Tăng tốc tín dụng – Sức bật từ nội lực
Điểm sáng chung nổi bật trong báo cáo của các ngân hàng là đà tăng trưởng tín dụng ấn tượng, phản ánh nhu cầu vay vốn phục hồi mạnh mẽ cùng sự linh hoạt trong chính sách điều hành.
Tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng tài sản đạt gần 315.000 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt gần 193.000 tỷ đồng, tăng gần 15%, trong khi nguồn vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt gần 211.000 tỷ đồng, tăng hơn 22%. Chất lượng tín dụng cũng được cải thiện rõ nét khi tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm mạnh từ 1,47% về 0,62%; tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức kiểm soát – 2,63%.
Không riêng Nam A Bank, các ngân hàng quốc doanh lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank đều công bố bức tranh lợi nhuận sáng sủa cùng đà tăng tín dụng vững vàng.
Tại Hội nghị sơ kết ngày 7/7, ông Phạm Toàn Vượng – Tổng Giám đốc Agribank – cho biết, hoạt động kinh doanh của ngân hàng đạt mức cao nhất trong 4 năm qua, kể từ khi triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021–2025. Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,4%, trong đó tiền gửi dân cư vẫn giữ vai trò then chốt. Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6%, riêng tín dụng nông nghiệp – nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng – tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực của Agribank trong tam nông.
Vietcombank, với vai trò ngân hàng dẫn đầu về quy mô và hiệu quả, cũng ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch HĐQT, tổng tài sản ngân hàng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng hơn 5%. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu được duy trì dưới 1% – mức thấp nhất trong hệ thống. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu lên tới 219% – cao kỷ lục toàn ngành, cho thấy khả năng "đề kháng" tài chính vượt trội.
Với VietinBank, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung – Tổng Giám đốc – cho biết dư nợ tín dụng tăng khoảng 10% so với cuối năm 2024; huy động vốn tăng trên 9%, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang dần cải thiện.
Khối tư nhân đẩy mạnh bứt phá
Không nằm ngoài làn sóng tăng trưởng, các ngân hàng cổ phần tư nhân cũng ghi dấu ấn đậm nét.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi nhận tăng trưởng tín dụng 12,5% chỉ trong 6 tháng, tập trung vào nhóm ngành ưu tiên như sản xuất – kinh doanh, y tế, giáo dục. MB đồng thời chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,27%, với mức trích lập dự phòng đầy đủ.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) gây bất ngờ khi công bố mức tăng trưởng tín dụng gần 19% – cao nhất nhóm. Ngân hàng này đẩy mạnh cho vay vào nhóm khách hàng SME, lĩnh vực công nghệ, xuất khẩu và đầu tư hạ tầng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức rất thấp – chỉ 1,18%.
Theo báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), lợi nhuận sau thuế quý II/2025 của các ngân hàng niêm yết dự kiến tăng bình quân 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự phục hồi tín dụng, biên lãi ròng (NIM) ổn định và áp lực chi phí dự phòng có xu hướng giảm.
Đáng chú ý, MBS dự báo một loạt ngân hàng có thể tăng trưởng lợi nhuận trên 20%, trong đó VPBank tăng 39%, VietinBank 33%, Eximbank 34%, HDBank 26% và OCB tăng 20%. Tuy nhiên, đơn vị phân tích này cũng đưa ra cảnh báo rằng chất lượng tài sản cần tiếp tục theo dõi, do nợ xấu và nợ nhóm 2 vẫn có xu hướng cao tại một số nhà băng, buộc hệ thống phải tăng chi phí dự phòng khoảng 10%.
MBS đánh giá, hai chính sách lớn sắp được ban hành có thể tạo cú hích mạnh mẽ cho ngành ngân hàng.
Đầu tiên, Nghị định 69/2025/NĐ-CP dự kiến nâng room sở hữu nước ngoài lên 49% đối với các ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc như VPBank, MBB, HDBank… Đây là cơ hội thu hút dòng vốn ngoại, đặc biệt trong bối cảnh ngân hàng cần nâng cao năng lực tài chính dài hạn.
Thứ hai, Luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, nếu được thông qua, sẽ tạo khung pháp lý bền vững, tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác xử lý tài sản đảm bảo và thu hồi nợ.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2025 cho thấy ngành ngân hàng đang trong chu kỳ tăng trưởng ổn định và bền vững hơn. Tín dụng khởi sắc, lợi nhuận cải thiện, chất lượng tài sản kiểm soát chặt – tất cả đang tạo nền tảng vững chắc để các ngân hàng bứt phá mạnh mẽ trong nửa cuối năm.
Đức Linh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ngan-hang-but-toc-nua-dau-nam-2025-tin-dung-khoi-sac-loi-nhuan-tang-vot-a16794.html