Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam, trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 16,6 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 38%. Do đó, việc Mỹ áp thuế cao – tới 46% – lên hàng dệt may Việt Nam đang tạo áp lực lớn về chi phí và nguy cơ mất thị phần.
So với các quốc gia có ngành dệt may xuất khẩu lớn vào Mỹ, mức thuế này được cho là cao bất thường: Trung Quốc hiện bị áp thuế 34%, Ấn Độ 26%, Bangladesh 37% và Indonesia 32%. Trong khi đó, Việt Nam đã nâng thị phần xuất khẩu dệt may vào Mỹ từ 12,98% năm 2019 lên 15,07% vào năm 2024. Với mức thuế mới, đà tăng trưởng này có nguy cơ bị chững lại hoặc thụt lùi.
Đặc biệt, ngành dệt may trong nước vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Mức thuế cao từ Mỹ càng khiến bài toán chuỗi cung ứng trở nên khó giải hơn.
Trước tình hình trên, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam – đã đưa ra bốn nhóm giải pháp trọng tâm.
Đầu tiên, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Doanh nghiệp cần tích cực mở rộng thị trường ngoài Mỹ, đặc biệt là các thị trường đã ký FTA với Việt Nam như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada. Việc giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ không chỉ giảm rủi ro từ các chính sách bảo hộ thương mại mà còn giúp tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế quan từ các FTA.
Thứ hai, tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng: Hiệp hội khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với các nhãn hàng, nhà mua hàng và nhà cung cấp nguyên liệu nhằm chia sẻ khó khăn và duy trì mối quan hệ ổn định, lâu dài. Bên cạnh đó, cần đàm phán lại các điều khoản hợp đồng theo hướng phân bổ rủi ro công bằng trong toàn chuỗi giá trị.
Thứ ba, minh bạch nguồn gốc nguyên liệu: Để đáp ứng quy tắc xuất xứ từ các hiệp định thương mại, doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, kiểm soát đầu vào nguyên liệu và xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Cuối cùng là lhủ động đề xuất chính sách hỗ trợ: Hiệp hội kiến nghị Chính phủ sớm đàm phán với phía Hoa Kỳ để điều chỉnh mức thuế, phân loại chi tiết theo từng mặt hàng và xem xét tạm hoãn áp dụng thuế trong vòng 2–3 tháng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ như giảm thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn nợ, giảm lãi suất cũng cần được duy trì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiến trình ký kết các hiệp định thương mại mới, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Canada hoặc Việt Nam – Canada. Trong năm 2024, xuất khẩu dệt may sang Canada đã đạt 1,23 tỷ USD, tăng 47% so với năm 2019. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho việc mở rộng thị trường ngoài Mỹ.
Trước những tác động nặng nề từ chính sách thuế mới của Mỹ, đại diện Hiệp hội cho rằng ngành dệt may đang đứng trước thời điểm bản lề, đòi hỏi sự chung tay từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp từ đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực chuỗi cung ứng, cải cách chính sách đến chủ động hội nhập, ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phục hồi và tiếp tục giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực này đã lập tức có những phản ứng kịp thời nhằm ứng phó với chính sách thuế mới đầy thách thức.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10, chia sẻ rằng chính sách thuế quan mới từ phía Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tạo ra áp lực không nhỏ đối với giá thành sản phẩm, từ đó làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ. Theo bà Thảo, nếu không có giải pháp kịp thời, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với tình trạng sụt giảm đơn hàng ở mức 10% trong thời gian tới, điều này sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và nguồn thu của công ty.
Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị từ trước và dự đoán được xu hướng gia tăng rào cản thương mại từ thị trường Mỹ, đặc biệt với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, May 10 đã chủ động triển khai chiến lược đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Bên cạnh việc duy trì thị phần tại Mỹ, doanh nghiệp đã tích cực mở rộng hoạt động xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia và một số quốc gia khác, góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng đầu ra, May 10 còn đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc – vốn đang là điểm nóng trong căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến vấn đề nguồn gốc bông Tân Cương mà Mỹ theo dõi rất sát sao. Việc tìm kiếm các nhà cung ứng từ những quốc gia khác đã giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong sản xuất và tuân thủ các quy định khắt khe về xuất xứ hàng hóa.
Song song với các giải pháp trên, May 10 còn chú trọng đầu tư phát triển thị trường nội địa – một kênh phân phối đầy tiềm năng và bền vững. Việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro từ thị trường quốc tế mà còn tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa tỷ trọng hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, góp phần nâng cao vị thế thương hiệu và ổn định hoạt động sản xuất lâu dài.
Với tư duy linh hoạt, khả năng thích ứng nhanh và chiến lược phát triển bài bản, May 10 đang từng bước vượt qua khó khăn, khẳng định bản lĩnh và vai trò của một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu.
Trần Như
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nganh-det-may-viet-nam-truoc-con-song-du-thue-my-co-hoi-trong-thach-thuc-a16002.html