạo,… môi trường được bảo vệ, thu nhập được nâng cao thấy rõ. TP.HCM là một trung tâm công nghệ lớn, có lực lượng nghiên cứu – đào tạo hùng hậu chắc chắn đáp ứng được nhu cầu sáng tạo những mô hình hoạt động mới này.

TP.HCM và chuyển đổi số

Chuyển đổi số là một tất yếu khách quan, trên thực tế đã và đang diễn ra. Có thể nhận ra sự chuyển đổi này một cách rõ ràng ngay trong những ngày chống dịch COVID-19. Đó là sự thay đổi về cách người ta sống, làm việc và cả phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số (GS Hồ Tú Bảo). Phải giãn cách nên học sinh, sinh viên học trực tuyến (online), bác sỹ khám bệnh từ xa, chính quyền gửi thông báo đến từng người dân qua SMS, cung cấp dịch vụ công đến tận nhà, xác định khả năng tiếp xúc gần bằng bluetooth,…

Bản chất của chuyển đổi số là dựa vào dữ liệu số và các công nghệ số, người ta sáng tạo ra các mô hình hoạt động mới hiệu quả hơn và từng bước chuyển đổi từ phương thức làm việc cũ sang phương thức mới này. Như thế, chuyển đổi số vừa là chuẩn mực định hướng vừa là phương tiện để TP.HCM giải cả ba bài toán lớn nêu trên vì cả ba bài toán đó đều hướng đến sự sáng tạo ra cách làm mới, đến sự thay đổi và hoàn thiện. Với công nghệ số, sự hoàn thiện có khả năng đạt tới cảnh giới cao nhất vì được thụ hưởng những ưu việt của kỷ nguyên số. Với tiềm năng thực sự hùng mạnh của mình về công nghệ số, cả về lực lượng chuyên nghiệp và hạ tầng kỹ thuật, chắc chắn TP.HCM sẽ thực hiện thành công quá trình chuyển đổi quan trọng này.

Thay lời kết

Bốn bài toán lớn nêu trên của TP.HCM vừa là những thách thức vừa là những cơ hội. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những tiềm năng và lợi thế sẵn có của TP.HCM có điều kiện phát huy cao nhất với truyền thống năng động, sáng tạo, luôn đi trước của thành phố trong nhiều năm qua.

Nhóm chuyên gia - Viện Kinh tế Xanh Bài viết trích từ Báo cáo đặc biệt về Kinh tế Tuần hoàn do Viện Kinh tế xanh thực hiện

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tphcm-va-nhung-bai-toan-lon-a1819.html