Việt Nam vẫn giữ vững mức tín nhiệm trong đại dịch

Fitch giữ nguyên hệ số định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và tin tưởng vào triển vọng phục hồi tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.

Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings (Fitch) giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ Tích cực sang Ổn định, theo một thông cáo phát đi ngày 8.4. Trong bối cảnh dịch COVID-19, xếp hạng tín nhiệm BB được giữ nguyên, kể từ tháng 5.2018. Trong khi đó, triển vọng từng được nâng lên mức Tích cực vào tháng 5.2019.

Theo Fitch, việc điều chỉnh triển vọng phản ánh tác động của đại dịch với nền kinh tế qua du lịch, xuất khẩu và nhu cầu nội địa. Dù vậy, việc giữ nguyên xếp hạng khẳng định triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn vẫn vững mạnh. Tình hình vĩ mô tiếp tục ổn định, nợ chính phủ giảm và nguồn tài chính từ bên ngoài tốt hơn so với các nước cùng xếp hạng. Dự trữ ngoại hối cũng được tích trữ vài năm gần đây khi điều kiện kinh tế ổn định hơn.

Xếp hạng tín nhiệm là mức đánh giá của các tổ chức độc lập về khả năng thanh toán các khoản nợ dài hạn bằng ngoại tệ của Chính phủ hay các doanh nghiệp, ngân hàng. Mức xếp hạng tín nhiệm càng cao, các chủ thể được xếp hạng càng có vị thế thương lượng khi vay nợ, do đó có thể thu xếp được các điều khoản có lợi hơn, thông thường là lãi suất thấp hơn.

Dự báo tăng trưởng GDP về 3,3%

Fitch dự báo GDP Việt Nam tăng chậm lại năm nay, về 3,3%, thấp hơn mức 7% năm trước do tác động của đại dịch. Đây có thể là tốc độ chậm nhất của Việt Nam kể những năm 1980. Fitch cho rằng tăng trưởng năm nay khó đoán và chịu áp lực giảm, tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch ở cả Việt Nam và các thị trường xuất khẩu chính. Việt Nam đến nay vẫn ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tương đối thấp, nhưng có thể tăng, trong khi phần lớn hoạt động kinh tế trên cả nước đang chững lại để ngăn dịch bệnh lây lan.

Theo Fitch, ngành du lịch và xuất khẩu của Việt Nam đặc biệt chịu ảnh hưởng. Du lịch đóng góp trực tiếp 10% vào GDP, nhưng tổng thể còn lớn hơn thông qua các tác động gián tiếp. Lượng khách du lịch trong tháng Ba giảm 68% so với cùng kỳ. Fitch dự báo đại dịch có thể được kiềm chế vào nửa cuối năm nay và ngành du lịch sẽ hồi phục với tốc độ chậm.

Xuất khẩu cũng có thể giảm mạnh do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đi xuống, như Mỹ và Trung Quốc, mặc dù đang có sự phục hồi. Nhu cầu xuất khẩu yếu sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành sản xuất.

Cán cân vãng lai được dự báo thâm hụt nhẹ năm nay, từ mức thặng dư khoảng 3% vào năm 2019, do xuất khẩu, du lịch và kiều hối giảm. Tuy nhiên, cán cân này có thể thặng dư trở lại vào năm 2021 khi kinh tế toàn cầu phục hồi.

Việc củng cố tài khóa năm nay có thể bị trì hoãn do các biện pháp kích thích kinh tế. Fitch dự báo thâm hụt ngân sách nới rộng lên 6,5% GDP, từ mức 3,4% năm 2019. Tổng nợ chính phủ lên mức 42,5% GDP từ 38% năm trước, phù hợp với mức tín nhiệm BB. Hai số liệu này có thể tăng nếu dịch bệnh kéo dài hơn dự báo.

Fitch dự báo kinh tế sẽ hồi phục năm tới, với GDP dự báo tăng 7,3% khi nhu cầu trong và ngoài nước hồi phục. Xuất khẩu và du lịch có thể trở lại và FDI vào ngành sản xuất cũng đi lên, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn.

Tâm Phạm

minhtam

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/viet-nam-van-giu-vung-muc-tin-nhiem-trong-dai-dich-a1600.html