Theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, từ ngày 1/6/2025, các hộ kinh doanh nộp thuế khoán với doanh thu từ 1 tỷ đồng mỗi năm trở lên bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Ước tính, hiện có khoảng 37.000 hộ kinh doanh thuộc diện áp dụng quy định này.
Ngay sau khi nghị định có hiệu lực, nhiều hộ kinh doanh đã bộc lộ tâm lý lo ngại và lúng túng. Phản ánh từ báo chí cho thấy không ít hộ rơi vào tình cảnh khó khăn khi phải đầu tư trang thiết bị, học cách sử dụng công nghệ mới, làm quen với phần mềm, quy trình điện tử.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, VCCI thời gian qua đã tiến hành một khảo sát các hộ kinh doanh trên quy mô toàn quốc để đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 70 của hộ kinh doanh, qua đó đưa ra các kiến nghị để đảm bảo chính sách thực hiện hiệu quả.
Qua khảo sát gần 1.400 hộ kinh doanh, bức tranh hiện lên là một thực tế đan xen giữa kỳ vọng và không ít khó khăn, vướng mắc. Có tới 94% hộ kinh doanh cho biết đã biết đến Nghị định 70, đây là một tín hiệu tích cực cho thấy chính sách đã bước đầu lan tỏa.
Tuy nhiên, chỉ 11% hộ kinh doanh thực sự hiểu rõ nghĩa vụ của mình, trong khi 51% chưa từng được liên hệ hay hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế. Việc tương tác trực tiếp với chính quyền địa phương còn hạn chế, khiến nhiều hộ lúng túng trong triển khai. Đặc biệt, phần lớn hộ kinh doanh vẫn lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu, thay đổi thói quen vận hành, cũng như những áp lực từ công nghệ và thủ tục mới.
Ông Tuấn nhấn mạnh, đây là lực lượng kinh tế quan trọng, nhưng đồng thời cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi chính sách thay đổi đột ngột. Nếu không có sự hỗ trợ thích đáng, những rào cản trong giai đoạn chuyển đổi có thể ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của nhiều hộ kinh doanh vốn đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tại địa phương. Nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho hộ kinh doanh ổn định phát triển cũng chính là một bước cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI, từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu kiến nghị một số giải pháp nhằm giúp hộ, cá nhân kinh doanh vượt qua rào cản, thích ứng hiệu quả với quy định sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối cơ quan thuế.
Trước hết, cần chủ động truyền thông toàn diện, dễ hiểu và đúng đối tượng, đặc biệt với nhóm hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ở khu vực nông thôn hoặc ngành nghề có tỷ lệ nhận biết thấp. Cơ quan thuế được đề xuất xây dựng các tài liệu hướng dẫn trực quan như sổ tay, infographic, quy trình minh họa… để hộ kinh doanh dễ nắm bắt và triển khai, đồng thời tăng cường đối thoại với các hội/hiệp hội để kịp thời nhận diện và tháo gỡ vướng mắc phát sinh.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn chuyển tiếp, đặc biệt là quy định không hồi tố truy thu nghĩa vụ thuế, xử phạt hoặc tịch thu với giai đoạn trước khi áp dụng hóa đơn điện tử.
Cùng với đó là bổ sung quy định phù hợp về kế toán, hóa đơn, chứng từ sát với thực tiễn hoạt động của hộ kinh doanh; nâng cao nhận thức về bảo mật thông tin và tạo dựng niềm tin vào hệ thống. Việc đồng hành kịp thời và thiết thực từ phía cơ quan quản lý sẽ là yếu tố then chốt giúp hộ kinh doanh ổn định hoạt động và phát triển trong môi trường kinh doanh số hóa.
Hạ Anh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/giup-ho-kinh-doanh-vuot-qua-rao-can-thich-ung-voi-quy-dinh-su-dung-hoa-don-dien-tu-tu-may-tinh-tien-a16754.html