Trong lịch sử giữ nước của quân và nhân dân ta, có những ngôi làng, cây cầu, con sông… đã trở thành huyền thoại, hóa thân thành chứng tích lịch sử quan trọng, gắn bó trong tâm thức bao người. Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải gắn một nỗi niềm chia cắt đất nước, oằn mình chịu cảnh chia cắt quê hương, một con sông bị xẻ làm đôi 2 bờ giới tuyến đó là sông Bến Hải.
Hơn 20 năm ròng rã, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Hiền Lương là cây cầu nối liền quốc lộ AH1(tuyến đường xuyên Á), bắc qua sông Bến Hải thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, quân, dân giới tuyến vẫn quyết tâm bảo vệ lá cờ của Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh kỳ đài chính là biểu tượng của niềm tin, ý chí và sức mạnh không bao giờ gục ngã của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu đầy kiên cường, cam go. Nơi đây, đã trở thành tuyến đầu của miền Bắc, cùng nhân dân cả nước bước vào công cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chi viện cho miền Nam đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, hàng ngàn người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống, các anh nằm lại nơi đồng đất quê hương, hóa thân thành "trầm tích linh thiêng gắn bện vào lịch sử" và "ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng".
Sự kiện lịch sử đó đã viết lên một khúc tráng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và trở thành một di sản văn hóa tiêu biểu của đất nước. Thành cổ Quảng Trị không chỉ là tâm điệp về sự tàn khốc ác liệt của bom đạn, mà còn là sự tàn khốc ác liệt của từng số phận con người trong cuộc chiến. Sự hi sinh và cống hiến của những người con với lý tưởng cách mạng dã dựng lên một tượng đài về khát vọng độc lập và để lại cho thế hệ sau một triết lí sống cao đẹp, sự hiến dâng hơi thở cuối cùng vì sự vinh danh của tổ quốc.
Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử đó, thành cổ Quảng Trị đã được Đảng và nhà nước quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo trở thành một khu tưởng niệm để tri ân các anh hùng liệt sĩ, xây dựng thêm bảo tàng để lưu giữa những hiện vật, những bức ảnh của cuộc chiến này.
Trong chuyến hành trình về đất lửa, địa đạo Vịnh Mốc là địa danh được du khách trong và ngoài nước thường xuyên đến them... Địa đạo Vịnh Mốc cùng nằm ở huyện Vĩnh Linh. Đây là công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với khẩu hiệu “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực” quân dân Vĩnh Linh đã tiến hành đào hầm hào, với nhiều công năng: trụ sở, kho hậu cần, trường học, bệnh viện, khu vực sinh hoạt của từng gia đình…, được bố trí khắp các điểm dân cư, dọc đường đi, ven ruộng, bờ biển, được nối thông nhau bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt thay cho đường trên mặt đất. Toàn huyện Vĩnh Linh có khoảng 114 địa đạo với tổng chiều dài hơn 40km, hệ thống giao thông hào hơn 2.000km và hàng trăm tiểu đạo khác, trở thành những “làng hầm” – lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, thể hiện ý chí với phương châm: “Một tấc không đi, một li không rời. Mỗi làng, xã là một pháo đài”, bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương và giữ thông mạch máu ra tiền tuyến.
Để hướng tới những gì tốt đẹp nhất mà cha ông đã hy sinh, ngày nay trên đất lửa, màu xanh đã phủ kín trên những ngọn đồi và đưa vào khai thác du lịch, để du khách hiểu và tri ân. Ngoài du lịch tâm linh, thăm lại chiến trường xưa, Quảng Trị đang xây dựng chiến lược "du lịch biển đảo". Quảng Trị có biển Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ nằm trong chiến lược phát triển du lịch trong thời gian sắp tới. Trong đó, đảo Cồn Cỏ đang là điểm du lịch khám phá thu hút nhiều du khách khi tới Quảng Trị.
Đảo Cồn Cỏ là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là nơi gắn liền với những trận chiến ác liệt để bảo vệ đất nước, thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của quân, dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Đây là một huyện đảo có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển du lịch. Đảo Cồn Cỏ cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh khoảng 15 hải lý, có diện tích khoảng 4 km2, chu vi 8 km, độ cao từ 5-30m so với mặt nước biển với hình dạng hơi tròn. Có một vị trí đặc biệt quan trọng, đó là điểm phân chia Vịnh Bắc Bộ; Cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ. Đảo Cồn Cỏ có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp với rừng nguyên sinh, hải sản phong phú. Đảo Cồn Cỏ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thoát khỏi cuộc sống ồn ào, khói bụi của thành phố tìm về chốn yên tĩnh, thanh bình. Điều đặc biệt, Cồn Cỏ được hình thành từ nham thạch núi lửa. Chính vì vậy, bãi đá tại đây có màu đen tuyền rất đặc trưng.
Quảng Trị với định hướng phát triển du lịch tâm linh và thăm lại chiến trường xưa, nhắc nhở bao thế hệ luôn nhớ về công ơn những người đã ra đi cho tổ quốc. Tour du lịch trải nghiệm đêm ở Thành cổ Quảng Trị do Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Lữ hành Quảng Trị tổ chức. Đặc biệt, Tour du lịch trải nghiệm đêm Thành cổ Quảng Trị, thả đèn hoa đăng trên sông Thạch Hãn, sản phẩm du lịch luôn thu hút du khách.
Với những sản phẩm du lịch về đêm, tỉnh kỳ vọng sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm mới, tăng thời gian lưu trú của du khách tại Quảng Trị. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, mục tiêu đột phá ngành du lịch Quảng Trị đã ghi nhận sự khởi sắc ấn tượng trong năm 2024 với hơn 3 triệu lượt khách, bao gồm 168 nghìn lượt khách quốc tế, tăng gần 49% so với năm trước. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt xấp xỉ 2.400 tỷ đồng, tăng trưởng 31,8%.
Với những kì vọng về du lịch, khi tỉnh này có bước sát nhập cùng tỉnh Quảng Bình sẽ có cách làm hay để đưa ngành du lịch ngày càng phát triển vượt bậc, để “hoa nở” trên vùng đất lửa.
Đinh Loan
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ve-vung-dat-lua-quang-tri-a16237.html