Sau hơn ba thập kỷ công nghiệp hóa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế với ngành công nghiệp đóng góp khoảng 35% GDP và trở thành động lực chính tạo việc làm. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về môi trường và sử dụng tài nguyên.
Trong khi các lĩnh vực như năng lượng và giao thông xanh đã bắt đầu được đầu tư mạnh mẽ, thì công nghiệp xanh - vốn là trụ cột sản xuất quốc gia - vẫn chưa được đặt đúng vị trí trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và cam kết Net Zero đến năm 2050.
Các nghiên cứu cho thấy, khu công nghiệp xanh có thể giúp tăng năng suất lao động từ 15 – 25% nhờ áp dụng công nghệ cao, cải thiện môi trường làm việc và thu hút nhân sự chất lượng. Đồng thời, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt tiếp tục tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là khi các tập đoàn đa quốc gia như: Apple, Samsung, Nike… đều đặt ESG và Net Zero là tiêu chí bắt buộc khi lựa chọn đối tác.
Chia sẻ tại Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times tổ chức ngày 9/7, TS. Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019, trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (sau Philippines) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.
Trong thời kỳ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Bước vào giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kinh tế thế giới trải qua hàng loạt các cuộc khủng hoảng như: đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị, lạm phát tăng cao, tổng cầu thế giới giảm mạnh, đã tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam… Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, thách thức, song trong giai đoạn 2021 – 2024, công nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tích cực, đóng góp trên 31% vào GDP của đất nước và là điểm sáng trên thế giới.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng để lại những tác động tiêu cực đến môi trường – xã hội và sức khỏe con người. Hơn nữa, ngành công nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn phụ thuộc nặng nề vào khu vực doanh nghiệp FDI (chiếm 70%) giá trị xuất khẩu; giá trị gia tăng nội địa thấp (khoảng 30%) do công nghiệp hỗ trợ yếu và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Công nghiệp truyền thống như khai khoáng, luyện kim, và xi măng gây ô nhiễm nghiêm trọng, với năng lượng hóa thạch chiếm 75% tổng năng lượng tiêu thụ, làm gia tăng rủi ro từ biến đổi khí hậu.
“Chúng ta không thể phủ nhận vai trò then chốt, quan trọng của công nghiệp trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế” - TS. Chử Văn Lâm nói.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra nhiệm vụ xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045) theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện đang tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn, từ xung đột địa chính trị đến xu hướng bảo hộ thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và các rủi ro tài chính leo thang, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% và hướng tới 2 con số trong những năm tiếp theo, trong đó công nghiệp được xác định là động lực tăng trưởng chính.
“Tuy nhiên, trong bài toán tăng trưởng cao và phát triển bền vững, lời giải không ở sự đánh đổi, mà trong cách chúng ta nhìn nhận lại để thiết kế chiến lược công nghiệp một cách hài hòa nhất, vừa đảm bảo yêu cầu tăng trưởng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế và phù hợp với khả năng thực tiễn Việt Nam” - TS. Chử Văn Lâm khẳng định.
Tại Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025, nhiều doanh nghiệp như: Panasonic, CNCTech, VietCycle… đã chia sẻ mô hình khu công nghiệp thế hệ mới áp dụng số hóa, công nghệ tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng giúp giảm đáng kể chi phí và nâng cao sức cạnh tranh. Các mô hình này cho thấy việc đầu tư vào công nghiệp xanh không những bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.
Tuy nhiên, các diễn giả cũng cảnh báo về mâu thuẫn hiện hữu giữa yêu cầu tăng trưởng cao và tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất khẩu. Ông Trần Đức Ninh - Tổng Giám đốc KN Group cho rằng, không thể chờ đến khi bị áp thuế carbon hay bị từ chối hàng hóa mới bắt đầu chuyển đổi. Việt Nam cần hành động từ bây giờ, bắt đầu từ ngành công nghiệp.
Các chuyên gia khuyến nghị chiến lược phát triển công nghiệp cần hội tụ đủ 04 yếu tố: (1) định vị công nghiệp xanh là trọng tâm phát triển quốc gia; (2) xây dựng thể chế và tín dụng xanh đủ mạnh; (3) phát triển công nghiệp hỗ trợ có năng lực cạnh tranh; và (4) hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, Việt Nam cần thúc đẩy thị trường carbon nội địa, mở rộng nguồn vốn xanh, đa dạng hóa chương trình tín dụng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu và trường đại học.
Quỳnh Chi
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cong-nghiep-xanh-hai-hoa-muc-tieu-tang-truong-cao-va-phat-trien-ben-vung-a16737.html