Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế carbon thấp đang là xu thế tất yếu toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, quá trình này cũng đang được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa có bước tiến rõ nét trong chiến lược "xanh hóa" hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngày 22/4 tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Diễn đàn “Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh” nhằm tạo không gian đối thoại chính sách, kết nối nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình chuyển đổi xanh.

chuyen-doi-xanh-pld-1745333024.jpg
Diễn đàn “Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh”.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Thanh Kim - Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21 và ngày càng tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Từ các hiện tượng thời tiết cực đoan cho đến khủng hoảng chuỗi cung ứng, mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực - tất cả đều đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng: chúng ta không thể tiếp tục con đường phát triển truyền thống vốn tiêu tốn nhiều tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Đã đến lúc phải thay đổi mô hình phát triển - chuyển mình mạnh mẽ sang một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp và có khả năng chống chịu cao hơn trước những cú sốc bên ngoài.

Theo ông Kim, chuyển đổi xanh không còn là khái niệm xa vời mà đã trở thành yêu cầu sống còn với cộng đồng doanh nghiệp trong kỷ nguyên phát triển bền vững. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến một số doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, mô hình kinh tế tuần hoàn và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Những doanh nghiệp này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn mở rộng thị trường, thu hút dòng vốn quốc tế và góp phần xây dựng thương hiệu Việt trên trường toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp - đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước - vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong hành trình chuyển đổi xanh. Khảo sát từ các hiệp hội và tổ chức phát triển cho thấy, doanh nghiệp rất quan tâm đến phát triển bền vững, nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức, chưa thể triển khai chiến lược xanh một cách bài bản. Những rào cản lớn nhất bao gồm: thiếu vốn đầu tư ban đầu, thiếu công nghệ phù hợp, thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu thông tin cập nhật và đặc biệt là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ. Việc chưa có các quy định rõ ràng về tiêu chí, phân loại hoạt động xanh, hay khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh về thị trường carbon, chứng chỉ xanh... cũng khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc lập kế hoạch và tiếp cận các dòng vốn bền vững.

ong-le-thanh-kim-pld-1745333024.jpg
Ông Lê Thanh Kim - Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân.

TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (CIEM) cho biết: “Nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về chuyển đổi xanh đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, giữa nhận thức và hành động vẫn còn một khoảng cách đáng kể. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn e ngại thay đổi mô hình kinh doanh vì thiếu nguồn lực và cơ chế hỗ trợ phù hợp”.

Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn đầu tư cho các sáng kiến xanh do chi phí ban đầu lớn và rủi ro cao. Bên cạnh đó, họ còn thiếu nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và thông tin đầy đủ về các chính sách ưu đãi liên quan đến chuyển đổi xanh.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp phải là vướng mắc về tài chính khi triển khai sáng kiến xanh. Với chi phí đầu tư ban đầu cao, cũng như khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính xanh khiến nhiều doanh nghiệp khó tính toán hiệu quả đầu tư, dẫn đến tâm lý e ngại khi phải quyết định thay đổi mô hình hiện tại, vốn đã ổn định theo lối truyền thống.

ts-tran-thi-hong-minh-pld-1745333025.jpg
TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (CIEM).

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, tài chính xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Việc huy động nguồn lực tài chính cho các dự án xanh, thân thiện với môi trường không chỉ giúp doanh nghiệp thích ứng với xu thế quốc tế, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế dài hạn.

Do đó, ông Hùng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, đồng thời áp dụng các nguyên tắc quản trị xanh, xây dựng sản phẩm có giá trị xã hội và môi trường. Quan trọng hơn, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp cần đổi mới tư duy quản trị, linh hoạt thích ứng với những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng xanh hóa.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, cần ban hành các tiêu chí cụ thể để xác định hoạt động xanh, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh, phát triển thị trường carbon, và xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Song song với đó, việc thúc đẩy hình thành các trung tâm công nghệ xanh, kết nối doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, tổ chức tài chính, và các đối tác quốc tế sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam rút ngắn khoảng cách và bứt phá trên hành trình xanh hóa.

Quỳnh Chi

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/khoi-thong-nguon-luc-cung-doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-a16113.html