Nông nghiệp Việt Nam - một bước dài sau 10 năm

Bức tranh nông nghiệp Việt Nam đã sáng hơn rất nhiều sau 10 năm thực hiện nghị quyết trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

90 là số lượng các gian hàng tham dự triển lãm nông nghiệp được tổ chức ngày 26.11.2018 tại Hà Nội. Các gian hàng trưng bày các đặc sản của địa phương, vùng miền, các sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Triển lãm diễn ra sống động với lượng khách tham quan tương đối đông đảo.

Nếu như tỉnh Hậu Giang mang đến các loại trái cây đặc sản như cam, bưởi, dứa,… thì gian hàng của tỉnh Lâm Đồng rực rỡ với các loại hoa đến từ vùng đất cao nguyên. Những thành tựu nông nghiệp Việt Nam được tái hiện tương đối đầy đủ tại triển lãm lần này.


Lavifood, doanh nghiệp chế biến nông sản với nhà máy có công suất 50 tấn/ngày tại tỉnh Long An cũng tham gia với các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Ông Võ Mai Anh Huy, giám đốc vận hành Lavifood cho biết công ty hiện đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho nhà máy Tanifood ở Tây Ninh với công suất gấp 10 lần nhà máy Long An. Sáu công nghệ chế biến rau củ quả hàng đầu thế giới sẽ được áp dụng tại nhà máy Tanifood trong những lô hàng đầu tiên vào cuối năm nay, trong đó có công nghệ chần trụng của Mỹ và công nghệ sản xuất trái cây tuơi HPP lần đầu tiên có mặt tại Viẹt Nam. Công nghệ tiên tiến trong chế biến rau củ quả giúp sản phẩm giữ được độ tươi ngon, bổ dưỡng thuần khiết nhất. Sản phẩm nước ép của Lavifood sử dụng công nghệ thanh trùng bằng áp suất, giữ nguyên hương vị của các loại rau củ quả nguyên liệu, với hàm lượng các loại vitamin cô đặc. "Không có một giọt nước hay chất bảo quản cũng như phụ gia nào khác trong sản phẩm nước ép của chúng tôi" - ông Huy khẳng định. Lavifood dự kiến sẽ đăng ký bản quyền công thức các loại nước ép hỗn hợp rau củ quả, bởi công nghệ có thể được mua và chuyển giao, nhưng công thức sản phẩm là thành quả nghiên cứu của riêng doanh nghiệp.


Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn chỉnh, hiện Lavifood đã thu hút 70 nông hộ tham gia, với quá trình lựa chọn tương đối khắt khe, ông Huy chia sẻ.


Thành tựu nông nghiệp không chỉ đến từ những sản phẩm chế biến, nguyên liệu, mà còn từ những tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt, chăn nuôi.


Với công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm tối đa nước và phân bón, người nông dân vùng đất khô cằn thuộc tỉnh Hà Tĩnh đang tính chuyện trồng thanh long xuất khẩu, một việc từ trước đến nay người ta cho là bất khả.


Năm 2017, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản Việt Nam đạt 36,5 tỉ đô la Mỹ, bằng 2,2 lần năm 2008. Cũng trong giai đoạn này, thu nhập bình quân đầu người/năm ở khu vực nông tôn đã tăng 3,49 lần, từ mức 9,15 triệu đồng lên 32 triệu đồng, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹ từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Tính đến tháng 7/2018, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Các doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu xem nông nghiệp là một ngành tiềm năng cho tương lai, và đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho lĩnh vực mới mẻ này. Có thể kể đến các tên tuổi như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Thaco, FLC, Pan Group…


Bức tranh nông nghiệp Việt Nam đã sáng hơn rất nhiều sau 10 năm thực hiện nghị quyết trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Tuy nhiên, cũng tại triển lãm, có thể thấy thị trường tiêu thụ cho các loại nông sản đang là vấn đề của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp địa phương.


Rất nhiều sản phẩm như muối ngâm chân, snack da cá, hương trầm, hạt điều…. hầu như chỉ được bán tại các địa phương và các tỉnh phụ cận. “Chúng tôi đang tìm cách đưa sản phẩm vào các siêu thị” là câu trả lời của hầu hết các doanh nghiệp khi được hỏi về tương lai của sản phẩm. Ngay cả việc xây dựng một website giới thiệu sản phẩm, với nhiều doanh nghiệp cũng đang là việc làm “xa xỉ”.


Thống kê của ban tổ chức triển lãm cho biết năm 2017, cả nước có 11.688 hợp tác xã nông nghiệp, 1.154 hợp tác xã phi nông nghiệp, 1.183 quỹ tín dụng nhân dân với 4,4 triệu thành viên, 1,58 triệu lao đông, có tổng tài sản trên 51 nghìn tỉ đồng. Tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả tăng từ mức 10% năm 2012 lên 33% năm 2017. Các hình thức liên kết đang trở nên ngày càng đa dạng.


Ông Hiroshi Matsuura - bí thư thứ nhất đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhận định, việc liên kết giữa các hộ dân/hộ kinh doanh cá thể giúp các đối tượng này có đủ nguồn lực để đầu tư máy móc thiết bị, kho lưu trữ - qua đó được hưởng phần lợi nhuận này, thay vì rơi vào tay các trung gian khác. Ông Matsuura cho biết, ở Nhật Bản, nhờ công nghệ trữ lạnh tiên tiến, người dân nước này có táo ăn quanh năm, trong khi mùa thu hoạch tao chỉ vào ba tháng từ tháng 9 đến tháng 11. “Nếu quả vải của Việt Nam cũng giữ trái mùa được như vậy, giá bán sẽ rất cao” - ông Matsuura khuyến nghị.

 


thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nong-nghiep-viet-nam-mot-buoc-dai-sau-10-nam-a17.html