Ngày 15/7 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao cho Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 – 2030, định hướng đến năm 2045”. Chương trình hướng tới mục tiêu định hình một mô hình tăng trưởng mới phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, có khả năng thích ứng linh hoạt với những biến động của môi trường quốc tế, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc phát triển nhanh, bền vững và bao trùm.
Đây không chỉ là không gian đối thoại chính sách cấp cao, mà còn là nền tảng cho tư duy phát triển đổi mới, góp phần tạo dựng động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không trì trệ nhưng cũng không bứt phá, không còn đói nghèo nhưng chưa giàu mạnh. Đây là dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình, tình trạng chung của hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới chưa thể vượt qua.
Từ bài học quốc tế, theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong số 134 quốc gia thu nhập trung bình vào năm 1990, chỉ có 34 nước bước vào nhóm thu nhập cao tính đến năm 2023. Trong số đó, gần 1/3 được hưởng lợi từ tài nguyên (dầu mỏ) hoặc hội nhập đặc biệt (vào EU).
Ví dụ, Hàn Quốc là bài học kinh điển cho chiến lược ba bước gồm đầu tư – hấp thụ - đổi mới sáng tạo. Ngược lại, Brazil đã không thực sự thành công khi đốt cháy giai đoạn, cố gắng đổi mới sáng tạo khi chưa đủ nền tảng hấp thụ công nghệ. Điều này cho thấy Việt Nam phải đi bằng một chiến lược tuần tuy có thể rút ngắn, nhưng không nóng vội.
“Trong bối cảnh thế giới đầy biến động và nhiều rủi ro như hiện nay, mô hình tăng trưởng phải được thiết kế như một cấu trúc phức hợp đa chiều, bao gồm cả yếu tố xã hội, môi trường, thậm chí cả địa chính trị… cần tính toán đến những nhân tố đang tái định hình bối cảnh phát triển. Cụ thể là chuyển đổi số và kinh tế dữ liệu, robot và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra những chuỗi giá trị, kiểm soát dữ liệu, chuyển đổi xanh và cam kết mục tiêu phát triển bền vững, buộc các nền kinh tế phải chuyển mình nhanh chóng, nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi” – TS. Đặng Xuân Thanh cho biết.
Theo TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, kinh tế Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định từ năm 1986 đến nay. Tuy nhiên, trong suốt thời gian này, Việt Nam chưa từng đạt mức tăng trưởng 10%/năm. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào bên ngoài (nhập khẩu chủ yếu từ đầu vào sản xuất công nghiệp đến nông nghiệp) dẫn đến công nghiệp phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nước ngoài, nhất là Mỹ.
“Vì vậy, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể tiếp tục đi theo mô hình tăng trưởng cũ – vốn dựa nhiều vào lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn. Thay vào đó, cần một cuộc “đại phẫu” toàn diện nhằm thay đổi thể chế, nâng cao hiệu quả điều hành và chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên chất lượng, đổi mới sáng tạo và công nghệ cao…” - TS. Lê Xuân Sang nói.
Gợi mở mô hình tăng trưởng phù hợp cho Việt Nam, TS. Lê Xuân Sang khuyến nghị, trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh và tăng hiệu quả chuyển đầu tư từ lượng sang chất, nhất là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng và ban hành, chỉnh sửa hệ thống động lực mới để bổ sung cho những khuyết điểm, đồng thời triển khai các giải pháp khác để tăng chất lượng thể chế. Trong đó tập trung phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp liên quan khác, từng bước tiến dần vào ngưỡng thu nhập cao; tính đến những bất trắc mới, nhất là bất ổn vĩ mô.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng thống nhất cho rằng, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không thể chỉ thông qua một vài biện pháp rời rạc, mà cần một hệ sinh thái chính sách đồng bộ, lấy đổi mới sáng tạo và năng suất làm trung tâm. Mỗi nhóm chính sách đều phải tích hợp tư duy dài hạn, sự phối hợp liên ngành – liên vùng và gắn chặt với bối cảnh quốc tế đang biến đổi nhanh chóng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn là nền tảng cho công bằng xã hội, an ninh quốc gia và sự thịnh vượng của các thế hệ tương lai.
Hạ Anh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/xac-lap-mo-hinh-tang-truong-moi-dua-viet-nam-but-pha-trong-giai-doan-toi-a16790.html