Dự báo năm 2025, Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%

Nhằm cung cấp những luận cứ khoa học – thực tiễn cho công tác điều hành giá trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, ngày 9/7 tại Hà Nội, Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025”.

Không chỉ là hoạt động thường niên của Học viện Tài chính (Viện Kinh tế - Tài chính), Hội thảo lần này còn được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt: nền kinh tế Việt Nam đang chuyển từ “bình ổn” sang “bứt phá”, từ “kiểm soát” sang “kiến tạo động lực mới”. Việc dự báo đúng, hành động sớm và điều hành linh hoạt sẽ là chìa khóa để hóa giải những áp lực về giá, giữ vững niềm tin và duy trì đà tăng trưởng hợp lý.

dien-bien-thi-truong-gia-ca-pld-1752045814.jpg
Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính cho hay, các số liệu mới được Cục Thống kê, Bộ Tài chính, công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục quá trình phục hồi mạnh mẽ bắt đầu từ quý II/2024. Tăng trưởng GDP quý II/2025 đã đạt mức 7,96% so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm đạt 7,52%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Đáng chú ý, tăng trưởng GDP cao trong nửa đầu năm 2025 đạt được chủ yếu dựa vào các động lực như tiêu dùng (tăng 7,95%) và đầu tư (tăng 7,98%), thay vì dựa vào xuất khẩu như một năm về trước.

“Như vậy, có thể tin tưởng rằng các chính sách tài khóa mở rộng như miễn, giảm thuế, tăng đầu tư công hay các biện pháp tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất, tăng hạn mức tín dụng, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt đã thực sự là điểm tựa cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định” – PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng khẳng định.

Một điểm sáng khác là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng năm 2025 đã đạt mức hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng 538,1 nghìn người, còn thu nhập của người lao động cũng tăng 10,1% so với cùng giai đoạn của năm 2024.

Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân nói trên trong nửa đầu năm 2025 cho thấy các Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã ngay lập tức đi vào cuộc sống, củng cố, gia tăng niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào quyết tâm cải cách của Đảng, Nhà nước cũng như vào sự cải thiện của môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thông thoáng hơn, công bằng hơn.

pgsts-nguyen-dao-tung-pld-1752045814.jpg
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính.

Theo các chuyên gia, với việc các yếu tố tác động CPI tăng, giảm đan xen, có thể nhận định rằng áp lực lạm phát trong nửa cuối năm 2025 không lớn hơn nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2015 - 2024. Do vậy, tốc độ tăng CPI trong nửa cuối năm 2025 được dự báo cũng sẽ không lớn.

Dự báo diễn biến thị trường, giá cả trong 6 tháng cuối năm 2025, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng: “Bối cảnh kinh tế kém thuận lợi đối với xuất khẩu và tăng trưởng GDP sẽ giúp kiềm chế lạm phát tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2025. Năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%. Mặc dù lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, các áp lực từ tỷ giá và tăng trưởng tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp trong năm 2026”.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, mặc dù CPI nửa đầu năm được kiểm soát, song 6 tháng cuối năm vẫn đối mặt với nhiều áp lực lạm phát mới. Các áp lực từ tỷ giá và tăng trường tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp trong năm 2016.

Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đánh giá, nửa cuối năm 2025 còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây áp lực lên giá cả, đòi hỏi công tác điều hành giá cần linh hoạt, kịp thời và hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.

Hạ Anh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/du-bao-nam-2025-viet-nam-kiem-soat-thanh-cong-lam-phat-o-muc-duoi-4-a16736.html