Những người đến và rời đi, đó là câu chuyện tất yếu hầu hết mọi doanh nghiệp, không phải lỗi của họ. Kỳ thực, nhân sự rời đi không phải do lỗi của doanh nghiệp. Phần lớn, họ ra đi vì sếp bảo thủ, cố chấp và không có tinh thần cầu thị với phong cách quản trị độc đoán, độc tài.
Phong cách quản trị bằng mệnh lệnh: Lỗi thời và lạc hậu
Trên thực tế, phong cách quản trị độc đoán (quản trị bằng mệnh lệnh) không hoàn toàn sai. Nhưng, nó chỉ phù hợp với những doanh nghiệp sản xuất, thương mại có quy mô nhỏ và cực nhỏ trong phạm vi của một hộ kinh doanh cá thể hoặc phạm vi của gia đình không tuyển dụng nhiều lao động được từ bên ngoài. Mỗi thành viên trong gia đình có tính gắn kết cao đối với doanh nghiệp của người thân. Họ làm việc theo mệnh lệnh của chủ doanh nghiệp đồng thời cũng là người thân cùng huyết thống, không cần chuyên môn nghiệp vụ, không cần quy trình/quy chế hay mô tả công việc chi tiết.
Có thể, từ ngày thành lập doanh nghiệp các doanh chủ quen dần với phong cách lãnh đạo độc đoán, lâu ngày từ thói quen chuyển hóa thành… tính cách hay phong cách. Nhưng, khi doanh nghiệp phát triển thị trường rộng lớn hơn và quy mô hơn bắt buộc phải tuyển dụng nhân sự từ bên ngoài gia tộc. Phong cách quản trị bằng mệnh lệnh, thiếu dân chủ tại doanh nghiệp lúc này đã không còn phát huy tác dụng.
Thay đổi tính cách chưa bao giờ là dễ dàng
Người xưa có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” không phải là không có cơ sở. Đặc biệt, đối với doanh chủ đã lớn tuổi thuộc thế hệ cha, ông (5x,6x) rất khó thuyết phục họ thay đổi tư duy quản trị và phong cách quản trị đã gắn liền với tên tuổi của họ trong suốt hàng chục năm qua. Và, thực tế là doanh nghiệp vẫn tồn tại cho đến tận hôm nay, mặc dù nhân tài không còn ai ở lại cống hiến…
Với phong cách quản trị độc đoán, cảm tính và phản khoa học đã khiến cho không ít nhân tài đến rồi đi rất… chóng vánh, vội vàng. Không có nhân tài, doanh nghiệp vẫn tồn tại bởi rằng “không mợ, chợ vẫn đông” – Một lối tư duy thiển cận. Sự tồn tại của doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ thiếu bền vững, kể cả khi doanh chủ lắm của, nhiều tiền. Nên nhớ rằng, doanh nghiệp là một tập thể gắn kết, “cùng làm – cùng phát triển”, không phải là nơi chỉ để tôn vinh một cá nhân riêng biệt nào đó.
Chúng tôi đã đến và “ở lại” vì... quý mến và cảm phục sếp!
Hầu hết, nguyên nhân chủ yếu khiến cho nhân sự “dứt áo ra đi” đều xuất phát từ ông chủ yếu kém năng lực quản trị với phong cách điều hành doanh nghiệp thông qua mệnh lệnh. Như chúng ta đã biết, trong “Nghệ thuật lãnh đạo 5R” của John C Maxwell thì phong cách quản trị bằng mệnh lệnh (Right – Quyền lực) là phong cách quản trị bậc thấp nhất của một nhà quản trị giỏi. Cần nói thêm, phong cách quản trị bằng mệnh lệnh một cách độc đoán, độc tài là phong cách quản trị, thông dụng và phổ biến nhất tại Việt Nam.
Tôi từng biết, Tập đoàn Bất động sản C nổi tiếng nhất nhì miền Nam về quy mô nhân sự lẫn tiềm lực tài chính. Vào những năm 2016 trở về trước, nếu khoác trên người chiếc áo đồng phục của Tập đoàn đó là một vinh dự lớn và rất hãnh diện. Thế nhưng, những năm gần đây Tập đoàn bất động sản C liên tục vướn những “lùm xùm” liên quan đến kiện tụng đối với nhân viên cũ về chế độ phúc lợi, chậm trả lương, năng lực điều hành của ông chủ Tập đoàn rất tệ hại...
Ánh hào quang của Tập đoàn C vào những năm 2016 trở về trước đã dần “tắt hẳn” thế nhưng ông chủ Tập đoàn vẫn còn “ngủ quên” trên những thành công trong quá khứ. Nhìn những nhân sự quản lý cấp cao của Tập đoàn “đến rồi đi” liên tục, đơn vị được tính “bằng ngày, bằng tuần” thì thật khó để triển khai những chiến lược kinh doanh thành công, khó phát triển bền vững được. Tiếc thay, ông chủ này lại đổ lỗi hoàn toàn do nhân sự cũ mà không “một giây” suy ngẫm lại phong cách quản trị của mình đang rất… có vấn đề.
Cần nói thêm rằng, chúng ta đang sống trong thời đại VUCA – vốn dĩ bất định và đầy biến động. Vậy nên, việc các doanh chủ thay đổi tư duy quản trị phù hợp hơn với thời cuộc và xu hướng hiện tại là điều cần thiết, nên làm. Đừng để tư duy quản trị cũ kỹ “bào mòn” niềm tin của nhân tài đối với sếp. Họ đã đến vì tin tưởng sếp và họ cũng sẵn sàng “dứt áo ra đi” nếu như tượng đài của họ không như họ mong đợi. Không thể phủ nhận tài năng và nhiệt huyết của GenZ – Lực lượng lao động chủ yếu hiện nay. Họ hoàn toàn không thể chấp nhận một lãnh đạo với phong cách điều hành độc đoán, độc tài chỉ biết ra mệnh lệnh.
Nếu như, doanh chủ vẫn giữ phong cách điều hành bằng mệnh lệnh tất yếu sẽ không còn nhân tài nào ở lại cống hiến vì môi trường làm việc quá ngột ngạt, ức chế. Thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ “rơi tự do” và dần biến mất khỏi thị trường lao động chỉ vì ông chủ tự tin thái quá trước năng lực quản trị độc đoán của mình và kiêu ngạo với những thành công trong quá khứ…
Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thay-doi-phong-cach-quan-tri-de-chung-ta-gan-nhau-hon-a16783.html