Sự kiện thu hút hơn 200 đại biểu, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành, nhà khoa học, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và đại diện cộng đồng doanh nghiệp. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu rõ ràng: trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trước yêu cầu đó, tăng trưởng kinh tế hai con số không chỉ là một mục tiêu chiến lược mà còn là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có những tư duy đổi mới, hành động quyết liệt và giải pháp thực chất.
Tăng trưởng cao – Nhiệm vụ cấp thiết và khả thi
Theo số liệu công bố, trong năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 7,09%, vượt mức kỳ vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, nền kinh tế đang đối mặt với hàng loạt thách thức như: suy giảm tăng trưởng toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng và áp lực ngày càng lớn từ chuyển đổi số, tăng trưởng xanh.
Các chuyên gia tại Hội thảo thống nhất rằng, để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, Việt Nam cần chuyển dịch mô hình tăng trưởng, thoát khỏi sự phụ thuộc vào những động lực truyền thống và thay vào đó là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp tư nhân, nâng cao năng suất lao động, cải cách thể chế và nâng tầm nguồn nhân lực.
Những trụ cột chiến lược cho tăng trưởng đột phá
Hội thảo đã tập trung thảo luận sâu về sáu trụ cột trọng yếu, được coi là nền tảng để tạo ra các đột phá tăng trưởng trong giai đoạn mới bao gồm:
Cải cách thể chế: Xây dựng khung pháp lý tiên tiến, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, thành lập các khu thương mại tự do và khu đổi mới sáng tạo với thể chế vượt trội.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Cải cách căn bản giáo dục – đào tạo, xây dựng chế độ công vụ linh hoạt, ứng dụng công nghệ số và AI vào quản trị nguồn lực.
Khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo: Đồng bộ hóa chính sách quốc gia, xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2026 – 2045.
Thúc đẩy khu vực tư nhân: Xác định doanh nghiệp tư nhân là động lực trung tâm, cần môi trường pháp lý ổn định, tiếp cận tài chính thuận lợi và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn lực tài chính và ổn định vĩ mô: Huy động hiệu quả các nguồn vốn, tăng cường điều tiết tài khóa, cải thiện năng lực quản lý tài chính công.
Tái cơ cấu nền kinh tế: Khẳng định vai trò Nhà nước kiến tạo, thể chế dung hợp để dẫn dắt cải cách toàn diện và thúc đẩy tăng trưởng chất lượng.
Chia sẻ kinh nghiệm – Hướng tới hành động thực tiễn
Các diễn giả uy tín như TS. Vũ Thành Tự Anh, TS. Nguyễn Đình Cung, PGS.TS. Trần Đình Thiên, TS. Cấn Văn Lực, TS. Đậu Anh Tuấn… đã đưa ra nhiều phân tích sâu sắc và kiến nghị chính sách cụ thể. Tại phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu nhất trí rằng tăng trưởng cao không thể chỉ dựa vào mở rộng đầu tư hay khai thác tài nguyên, mà cần sự thay đổi tận gốc trong tư duy điều hành và mô hình phát triển.
Một số đề xuất đáng chú ý bao gồm: đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương; phát triển đô thị thông minh và hành lang kinh tế động lực; tăng cường vai trò của thị trường vốn và công nghệ tài chính; phát triển năng lượng tái tạo và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với các trường đại học, viện nghiên cứu.
Hướng tới tương lai – Đổi mới để dẫn đầu
Gần 30 bài tham luận chất lượng đã được tuyển chọn vào kỷ yếu Hội thảo, góp phần xây dựng nền tảng khoa học cho việc định hình mô hình tăng trưởng mới. Ban tổ chức cho biết, trên cơ sở nội dung các tham luận và thảo luận, báo cáo tổng hợp và kiến nghị chính sách sẽ được hoàn thiện và gửi đến Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Hội thảo không chỉ là một diễn đàn học thuật, mà còn là nơi hội tụ trí tuệ và tinh thần cải cách, thể hiện khát vọng của giới khoa học, quản lý và doanh nghiệp về một Việt Nam phát triển vượt trội trong kỷ nguyên mới. Tăng trưởng kinh tế hai con số sẽ không còn là mục tiêu viển vông nếu chúng ta biết lựa chọn đúng động lực, hành động quyết liệt và tận dụng tốt cơ hội.
Thanh Tùng
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tang-truong-kinh-te-hai-con-so-la-muc-tieu-dong-luc-cho-su-phat-trien-trong-ky-nguyen-vuon-minh-a16242.html