Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST

Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...

Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ về hai nội dung “Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo".

9917-1747729279-lhhvn-20-05-25-11-1747800201.jpeg
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo dưới sự chủ trì của Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng và Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, đặc biệt là đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 - một văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với thể chế chính trị và đời sống xã hội của đất nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng đã được xác định tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo đó, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Trung ương đã thống nhất chủ trương sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến và sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương.

Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này sẽ chỉnh sửa những điều, khoản liên quan đến các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định về chính quyền địa phương nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thông điểm nghẽn về thể chế giúp huy động mọi nguồn lực cho phát triển - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nói.

9917-1747729279-lhhvn-20-05-25-12-1747800144.jpeg
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo.

Nhất trí cao với các nội dung dự thảo Nghị quyết

Bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Ban Tư vấn, phản biện Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung 8 điều của Hiến pháp, trong đó, tập trung vào 2 nội dung chính: 1.Nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; 2.Nội dung Liên quan đến đơn vị hành chính.

Các nội dung dự kiến sửa đổi, gắn liền với việc tiếp tục triển khai việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, thống nhất về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.

Theo bà Bùi Kim Tuyến, Liên hiệp Hội Việt Nam hoàn toàn tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Do phạm vi sửa đổi không nhiều nên thời gian lấy ý kiến dự kiến một tháng là tương đối phù hợp. Cách thức triển khai lấy ý kiến bằng nhiều hình thức khác nhau và được phổ biến trong toàn dân.

Một trong những góp ý của bà Bùi Kim Tuyến là đề nghị ban soạn thảo cân nhắc khi bổ sung nội dung 5 tổ chức (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) là các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Khoản 2 Điều 9). Theo Từ điển tiếng Việt, “trực thuộc” nghĩa là “chịu sự lãnh đạo trực tiếp của một cấp nào đó”. Như vậy dường như chưa thực sự phù hợp với tính chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu” quy định tại Khoản 1 Điều 9Bà Tuyến gợi ý có thể thay từ “trực thuộc” bằng cụm từ “là thành viên nòng cốt”, như vậy, vừa đảm bảo được tính liên hiệp, vừa đảm bảo sự chỉ đạo trực tiếp của Mặt trân Tổ quốc đối với các tổ chức chính trị - xã hội.

9917-1747729280-lhhvn-20-05-25-14-1747800201.jpeg
Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Văn Tân phát biểu.

Đồng tình với ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định trong Hiến pháp là cần thiết để thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Văn Tân cho rằng, việc này cần thực hiện sớm nhằm tạo điều kiện để thực hiện và hoàn thành sớm Đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến kiến nghị, không nên ghi tên cụ thể các tổ chức chính trị - xã hội như tại Điều 9 của Hiến pháp, vì trong tương lai có thể có thêm tổ chức khác được nâng lên thành tổ chức chính trị - xã hội; hơn nữa hiện nay các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ủy ban của Quốc hội cũng không được ghi tên cụ thể trọng Hiến pháp.

Liên quan đến Khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung như sau: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”, ông Luyến cho rằng cần quy định cụ thể về các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là các đơn vị hành chính nào để tránh cách hiểu mơ hồ. 

Cần bổ sung điều khoản về tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập vào dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Theo Phó Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam Lê Thị Khánh Vân đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc khẩn trương xây dựng Hồ sơ dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Đến nay, chỉ trong thời gian 6 tháng đã đưa ra Dự thảo lần 6. Dự thảo Luật đã bám sát các chủ trương của Đảng, các cơ sở pháp lý hiện hành. Hy vọng khi Luật được ban hành sẽ tạo cú hích mạnh mẽ để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là động lực chính nhằm phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Một trong những góp ý của bà Khánh Vân là tại Điều 59 về Xây dựng hạ tầng thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Thiếu quy định trách nhiệm của các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ điều tra kinh tế xã hội. Bà Khánh Vân đề nghị bổ sung như sau: “Các tổ chức được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện điều tra kinh tế - xã hội có trách nhiệm công bố, chia sẻ, kịp thời đóng góp cơ sở dữ liệu thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lên hệ thống thông tin quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Ông Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế Liên hiệp Hội Việt Nam nhận xét, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã thể hiện nỗ lực đổi mới tư duy lập pháp, hướng đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế dựa trên tri thức, khoa học và công nghệ. Nhiều nội dung mới đã được bổ sung như khái niệm “hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia”, các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian, các định chế tài chính, tài sản trí tuệ… Tuy nhiên ông Lương cho rằng Dự thảo Luật vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi hoặc có thể tạo rào cản trong triển khai thực tiễn.

Theo ông Lê Công Lương viện dẫn, một trong số đó là việc dự thảo có 4 điều về Tổ chức khoa học và công nghệ nhưng không có điều nào quy định riêng về tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập. Do vậy ông đề xuất cần bổ sung điều khoản riêng về tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, có sự bình đẳng trong tiếp nhận nguồn đầu tư, tài trợ, đấu thầu nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa các tổ chức.

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là bước chuyển quan trọng về tư duy chính sách, nhưng để khả thi trong thực tế, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu ý kiến phản biện từ các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các nhà khoa học và các chủ thể ngoài công lập. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc triển khai Luật, đặc biệt là các nội dung về cơ chế tài chính, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ, công nhận tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, phát triển báo chí khoa học... ông Lê Công Lương mong muốn.

L.H

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhieu-y-kien-dong-gop-cho-du-thao-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-2013-va-du-thao-luat-khcn-and-dmst-a16329.html