Chốt phiên giao dịch ngày 5.3, cổ phiếu YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 giảm sàn phiên thứ hai liên tiếp, đóng cửa ở mức giá 212.000 đồng/cổ phiếu. Có nghĩa gần 1.000 tỉ đồng vốn hoá thị trường của Yeah1 đã bốc hơi chỉ trong hai ngày đầu tuần.
Chiều chủ nhật trước đó, Yeah1 công bố thông tin về việc chấm dứt Thoả thuận lưu trữ nội dung (Tiếng Anh: Content Hosting Services Agreement, gọi tắt là CHSA) sau ngày 31.3.2019 đối với ba công ty con (sở hữu trực tiếp và gián tiếp) trực thuộc Tập đoàn bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Mô hình kinh doanh mạng đa kênh YouTube (MCN - Multi-Channel Network) của Yeah1 đang được nhìn nhận lại sau sự cố hợp tác với YouTube.
CHSA là những thoả thuận liên quan đến hoạt động mạng đa kênh MCN mà Yeah1 được cấp phép từ 2015. Mạng đa kênh YouTube MCN có thể hiểu nôm na là đại lý của YouTube trong việc quản lý các nhà sản xuất nội dung trên YouTube. Nhiệm vụ của một MCN chủ yếu là tuyển dụng kênh tham gia và thanh lọc nội dung, đổi lại MCN sẽ nhận lại chiết khấu từ doanh thu quảng cáo cho các quảng cáo được nhúng vào các video trong MCN. Để thu hút các nhà sản xuất nội dung tham gia vào MCN, các MCN sẽ có các dịch vụ hỗ trợ như tăng lượt xem, dựng chương trình nội dung…
Mạng đa kênh MCN được phân thành hai loại:
- Kênh liên kết: các nhà sản xuất nội dung trên Youtube tham gia vào MCN, do MCN quản lý nhưng không thuộc sở hữu của MCN. Vai trò quản lý của MCN sẽ nhận về được 2,75 - 16,5% doanh thu quảng cáo (sau khi đã chi trả cho các nhà sản xuất nội dung) - còn lại 45% YouTube nhận trực tiếp từ các nhãn hàng, 39 - 52% dành dành cho nhà sản xuất nội dung. Những quảng cáo được tính doanh thu là quảng cáo thụ động mà khán giả buộc phải xem khi mở clip, do YouTube phân phối dựa vào nội dung và lượt xem.
- Kênh có sở hữu và điều hành (O&O): là những kênh do MCN sở hữu và điều hành. Đối với các kênh O&O này MCN sẽ nhận được 55% doanh thu quảng cáo, 45% dành cho YouTube. Sở hữu và điều hành giúp MCN nhận được toàn bộ số tiền của một nhà sản xuất nội dung mà ở loại hình kênh liên kết MCN mất đi.
Yeah1 có lợi thế là một trong những MCN đầu tiên tại Việt Nam, cùng với thương hiệu của các mảng kinh doanh khác như truyền hình, phim điện ảnh….khiến Yeah1 có sức thu hút đáng kể đối với người dùng. Yeah1 là một nền tảng tương đối an toàn để các nhà sản xuất lựa chọn đăng tải sản phẩm của mình với mục đích chia sẻ doanh thu quảng cáo.
Tuy nhiên, từ năm 2016, theo đánh giá của chuyên trang công nghệ Techcrunch, MCN là một “di tích của quá khứ” (a relic of the past) khi nội dung đang được đa dạng hoá trên nhiều kênh khác như Facebook, Snapchat, Twitter, Amazon… mà không chỉ dành riêng cho YouTube. MCN lạc hậu đến độ gần như người ta không muốn tự nhận mình với danh xưng đó nữa, một chuyên gia tư vấn độc lập nhận xét trên trang quora.com.
Có lẽ, chính vì lý do đó, cho dù được cho là MCN có số lượng lượt xem lớn nhất châu Á, các thông tin vinh danh thành tích này của Yeah1 Network trên các báo quốc tế gần như không có.
Chỉ tính riêng số lượng kênh của Yeah1 đã hơn 3.000 kênh (tính cả số lượng kênh của ScaleLab mà Yeah1 vừa thâu tóm). Youtube có đưa ra hạn mức về số lần vi phạm trong tháng cho các MCN, nếu vi phạm vượt hạn mức sẽ bị tuýt còi.
Trong trường hợp của tập đoàn Yeah1, công ty con SpringMe Pte. Ltd. đã vi phạm quản lý tuyển chọn ở kênh liên kết, do đó Yeah1 nếu không đạt được thoả thuận trong các phiên làm việc từ đây đến 31.3.2019 thì Yeah1 sẽ mất quyền quản lý các kênh liên kết này ở cả 3 công ty con SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC; các kênh O&O sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo chia sẻ từ Yeah1, doanh thu 2018 của Yeah1 được YouTube chi trả với vai trò MCN xấp xỉ 13,3 triệu USD, trong đó 11,95 triệu USD đến từ kênh liên kết và 1,35 triệu USD từ các kênh O&O (có thể hiểu là lượt view ở kênh liên kết đang gấp gần 9 lần lượt view ở các kênh O&O) . Tuy nhiên do biên lợi nhuận của hoạt động MCN kênh liên kết chỉ rơi vào khoảng 8%, dẫn đến lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 1 triệu USD, tương đương 13% LNST toàn Tập đoàn.
Ba công ty con của Yeah1 đang đứng trước nguy cơ mất quyền quản lý các kênh MCN được thành lập lần lượt tại Thái Lan, Singapore và Mỹ. Mức độ phủ sóng của Yeah1 hiện giờ không còn nằm ở phạm vi châu Á, mà nối dài đến thị trường Mỹ, Mỹ Latinh, châu Âu… Yeah1 cũng khẳng định vị thế là một trong những MCN lớn nhất thế giới thông qua việc M&A ScaleLab và kế hoạch thâu tóm các MCN khác tại một vài nước trong khu vực.
Trong khi chờ đợi quyết định chính thức từ YouTube, các kênh của Yeah1 vẫn sôi động nhộn nhịp nguời đăng, người xem. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, các nhà sản xuất nội dung đang thuộc sự quản lý của Yeah1 có thể chuyển sang MCN mới hoặc làm việc trực tiếp với Youtube. Nhưng rõ ràng Yeah1 sẽ bị ảnh hưởng không chỉ từ việc mất 13% LNST, mà với độ sụt giảm lượt người xem và đăng ký theo dõi đáng kể (giảm 90% lượt view), liệu rằng Yeah1 có bình yên khi doanh thu chủ yếu của toàn Tập đoàn đến từ hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số vẫn cốt lõi dựa trên lượt view và lượng subcribers, và các nguồn tiền khác có liên quan đến Youtube như các hợp đồng quảng cáo trực tiếp trên các video của Yeah1 và đối tác.
hanguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/yeah1-va-rui-ro-dac-thu-cua-kinh-doanh-phu-thuoc-a166.html