Các mặt hàng chính trong thương mại Trung Quốc – Mỹ

Trung Quốc xuất sang Mỹ chủ yếu là thiết bị, máy tính, linh kiện và nhập về nguồn cung đầu vào cho sản xuất từ Mỹ - một trong ba đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.

Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc được xây dựng trên hàng loạt sản phẩm xuất khẩu – với phần lớn hàng hóa Trung Quốc được bán cho Mỹ.

Các sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc sang Mỹ bao gồm thiết bị viễn thông (231 tỉ USD), máy tính (146 tỉ USD), linh kiện máy văn phòng (90,8 tỉ USD), vi mạch tích hợp (80,1 tỉ USD) và điện thoại (62 tỉ USD), theo dữ liệu năm 2017 của OEC, một công cụ theo dõi thương mại từ Viện Công nghệ Massachusetts.

Các sản phẩm nhập khẩu chính từ Mỹ là vi mạch tích hợp (207 tỉ USD), dầu thô (144 tỉ USD), quặng sắt (59 tỉ USD), ô tô (46,8 tỉ USD) và vàng (40,3 tỉ USD).

“Là nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới, thực ra Trung Quốc nhập khẩu cũng nhiều không kém”, theo giáo sư Arthur Dong tại Trường Kinh doanh McDonough thuộc Đại học Georgetown.

“Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vượt xa khả năng tự sản xuất năng lượng của họ… Trung Quốc rất phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài”, ông Dong cho biết. “Họ không có khả năng tự cung cấp thực phẩm, nên cũng phụ thuộc cao vào việc mua ngũ cốc và protein”.

Nền kinh tế Trung Quốc cất cánh sau khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, nhờ sự ủng hộ của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton.

“Thậm chí không cần nhìn vào số liệu thống kê, chúng ta cũng đều công nhận rằng ai cũng có món đồ gì đó sản xuất ở Trung Quốc”, giáo sư Arthur Dong cho biết. “iPhone, quần áo, giày dép, đồ trang trí nội thất – dường như mọi thứ đều đến từ Trung Quốc”.

Thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc. Nguồn: Tổng cục Thống kê Mỹ
Thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc. Nguồn: Tổng cục Thống kê Mỹ
Sự mất cân đối cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một phần thúc đẩy cuộc chiến tranh thương mại của chính quyền Tổng thống Trump.

“Sự thâm hụt thương mại gia tăng vì người Mỹ giàu có hơn người Trung Quốc”, theo nhà phân tích chính sách Riley Walters của Heritage Foundation, người tập trung nghiên cứu kinh tế và công nghệ châu Á. “Chúng ta có thể mua nhiều từ Trung Quốc hơn Trung Quốc mua từ chúng ta.”

Hồng Kông và Nhật Bản là hai đối tác thương mại lớn khác của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển nhờ xuất khẩu của Trung Quốc cũng có mặt hạn chế. Quốc gia này phải đầu tư nguồn vốn lớn để tiếp tục tăng trưởng khi xuất khẩu chậm lại trong thời kỳ suy thoái toàn cầu cuối những năm 2000.

“Trung Quốc đã chuyển hướng. Điều họ làm là tập trung đầu tư, một trong các yếu tố cấu thành nên GDP”, theo giáo sư Dong. Ông mô tả hành động đầu tư của Trung Quốc là “quá độ vào các hoạt động liên quan đến xây dựng”.

Chỉ từ năm 2011 đến 2013, Trung Quốc đổ bê tông nhiều hơn toàn bộ số bê tông Mỹ sử dụng trong thế kỷ XX. Quyết sách này có nghĩa rằng Trung Quốc cũng đang mang một khoản nợ khổng lồ, nhưng tính đến hiện tại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thành công trong việc lèo lái nền kinh tế nước này thoát khỏi sụp đổ, theo lời giáo sư Dong.

“Vẫn còn nhiều chi phối của nhà nước trong nền kinh tế và ngành công nghiệp nước này”, theo Walters. “Sau cùng, nếu các nhà chính trị ở Bắc Kinh hoặc chính quyền các tỉnh thành muốn tác động đến kinh tế địa phương hay kinh tế quốc gia, họ chắc chắn có đủ quyền lực để làm điều đó”.

Theo FOXBusiness

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cac-mat-hang-chinh-trong-thuong-mai-trung-quoc-my-a1725.html