Trong bối cảnh thị trường xây dựng chịu ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu tăng, dòng tiền đầu tư công phân bổ chưa đều và cạnh tranh ngày càng gay gắt, FECON vẫn ghi nhận những kết quả tài chính khả quan năm 2024. Doanh thu thuần hợp nhất năm 2024 đạt 3.375 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 30 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch năm, tăng trưởng trên 150% so với cùng kỳ, con số này cho thấy hiệu quả nhất định từ việc tinh gọn bộ máy, kiểm soát chi phí và cải thiện vận hành. Tổng tài sản hợp nhất tính đến cuối năm 2024 của FECON đạt 9.706 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023.
Năm 2024, FECON đã và đang tham gia nhiều dự án trọng điểm: tuyến Metro số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội), sân bay Long Thành, Cảng biển Quốc tế Lạch Huyện bến 5,6, Cảng Mỹ Thủy, Cảng Baria Serece, đường nối cao tốc Vũng Tàu, các dự án xây dựng trụ sở một số cơ quan thuộc Bộ Công An, cùng các khu công nghiệp và khu đô thị khác như Khu công nghiệp Đồng Văn 3, cụm công nghiệp Đoan Bái Danh Thắng, Khu đô thị Nam Thái, Khu đô thị Hà Khánh…
Đáng chú ý, trong lĩnh vực đường sắt đô thị – một trụ cột trong chiến lược hạ tầng của Chính phủ, FECON là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên vận hành thành công máy đào hầm TBM tại dự án Metro Line 3 Hà Nội – công nghệ thi công ngầm đô thị hiện đại hàng đầu thế giới. Đây là bước tiến mang tính đột phá, mở ra cơ hội lớn để FECON tham gia vào các dự án đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao trong tương lai gần.
Để chuẩn bị đón đầu những cơ hội lớn từ các dự án đường sắt và các dự án năng lượng trọng điểm Quốc gia, FECON cũng vừa ký kết hợp tác chiến lược với Power China – Tập đoàn hạ tầng nằm trong Top 200 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng năng lượng và hạ tầng đường sắt tại Trung Quốc. Sự hợp tác này không chỉ nâng cao năng lực thi công, mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận các dự án quy mô lớn, có yếu tố vốn và công nghệ quốc tế.
Song song với đó, việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) cũng mở ra dư địa lớn cho công tác thi công hạ tầng lĩnh vực năng lượng – một trong những trụ cột tăng trưởng được FECON xác định ưu tiên trong giai đoạn tới. Với nền tảng kỹ thuật vững chắc, trong giai đoạn 2020 – 2024, FECON cũng đã tham gia thi công nhiều dự án điện tái tạo quy mô lớn với vai trò tổng thầu C.BoP Điện gió B&T Quảng Bình, Trà Vinh V1-3, Thái Hoà và các dự án nhiệt điện quan trọng như Nhơn Trạch 3,4 tại Đồng Nai và Vũng Áng 2 tại Hà Tĩnh…
Bên cạnh vai trò nhà thầu xây dựng, FECON đang từng bước chuyển mình trở thành nhà phát triển hạ tầng và bất động sản công nghiệp – đô thị, với mục tiêu tích hợp giá trị giữa thi công và đầu tư để tăng biên lợi nhuận, đa dạng hóa nguồn thu, tạo lợi nhuận bền vững cho Tập đoàn.
Hiện tại, doanh nghiệp đang triển khai một loạt dự án quy mô lớn như Khu công nghiệp Hòa Yên tại Bắc Giang, có quy mô 256 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến 3.700 tỷ đồng. Dự án này đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là Cụm công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái (75 ha) và Khu đô thị Nam Thái (phần diện tích 24,68ha) có tên thương mại là Khu đô thị Quảng Trường - Square City tại Thái Nguyên – một địa phương đang thu hút mạnh dòng vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Các dự án này bắt đầu ghi nhận doanh thu từ năm 2025, mang lại dòng tiền ổn định cho FECON trong chiến lược kinh doanh.
Trên nền tảng đã được củng cố sau tái cấu trúc, FECON đặt mục tiêu năm 2025 đạt doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 200 tỷ đồng, tăng 6 lần so với kết quả năm trước.
Mục tiêu này được đánh giá là khả thi, nhờ vào lượng hợp đồng đã ký và chuyển tiếp từ năm 2024 và quý I/2025, đồng thời, các dự án bất động sản công nghiệp – đô thị bắt đầu thương mại hóa giúp tăng biên lợi nhuận; các dự án đầu tư công được Nhà nước đẩy mạnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm cho doanh nghiệp xây dựng như FECON thời gian tới.
Mai Phương