Cuộc cách mạng kế tiếp

Trả mặt bằng hoặc đối diện áp lực giá thuê là hai lựa chọn của các nhà bán lẻ Hồng Kông trong nỗ lực khắc phục tình trạng sụt giảm du khách lục địa.

Khu vực bán lẻ đầy biến động của Hồng Kông báo cáo 13 tháng suy thoái liên tục. Doanh thu bán lẻ kết hợp của tháng Một và tháng Hai giảm 31,8% so với cùng kỳ năm trước, do sụt giảm một lượng lớn du khách lục địa, cộng với nhiều tháng bất ổn chính trị và đại dịch COVID-19 xảy ra ngay trước dịp Tết cổ truyền.

Lượng khách du lịch đến Hồng Kông liên tục tăng nhanh từ năm 2003. Nhưng trong tháng Hai, lượng khách trung bình mỗi ngày sụt xuống chỉ còn khoảng 3.000 người sau khi đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại. Trong khi đó, năm 2018, 40 triệu khách lục địa chọn Hồng Kông là điểm đến số một để mua hàng xa xỉ.

Mặc dù doanh thu bán lẻ giảm sâu, giá thuê mặt bằng không hề giảm tương ứng. Nhiều chủ cho thuê tại trung tâm thương mại có giảm giá tạm thời, nhưng điều họ cần làm là điều chỉnh lại giá thuê dài hạn mới có thể phù hợp “mức doanh thu mới”. Hầu hết các nhà bán lẻ hàng xa xỉ ước tính mức doanh thu tối đa chỉ vào khoảng 50-60% so với đỉnh cao năm 2014.

Sự lưỡng lự điều chỉnh đáng kể giá thuê mặt bằng của chủ các trung tâm mua sắm sẽ là thách thức lớn đối với các nhà bán lẻ ở trung tâm thương mại. Khó có thể giảm giá nhiều cho đến khi tình hình chung trở nên rõ ràng hơn, và cho đến lúc đó, các nhà bán lẻ sẽ phải “cắn răng chịu đựng” hoặc rời đi. Nhiều nhà bán lẻ chọn cách thứ hai và do vậy, nhiều trung tâm sẽ trống nhiều mặt bằng.

Qua nhiều năm, chi tiêu của du khách Trung Quốc đã củng cố vị trí của Hồng Kông là trung tâm bán hàng xa xỉ quan trọng nhất Châu Á, với mệnh danh “Đại Trung tâm Mua sắm của Trung Quốc”. Du khách lục địa chiếm 40% nhu cầu hàng xa xỉ và chú trọng vào hàng “xa xỉ cứng” (đồng hồ và trang sức) hơn hàng “xa xỉ mềm” (túi xách và phụ kiện). Nhờ vào du khách lục địa, Hồng Kông đóng góp khoảng 5-8% doanh thu hàng xa xỉ toàn thế giới.

Kể từ tháng Hai năm 2019, doanh thu bán lẻ của Hồng Kông chứng kiến tăng trưởng âm trong bối cảnh đồng nhân dân tệ suy yếu, kinh tế Trung Quốc suy thoái và diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Người tiêu dùng lục địa chuyển sang mua hàng xa xỉ tại trong nước, nơi thuế tiêu thụ giảm, làm giảm nhu cầu ra nước ngoài mua sắm. Các nhà bán lẻ hiện tập trung hơn vào các thành phố hàng đầu Trung Quốc với doanh số bán lẻ cao nhất như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Trùng Khánh và Thành Đô.

Vẫn còn hy vọng

Hồng Kông vẫn là một trong những thành phố giàu có nhất trong khu vực kinh tế “Greater China” (bao gồm Trung Quốc lục địa, Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao) với vô vàn hấp dẫn đối với khách du lịch. Sắp tới sẽ có sáu công trình lớn mới để cải thiện giao thông bao gồm đường băng thứ ba của sân bay Hồng Kông, ước tính có thể tiếp đón hơn 30 triệu lượt khách mỗi năm.

Đối với chủ cho thuê mặt bằng, đây là cơ hội để họ suy nghĩ lại và làm mới kinh doanh truyền thống. Các cửa hàng đóng cửa có thể biến thành các điểm bán nhanh hoặc cho thuê tạm thời. Diện tích cửa hàng sẽ thu nhỏ để duy trì cân bằng doanh thu – chi phí và trung tâm thương mại sẽ có nhiều cửa hàng ăn uống (F&B) hơn để giúp các nhà bán lẻ xung quanh thu hút nhiều khách đến ghé thăm.

Đối với các nhà bán lẻ mới ở Hồng Kông, đây là thời điểm tốt để kiểm tra thị trường, và hiện diện ở mặt bằng trong trung tâm mua sắm hoặc trên phố mà trước đây họ không thể cáng đáng chi phí. Tình hình bán lẻ khó khăn năm nay chứng tỏ tầm quan trọng của việc thích ứng đối với các khuynh hướng tiêu dùng và thói quen chi tiền đang thay đổi. Và với một số nhà bán lẻ và chủ cho thuê, trọng tâm sẽ là quay trở về với thị trường địa phương, phục vụ người tiêu dùng Hồng Kông.

Theo Inside Retail Asia

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cuoc-cach-mang-ke-tiep-a1767.html